MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 ngày chiến đấu sống còn với virus corona của nữ y tá giữa tâm dịch Vũ Hán: Làm quần quật 8 tiếng không kịp ăn bữa cơm, đau đớn nhìn từng đồng nghiệp gục ngã

01-02-2020 - 21:56 PM | Sống

Giống như nhiều y tá khác, Lôi Ngọc Cầm được trang bị đầy đủ dụng cụ, từ quần áo bảo hộ 3 lớp, bọc giày cho đến khẩu trang, kính bảo hộ, sẵn sàng. Họ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm virus corona.

Lôi Ngọc Cầm là một y tá có 10 năm kinh nghiệm tại Vũ Hán. Khi dịch bệnh bùng phát tại thành phố này vào ngày 20/1, cô đã được chuyển đến khu vực cách ly trong bệnh viện để hỗ trợ các đồng nghiệp.

Sau 10 ngày chiến đấu giữa tâm dịch, Lôi Ngọc Cầm đã lên mạng chia sẻ về công việc của mình, giúp mọi người hiểu được những gì mà các nhân viên y tế ở Vũ Hán, Trung Quốc đang đối mặt từng ngày.

Dưới đây là bản lược dịch tâm sự của y tá Lôi Ngọc Cầm.

***

Thiếu hụt nhân viên, mỗi y tá phải chăm sóc 5-6 người cùng lúc

Khoa Hô hấp tại bệnh viên chúng tôi được phân thành 6 khu, tất cả đều được cách ly nghiêm ngặt. Có hơn 20 giường bệnh ở mỗi tầng, nhưng để tránh nhiễm trùng, số bệnh nhân không vượt quá 17. Khoảng cách giữa hai giường trong phòng bệnh là 1m. Những bệnh nhân nặng hơn sẽ có phòng riêng để không tiếp xúc với người khác.

Ban đầu, do thiếu hụt nhân viên, mỗi y tá phải quản lý 5-6 bệnh nhân. Thế rồi, vì khối lượng công việc quá lớn ngoài sức chịu đựng của mọi người, chúng tôi buộc phải tuyển thêm người.

Mỗi buổi sáng, tôi sẽ mặc quần áo bảo hộ vào và đi thăm bệnh lúc 8h. Nhiệm vụ của tôi là chăm sóc răng miệng, rửa mặt và cho bệnh nhân ăn sáng. Sau đó, chúng tôi sẽ lau sạch sẽ giường nằm và bàn ăn, khử trùng phòng bằng clo, máy khử trùng không khí và đèn cực tím. Chất thải y tế tại khu vực cách lý cũng phải được xử lý đặc biệt. Chúng tôi cũng phải phân loại chúng trước khi vứt vào một thùng rác màu vàng đặt trong phòng.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ đo nhiệt độ của bệnh nhân để kiểm tra xem họ có sốt hay không, đo độ bão hòa oxy trong máu để xem có khó thở hay thiếu oxy không, rồi tiêm các loại thuốc khác nhau. Kim tiêm cho bệnh nhân cũng được thay đổi liên tục.

Chúng tôi cứ làm việc như vậy cho đến 8-9h tối, cố gắng hết sức các nhu cầu của bệnh nhân trong giai đoạn này. Vào buổi tối, trước khi đi về, chúng tôi giúp đỡ họ rửa chân bằng nước nóng. Người nào bệnh tình tiến triển tốt thì có thể xem TV, chơi điện thoại di động, đọc báo…

10 ngày chiến đấu sống còn với virus corona của nữ y tá giữa tâm dịch Vũ Hán: Làm quần quật 8 tiếng không kịp ăn bữa cơm, đau đớn nhìn từng đồng nghiệp gục ngã  - Ảnh 1.

Phần lớn các bệnh nhân thuộc khu vực cách ly đều không muốn nằm ở đó. Họ nghĩ đã vào đến chỗ này thì nghĩa là không thể chữa trị nữa, chỉ chờ chết. Y tá chúng tôi đã phải rất nhiều lần làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân.

Trên thực tế, chúng tôi là những người phải đối mặt với nhiều rủi ro nhất. Thông thường, các bác sĩ sẽ được cách ly riêng trong văn phòng hầu như toàn bộ thời gian. Họ sẽ nhập yêu cầu và chỉ dẫn lên máy tính để chúng tôi đi tiêm và phát thuốc cho bệnh nhân. Chỉ khi có bệnh nhân khó thở hoặc trở nặng, chúng tôi mới gọi bác sĩ đến. Vì thế, những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân chính là y tá chúng tôi.

Cơm không kịp ăn, suốt 8 tiếng chỉ được đi vệ sinh 1 lần

Ban đầu, không ai biết gì về căn bệnh viêm phổi lạ cũng như loại virus mới này. Do đó, chúng tôi đã không có những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm kịp thời. Chỉ khi tiến hành quét họng, lấy máu và chụp CT cho bệnh nhân, chúng tôi mới phát hiện ra chủng virus corona đặc biệt này. Thế nhưng, tất cả đã quá muộn khi một số bác sĩ và y tá bắt đầu nhiễm bệnh.

Kể từ đó, lần nào vào khu vực cách ly chúng tôi cũng trang bị đầy đủ. Bên cạnh khẩu trang N95 và kính bảo hộ, chúng tôi còn phải mặc bộ quần áo dày 3 lớp: bên trong là đồng phục y tá, ở giữa là áo cách ly, bên ngoài là trang phục bảo hộ màu trắng. Chúng tôi còn phải che chắn chân bằng giày đi mưa.

Theo quy định tại khu vực cách ly, phải sau 4 tiếng bạn mới được ra ngoài để đi vệ sinh, nghỉ ngơi và hít thở không khí trong lòng. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng chút nào. Bạn sẽ phải đi qua 3 lớp cửa, đồng nghĩa với 3 lần thực hiện khử trùng.

Đầu tiên, chúng tôi phải cởi bỏ quần áo bảo hộ bên ngoài rồi khử trùng nó. Sau đó, chúng tôi cởi áo choàng, tháo kính và khẩu trang, tiếp tục khử trùng lần hai. Cuối cùng mới đến cởi bỏ đồng phục y tá. Thậm chí, chúng tôi vẫn phải khử trùng thêm một lần nữa, bằng cách xịt thuốc lên cơ thể, rửa mặt và gội đầu, rồi mới được thay quần áo và đi ra ngoài.

10 ngày chiến đấu sống còn với virus corona của nữ y tá giữa tâm dịch Vũ Hán: Làm quần quật 8 tiếng không kịp ăn bữa cơm, đau đớn nhìn từng đồng nghiệp gục ngã  - Ảnh 2.

Dù vậy, tôi sẽ không thể hoàn thành kịp công việc nếu ra ngoài nửa chừng để nghỉ ngơi tầm 30 phút. Đến ngày 21/1, công việc ngày càng trở nên bận rộn. Tôi làm việc trong 8 tiếng liên tiếp mà không kịp ăn uống hay đi vệ sinh. Khi ra ngoài, tôi còn thấy mặt mình bị xước do các dải kim loại trên mặt nạ gây ra.

Mặt nạ cũng là một thứ khá phiền phức. Đeo nó trong một thời gian dài sẽ gây thiếu oxy, khiến tôi hay bị chóng mặt, hoa mắt và đau đầu. Quần áo bảo hộ cũng vô cùng kín gió. Thế nên, mỗi khi tan làm, quần áo tôi đều ướt sũng vì mồ hôi.  

Tại nơi làm việc, chúng tôi được cung cấp bữa trưa gồm trứng, sữa chua, thịt viên, cá, bắp cải và cơm. Tuy nhiên, chẳng lúc nào chúng tôi có thể nghỉ ngơi đúng giờ. Chúng tôi bắt đầu làm việc từ 8h sáng, nhưng đến 2-3h chiều mới được ra ngoài ăn, nên cơm canh cũng nguội hết cả.

Những ngày dịch bệnh hoành hành, tôi làm việc liên tục đến 9-10 giờ tối mới chịu lê lết thân xác mệt mỏi về nhà. Đồng hồ điểm 0h sáng, tôi mệt mỏi chìm vào giấc ngủ trên giường.

Nhà tôi khá xa bệnh viên, phải mất hơn 1 tiếng đi bằng tàu điện ngầm. Ngày 21/1, sau khi tan ca lúc 7h tối, tôi đành bắt taxi về nhà với giá 30 tệ. Được ăn bữa cơm tối nóng hổi, nước mắt tôi bất chợt tuôn rơi.

Bị cách ly trong phòng bệnh, tôi không được sử dụng điện thoại, nên cũng chẳng thể lên WeChat. Thế nhưng, bạn bè và người thân vẫn liên tục cổ vũ tôi. Em gái nhắn tin hỏi han, tự hào gọi tôi là "thiên thần áo trắng". Bố tôi bảo rằng tôi đã làm việc rất chuyên nghiệp, trở thành tấm gương cho cả nhà.

Đồng nghiệp lần lượt ngã xuống: "Đừng đến, tôi sẽ lây bệnh cho cô mất!"

Mặc dù được bảo vệ vô cùng kỹ càng, các bác sĩ và y tá của chúng tôi vẫn lần lượt ngã xuống. Hai người bạn của tôi – cũng là y tá – đã bị sốt cao, dù chưa thấy triệu chứng rõ ràng của virus corona nhưng ảnh chụp CT phổi đã có dấu hiệu nhiễm trùng.

Khoa chúng tôi có 20 người, bao gồm cả bác sĩ và y tá, thì có đến 7 người bị nghi nhiễm bệnh. Hôm nay, một người đồng nghiệp ốm; hai hôm sau, một người khác lại ngã xuống. Những tin tức kiểu này càng khiến tôi lo lắng hơn.

Bác sĩ Vương là một trong những nhân viên bị nhiễm bệnh mà tôi được giao chăm sóc. Vì tình hình nguy cấp, anh đã không đeo khẩu trang N95 khi tiếp xúc với bệnh nhân. Khi người đó được chuyển đi nơi khác cũng là lúc bác sĩ Vương ngã xuống.

10 ngày chiến đấu sống còn với virus corona của nữ y tá giữa tâm dịch Vũ Hán: Làm quần quật 8 tiếng không kịp ăn bữa cơm, đau đớn nhìn từng đồng nghiệp gục ngã  - Ảnh 3.

Anh ấy sốt rất cao, luôn trong khoảng 39,6 độ. Vào những lúc nghiêm trọng, bác sĩ Vương sẽ cảm thấy khó thở, mặt mày tím tái, buộc tôi phải hỗ trợ anh thở oxy. Suốt nhiều ngày liền, bệnh tình của anh cứ dậm chân tại chỗ.

Theo hướng dẫn của các bác sĩ, chúng tôi cho bác sĩ Wang sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, có thứ giá lên tới 20.000 NDT/ngày. Mục tiêu cuối cùng là để giúp bệnh nhân chống lại virus và tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên đến hiện tại, vẫn chưa một phương thuốc nào có thể trực tiếp đẩy lùi virus corona.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ Vương cũng rất đau đớn. Anh ấy vốn là người năng động, vậy mà giờ đây lại chẳng thể trò chuyện, cũng không thể giao lưu bạn bè.

Cha mẹ của bác sĩ Vương cũng bị nhiễm bệnh và đang được chữa trị tại một bệnh viện gần đó. Vì không ai biết gì về virus này từ đầu, bác sĩ Vương đã về nhà và lây cho cả gia đình.

Tôi có thể cảm nhận được sự buồn phiền của bác sĩ Vương mỗi ngày, thậm chí anh ấy còn dần mất niềm tin. Một ngày sau, tình trạng của anh ấy xấu đi và phải chuyển lên phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi bảo rằng mình có thời gian đến thăm anh. Thế nhưng, bác sĩ Vương chỉ nói: "Đừng đến gặp tôi, kẻo tôi lây bệnh cho cô mất!".

Tôi từng hỏi một đồng nghiệp: "Cậu có nghĩ tôi sẽ chết không?". Cô ấy liền an ủi: "Không. Bệnh này cho dù nghiêm trọng, cùng lắm là nằm viện, chứ sẽ không chết". Dù cảm thấy thoải mái hơn trong lòng, tôi vẫn thực sự sợ hãi: Liệu mình có chết không?"

"Tôi cũng sợ cái chết, nhưng tôi còn lương tâm của mình"

Trong thời gian làm ở khu cách ly, tôi không thể sống cùng gia đình. Tôi đã phải gửi đứa con hơn 1 tuổi cho ông bà, cũng dặn chồng đừng về nhà, vì sợ lây cho mọi người. Trong quãng thời gian đó, tôi sống ở nhà một mình. Có những người đồng nghiệp của tôi phải đem theo đồ khử trùng ra thuê phòng trọ hoặc khách sạn để sống.

Ngày 23/1, có lệnh phong tỏa hoàn toàn thành phố. Tôi cảm thấy sốc và chợt nhận ra dịch bệnh đã nghiêm trọng đến mức nào. Ngày 26/1, chính quyền không chỉ cấm các phương tiện giao thông công cộng, mà xe hơi cá nhân cũng không được phép ra đường.

Bình thường, gia đình vẫn luôn ủng hộ công việc của tôi. Tuy nhiên, lần này họ không muốn cho tôi đi, vì con cái hẵng còn nhỏ. Bản thân tôi làm việc dưới áp lực, cường độ cao cũng cảm thấy khó chịu và mệt mỏi, đặc biệt là sợ bị lây nhiễm.

Thế nhưng, khi nghe nói hơn 4.000 chủ xe tại Vũ Hán đã thành lập một nhóm hỗ trợ dịch vụ y tế và đưa đón nhân viên y tế đi làm, tôi đã rất cảm động. Tôi bảo với người nhà rằng mình nhất định phải quay lại.

Hóa ra trong xã hội có nhiều người tốt và quan tâm đến chúng ta như vậy. Bản thân là một y tá trẻ, nếu không cố gắng mà chỉ biết trốn ở nhà, tôi cũng sẽ cảm thấy hổ thẹn với lương tâm, có lỗi với chính mình.

10 ngày chiến đấu sống còn với virus corona của nữ y tá giữa tâm dịch Vũ Hán: Làm quần quật 8 tiếng không kịp ăn bữa cơm, đau đớn nhìn từng đồng nghiệp gục ngã  - Ảnh 4.

Trước khi đi, tôi thay tã và cho con gái uống sữa. Dường như linh cảm được chuyện gì đó, con nằng nặc không cho tôi đi. Tôi phải nói dối con bé rằng mẹ chỉ đi tắm và giặt quần áo rồi sẽ quay lại. Lặng lẽ để con ở lại chơi với bà, tôi leo lên chiếc xe tình nguyện và đến bệnh viện làm việc. Tối đó, bà nói với tôi rằng con bé cứ đi từng phòng tìm mẹ, khóc mãi không thôi.

Những ngày này, số bệnh nhân tại Vũ Hán đã tăng không đếm xuể, nhân viên y tế cũng không thể cáng đáng hết công việc. Đồ bảo hộ cũng vô cùng thiếu thốn, khẩu trang N95 cũng chẳng còn. Tôi thậm chí phải che chắn chân bằng túi rác, tái sử dụng kính bảo hộ bằng cách ngâm trong hóa chất khử trùng, dẫu biết việc này là rất nguy hiểm.

Thế nhưng, như tôi đã nói ngày hôm ấy: Dù cho bao nhiêu người đồng nghiệp có ngã xuống, tôi sẽ vẫn tiếp tục làm việc. Tôi muốn vì Vũ Hán mà cống hiến chút sức mọn của mình.

Các chuyên gia nói rằng, phải mất 2-3 tháng đại dịch này mới có thể kết thúc. Vì thế, tôi phải chuẩn bị kỹ để có thể "kháng chiến trường kỳ". Đối với nhân viên y tế, việc bảo hộ phòng tránh lây nhiễm là rất quan trọng. Điều tôi hy vọng nhất là có đủ vật tư trang thiết bị cho nhân viên, đừng để chúng tôi bước vào trận chiến đấu này một cách nguy hiểm như vậy.

 Theo QQ

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên