MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 năm gia nhập WTO: Chuyên gia Việt Nam bảo “thua toàn diện”, chuyên gia nước ngoài nói “được nhiều hơn mất”

Trả lời Báo Trí Thức Trẻ chiều nay (15/5), ông Pascal Lamy – nguyên Tổng Giám đốc WTO vẫn bảo toàn quan điểm của mình 10 năm trước, “Việt Nam được nhiều hơn mất khi gia nhập WTO”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Nhìn nhận một thập kỷ qua, cựu TGĐ WTO nhận định Việt Nam là một ví dụ thành công về tiến trình hội nhập mà ở đó, Việt Nam đã khai thác được nhiều lợi thế so sánh.

Lợi thế so sánh đó, ông Pascal Lamy chỉ ra là chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động. Các ngành hàng mà Việt Nam chiếm ưu thế lần lượt là điện tử, dệt may, nông sản.

“Việt Nam phát triển nhiều nhờ mở rộng quan hệ, chính sách đổi mới. Việc mở cửa thị trường đã đem lại nhiều lợi ích, giúp các nước tìm được vị trí của mình trong nền kinh tế”, ông Pascal Lamy nói.

Ông khẳng định với báo Trí Thức Trẻ rằng Việt Nam được lợi rất nhiều khi gia nhập WTO. Đây là quan điểm nhất quán của ông Pascal Lamy, nếu nhìn lại những lần trả lời báo giới Việt Nam vào các thời điểm 2007 – khi Việt Nam mới gia nhập tổ chức này, năm 2010 – 3 năm sau hội nhập.

Tuy nhiên, quan điểm dường như ngược với nhận định của một số nhà phân tích trong nước. Ví dụ như ông Huỳnh Thế Du, GĐ Đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã thẳng thắn bình luận: “10 năm vào WTO chúng ta đã thua toàn diện trên sân nhà”. Vị chuyên gia này cũng đã bắt bệnh cho Việt Nam khi chẩn đoán chúng ta bị mắc căn bệnh Hà Lan.

Đó là việc một lượng tiền khổng lồ được đưa vào nền kinh tế khiến cho đất nước không thiếu vốn nhưng lại bị đổ vào đầu cơ và kinh doanh tài sản, làm méo mó động lực của nền kinh tế.

Quan điểm này về sau cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia khác, trong đó, có GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Hay như ví dụ như ở ngành xuất nhập khẩu. Nếu chỉ nhìn vào các con số tổng thể, xuất nhập khẩu Việt Nam đương nhiên cao trong 10 năm qua. Tuy nhiên, thành tích này lại thuộc nhóm các doanh nghiệp FDI mà như chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành nhận định: “Tuy 10 năm qua, hàng hóa xuất khẩu mang hàm lượng công nghệ cao hơn, sản phẩm đa dạng hơn, thị trường xuất khẩu cải thiện hơn nhưng xuất khẩu mang nội hàm trong nước còn thấp, giá trị gia tăng tạo ra chưa cao. Sở dĩ như vậy là vì công nghiệp phụ trợ chưa có bước tiến đáng kể và ngay cả phần trong nước tạo ra chủ yếu vẫn là doanh nghiệp FDI. Khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các mạng, chuỗi sản xuất - kinh doanh còn thấp và yếu, chưa nói đến số doanh nghiệp vươn lên được lại càng ít ỏi”.

Về thâm hụt thương mại, TS Võ Trí Thành cho rằng sau 10 năm gia nhập WTO, tình hình được cải thiện nhưng tỉ trọng của thâm hụt thương mại trên GDP và trên tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta vẫn còn cao. Như vậy, các nước đã tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập WTO để đưa hàng hóa vào Việt Nam còn chúng ta lại chưa tận dụng tốt cơ hội từ WTO mang lại.

Trong 10 năm đó nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,29%. TS Võ Trí Thành đánh giá từ chỗ hứng khởi gia nhập WTO vào năm 2007 thì chỉ một thời gian ngắn sau, đến năm 2011, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu xấu.

Trong đó, gây quan ngại lớn là tình trạng đầu tư tăng nhưng tăng trưởng giảm, chất lượng tăng trưởng xét từ góc độ năng suất cũng giảm. Ngoài ra, bất ổn kinh tế vĩ mô nghiêm trọng, lạm phát cao, khoảng cách tiết kiệm - đầu tư rất lớn, thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, thâm hụt thương mại đều cao…

“WTO đã làm lộ rõ những nét cơ bản, đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam, trong đó khía cạnh yếu kém bộc lộ nhiều hơn cả. Đó là bài học dù có thể đau nhưng rất nghiêm túc cho Việt Nam. Chính sự hứng khởi quá đà sau khi gia nhập WTO đã khiến việc hoạch định chính sách có thời điểm tập trung dồn vào tăng trưởng và đầu tư cao, bất chấp hiệu quả” - ông Thành chia sẻ với báo chí.

Còn TS. Lê Huy Khôi, Trưởng Ban Nghiên cứu và dự báo thị trường - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) thì cho rằng “Sau 10 năm gia nhập WTO, tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp hơn so với những gì chúng ta làm được vào thời kỳ trước đó. Nếu so sánh với các quốc gia có cùng xuất phát điểm như Lào, Campuchia, Myanmar… thì hiệu quả tăng trưởng xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng không đạt được tương đương”.

Khi Trí Thức Trẻ đặt vấn đề này với ông Pascal Lamy, ông nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam không hề thất bại, Việt Nam đang hội nhập và có nhiều sự chuyển biến tốt.

“Chắc chắn việc mở cửa sẽ gây nhiều xáo trộn, đấy là nguyên tắc và là tiền đề. Không có một quá trình chuyển đổi nào không màu, không mùi, toàn niềm vui cả. Nó sẽ gây khó khăn cho một số đối tượng, nhưng là điều bình thường của nền kinh tế thị trường. Vấn đề chính là làm sao cho quá trình này được diễn ra trong điều kiện công bằng, bình đẳng”, ông nói.

Ông Pascal Lamy không bình luận về nhận định của TS. Huỳnh Thế Du về căn bệnh được chẩn đoán cho kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập WTO.

Ông Pascal Lamy cũng cho rằng Việt Nam vẫn sẽ duy trì được lợi thế cạnh tranh về nhân lực ngay cả trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bởi cốt lõi là con người mà như ông nhận định là người Việt Nam có những cần cù, quyết tâm.

“Việt Nam sẽ không mất lợi thế này, trừ khi là không đầu tư đủ đào tạo nhân tài. Trí tuệ nhân tạo (AL) không thể thay thế cho con người được”, ông Pascal Lamy cho biết.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên