MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 ngân hàng giữ hơn 50.000 tỷ đồng nợ xấu

11-05-2017 - 07:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều ngân hàng giảm nợ xấu nhưng cũng có những ngân hàng tăng nợ xấu, điều này phản ánh bức tranh phân hóa trong tiến trình xử lý nợ xấu cũng như khả năng quản trị chất lượng tài sản giữa các ngân hàng.

Theo báo cáo thị trường hàng ngày vừa được công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố, tỷ lệ nợ xấu trong quý I/2017 phân hóa giữa các ngân hàng.

Thống kê từ 10 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, VIB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Kienlongbank, BacABank tính đến hết quý I/2017 cho thấy tổng nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của nhóm ngân hàng này đạt 50.695 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm 3 và nhóm 4, lần lượt là 13% và 18%, lên mức 15.749 tỷ đồng và 7.941 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhẹ 0,1% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu (53%) với 27.005 tỷ đồng.

Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay với 4,89%. Đứng thứ hai là Eximbank với khoảng 3%. BIDV là “ông lớn” duy nhất nằm trong top 3 có tỷ lệ nợ xấu cao với 2,14%, đồng thời cũng tăng so với con số 1,99% vào cuối năm 2016. Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm trong quý I là Vietcombank, VIB và Kienlongbank.

BVSC đánh giá Vietcombank vẫn đang cho thấy là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống khi tỷ lệ nợ xấu tính đến hết quý I/2017 chỉ ở mức 1,48%, giảm so với con số 1,51% vào cuối năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, Techcombank có tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,58% lên 1,89%. Tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng gần 16%, lên hơn 2.600 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 1.506 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2016. Một ngân hàng đáng chú ý khác là MBB, tỷ lệ nợ xấu tính đến 31/3/2017 là 1,35%, tăng so với cuối 2016.

Theo BVSC, việc tăng giảm trái chiều của tỷ lệ nợ xấu phản ánh bức tranh phân hóa trong tiến trình xử lý nợ xấu cũng như khả năng quản trị chất lượng tài sản giữa các ngân hàng. Đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng để NHNN xem xét cấp mức trần tăng trưởng tín dụng trong năm cho từng ngân hàng.

Ở thời điểm hiện tại, BVSC cho rằng nhà điều hành không nên đánh đổi sự an toàn của hệ thống để chạy theo tăng trưởng tín dụng “nóng”, nhất là trong bối cảnh nợ xấu vẫn đang là gánh nặng của không ít ngân hàng.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên