MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1 năm đọc 200 cuốn sách nhưng chẳng thấy được tác dụng gì: Cuộc sống không phải cha mẹ, không vì bạn tích cực làm một việc gì đó mà ban thưởng lại cho bạn

05-10-2019 - 13:11 PM | Sống

Đọc nhiều sách là tốt, nhưng mục đích của đọc sách không phải là “đọc” mà là để tiếp thu thêm tri thức, tăng cường khả năng suy nghĩ hoặc giúp chúng ta hình thành nên phương thức tư duy của chính mình.

Bạn nghĩ sao?

2 ngày trước, có một vị độc giả chia sẻ với tôi rằng năm ngoái anh ấy tham gia một hoạt động đọc sách, theo đó mỗi ngày sẽ đọc một cuốn sách. Anh ấy nói từ năm ngoái tới năm nay, trong khoảng thời gian một năm, anh ấy đọc được khoảng hơn 200 cuốn sách.

Nghe anh ấy nói vậy, tôi thấy anh ấy khá là lợi hại, một năm đọc được hơn 200 cuốn sách là điều rất khó tưởng tượng.

Anh ấy nói: "Tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ giỏi hơn sau khi đọc nhiều sách, nhưng hình như lại chẳng có tác dụng gì. Vì vậy, hiện tại tôi muốn từ bỏ việc đọc sách."

Lý tưởng và hiện thực không giống nhau sẽ khiến ta cảm thấy mệt mỏi.

Nỗ lực nhưng lại không đạt được kết quả sẽ khiến ta thất vọng.

Vậy, đọc sách, rốt cuộc phải đọc ra sao mới "hữu ích"?

1 năm đọc 200 cuốn sách nhưng chẳng thấy được tác dụng gì: Cuộc sống không phải cha mẹ, không vì bạn tích cực làm một việc gì đó mà ban thưởng lại cho bạn - Ảnh 1.

1. Kiểu đọc theo trào lưu

Không biết bắt đầu từ bao giờ, rất nhiều nhà thành công học nói rất nhiều về chuyện đọc sách. Vì vậy, những người vốn dĩ đang bế tắc đồng thời không có chủ kiến, sau khi bị "tẩy não" tự nhiên liên hệ thành công và đọc sách lại với nhau, cho rằng chỉ cần đọc sách là sẽ có thể trở thành người có tiền, thậm chí còn tuyên truyền mỗi ngày đọc một cuốn sách, thậm chí là 3,5 cuốn sách một ngày.

Theo lý mà nói, đọc sách là rất tốt, bởi lẽ những thông tin rác và xuyên tạc trong cuộc sống chúng ta đã có quá nhiều, đọc những cuốn sách tốt, những cuốn sách kinh điển có thể giúp bạn trực tiếp tiếp xúc với những tri thức bổ ích và đáng tin cậy.

Rất nhiều người thành công đều đọc sách, nhưng không có nghĩa là chỉ cần bạn đọc sách thì bạn nhất định có thể có được thành công mà bạn mong muốn. Cũng giống như việc những người thành công đều ăn cơm, nhưng không có nghĩa là bạn đi ăn cơm giống họ thì bạn sẽ thành công y như vậy.

Những người biết đọc sách thực sự là những người biết bản thân nên đọc những cuốn sách gì, cũng biết mình phải đọc như thế nào.

Còn những người "làm màu", nói mình đọc nhiều sách thực ra không hề có thói quen đọc sách, họ chỉ là bị quần chúng nhồi nhét rằng "đọc sách = thành công" vậy là mỗi ngày đọc hết 1 cuốn sách, thậm chí là 2,3 cuốn.

Đằng sau sự vội vã mong muốn thành công chính là sự mệt mỏi, lo lắng của con người, còn trong xã hội hiện đại, vấn đề khiến con người ta lo lắng, mệt mỏi nhất lại chính là tiền.

Lúc này, khi người khác móc nối "đọc nhiều sách" với "kiếm được nhiều tiền" lại với nhau, rất nhiều người sẽ tin tưởng, sau đó bắt đầu mở sách, lật sách, đọc không hiểu thì cũng là đọc rồi, lấy số lượng lấn át chất lượng.

Nhưng, cuộc sống không phải cha mẹ bạn, không vì bạn tích cực đi làm một việc gì đó mà sẽ thưởng cho bạn một thứ gì đó.

1 năm đọc 200 cuốn sách nhưng chẳng thấy được tác dụng gì: Cuộc sống không phải cha mẹ, không vì bạn tích cực làm một việc gì đó mà ban thưởng lại cho bạn - Ảnh 2.

2. Trong quá trình đọc sách, hãy thực hành thật nhiều, phương pháp thực hành đơn giản nhất là suy nghĩ và cảm ngộ

Đọc nhiều sách là tốt, nhưng mục đích của đọc sách không phải là "đọc" mà là để tiếp thu thêm tri thức, tăng cường khả năng suy nghĩ hoặc giúp chúng ta hình thành nên phương thức tư duy của chính mình.

Đứng từ bản chất mà nói, đọc sách chính là "thủ đoạn" giúp chúng ta tăng thêm tri thức, bồi dưỡng tư duy, nâng cao năng lực.

Nhưng không phải nói bạn càng đọc sách thì càng lợi hại, đôi khi bạn có thể chỉ là "mọt sách" mà thôi. Những người như thế nào mới thực sự lợi hại, đó là những người kiên trì đọc sách, đồng thời kiên trì vận dụng những tri thức đọc được vào đời sống.

Trong "Tam Quốc diễn nghĩa" có một nhân vật tên Mã Tắc, ông là học trò của Gia Cát Lượng, ông đọc rất nhiều sách, nhưng khi cho ông đi đánh trận Nhai Đình, ông chỉ theo binh pháp hành sự, không liên hệ thực tế, kết quả bị quân đội Tào Ngụy đánh bại, bản thân sau đó cũng phải mất mạng.

Trên thực tế, không phải tất cả nội dung đều có giá trị.

Vì vậy, tôi khuyên mọi người, trong quá trình đọc sách, hãy thực hành thật nhiều.

Phương pháp thực hành trong quá trình đọc có rất nhiều, cách đơn giản nhất là suy nghĩ và cảm ngộ.

Đọc "Tây du kí", vì sao cuối cùng Tôn Ngộ Không được phong Đấu chiến thắng phật, Trư Bát Giới được phong Tịnh đàm sứ giả, còn Sa hòa thượng, người trông có vẻ biết điều, gánh nhiều phần nặng nhọc trên đường lấy kinh lại chỉ được phong Kim thân la hán. Cần phải biết rằng địa vị của La Hán khá thấp, được nhiều người cho là vị đồ đệ biết điều nhất tới cuối cùng lại được phần thưởng thấp nhất, tại sao vậy?

Nếu bạn đọc nghiêm túc, đồng thời suy nghĩ, bạn sẽ phát hiện ra, tâm cơ của Sa Tăng thực ra rất nặng, rất nhiều lúc không muốn ra sức, chuyện gì cũng tàm tạm là được, đằng nào thì đằng trước cũng có đại sư huynh và nhị sư huynh gánh cho rồi. Nếu không ngốc thì sớm đã nhìn ra, vì vậy phong cho Sa Tăng chức Kim thân la hán cho thấy tâm của Sa Tăng chưa thuần, vẫn cần phải rèn luyện thêm.

Có được những suy nghĩ như vậy là đã hơn một bậc so với việc chỉ đơn thuần đọc lấy số lượng, nếu bạn vẫn muốn bước lên một tầm cao mới thì bạn có thể viết lại những suy nghĩ và cảm xúc của mình ra để mọi người cùng bàn luận.

Luyện tập như vậy khi mới bắt đầu có thể thấy mất rất nhiều công sức, thời gian, không dễ dàng gì, nhưng lâu dần khi đã hình thành thói quen, khi nhìn thấy những nội dung mới tự nhiên suy nghĩ sẽ ập đến, năng lực suy nghĩ và năng lực biểu đạt tự nhiên sẽ được nâng cao.

1 năm đọc 200 cuốn sách nhưng chẳng thấy được tác dụng gì: Cuộc sống không phải cha mẹ, không vì bạn tích cực làm một việc gì đó mà ban thưởng lại cho bạn - Ảnh 3.

3. Bồi dưỡng năng lực suy nghĩ độc lập, cần có sự chủ quan và quan điểm của riêng mình, đừng lúc nào cũng để người khác "dắt mũi"

Cho đến nay tôi ngày càng nhận thức được ra rằng chúng ta thực sự nên học cách thoát khỏi một vài quy ước xã hội.

Khi bạn còn nhỏ, giáo viên hỏi bạn muốn làm gì trong tương lai, bạn nói rằng bạn muốn trở thành một nhà khoa học. Đến khi bạn lên cấp ba, giáo viên hỏi còn bao nhiêu người muốn làm nhà khoa học, lúc đó không có nhiều người nữa.

Lý do là bởi: khi bạn còn nhỏ, bạn tin rằng mình có thể, bởi khi đó không ai nói rằng bạn không thể.

Sau này khi bạn dần trưởng thành, việc bạn muốn làm, người bên cạnh sẽ nói với bạn rằng: bạn không thể. Thời gian lâu dần bạn cũng sẽ cảm thấy mình không thể, sau cùng là từ bỏ.

Vì vậy, hãy thử nghĩ xem, trên con đường trưởng thành của mình, rốt cuộc có bao nhiêu chuyện, sau khi bị người khác thuyết phục là bạn không làm nữa?

Khi chúng ta làm việc, trước tiên hãy cố gắng tự mình đi phân tích, đừng vội lắng nghe tiếng nói của những người phản đối bạn, vì họ đã thích nghi với môi trường xã hội rồi. Xã hội cũng sẽ đặt một rào cản trước mặt bạn, bạn sẽ lo lắng về việc đi lệch khỏi các quy tắc xã hội, bởi vì bạn sẽ bị trừng phạt gấp đôi nếu bạn không tuân theo các quy tắc xã hội đó.

Nhưng nếu bạn muốn làm nhiều thứ, bạn thực sự cần phải thực hiện những cách tiếp cận khác thường, và có lẽ phương pháp này sẽ không được nhiều người chấp nhận.

Bởi vì thứ mà bạn theo đuổi càng ưu việt, bạn càng cần phải vượt qua những ràng buộc của xã hội.

Tương tự, khi đọc sách cũng vậy, bạn cần có sự chủ quan và quan điểm của riêng mình, đừng lúc nào cũng để người khác "dắt mũi".

Tại sao nhận thức của bạn thường bị ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông? Bởi vì trong cuộc sống thực, các phương tiện truyền thông thường thích sử dụng sự bất an và nỗi sợ hãi của bạn để thu hút sự chú ý của bạn.

Truyền thông và tiếp thị có thể dựa vào cái nghèo, lo lắng, bất tài, vật lộn của bạn để thu hút bạn, nói với bạn cách để làm giàu, cách để thành công.

Do đó, nhiều người sẽ dễ dàng tin rằng đọc sách có thể thành công, cổ phiếu có thể thành công, họ có thể thành công khi làm điều gì đó, họ không thích nghĩ nhiều, họ thích làm và giải quyết vấn đề theo một chiều.

Nhưng thực ra: cái gọi là thành công, nó mang tính hệ thống, mang tính đa chiều.

Vì vậy, so với việc đọc sách để lấy số lượng, hãy cải thiện khả năng tư duy độc lập và khả năng nhận thức cơ bản của bạn.

Theo Như Quỳnh

Trí thức trẻ

Trở lên trên