Mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 từng được coi là bất khả thi trong gần 3 quý đầu tiên. Tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 3 năm gần đây, quý II là 6,17% càng khiến mục cả 6,7% của cả năm không sáng sủa. Các tổ chức quốc tế lớn như World Bank, ADB… đều dự báo tăng trưởng năm 2017 chỉ đạt khoảng 6,3%. Cũng vì thế, nhiều ý kiến đề nghị giảm mục tiêu tăng trưởng để đảm bảo ổn định vĩ mô và không gây ra lạm phát. Tuy nhiên, Chính phhủ vẫn kiên định với mục tiêu đã đặt ra.

Để thực hiện mục tiêu được coi là bất khả thi, Chính phủ tiến hành đồng bộ hàng loạt giải pháp nhằm khơi thông tăng trưởng như đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa, quy trách nhiệm cá nhân với lãnh đạo địa phương, bộ ngành trong việc phải tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp…

Một tuần sau khi Bộ Công thương công bố sẽ cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh – điều chưa từng có trong lịch sử, Tổng cục Thống kê công bố kết quả tăng trưởng GDP quý III đạt 7,46% - mức cao chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Con số này cũng kéo mức tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm lên 6,41% và mục tiêu tăng trưởng bất khả thi của năm 2017 đã trở thành khả thi.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ hoàn toàn thành 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2017, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đây cũng là năm đầu tiên Chính phủ hoàn thành cả 13 chỉ tiêu do Quốc hội đề ra, trong đó có “nhiệm vụ bất khả thi”về tăng trưởng GDP 6,7%.

Việt Nam đăng cai APEC 2017 trong bối cảnh hết sức phức tạp. Mỹ, quốc gia thường đóng vai trò dẫn đầu trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đột ngột trở lại với chủ nghĩa bảo hộ dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nổi lên với tham vọng lấp đầy những khoảng trống mà Mỹ bỏ lại. Trong khi đó, mối quan hệ Nga – Mỹ vẫn nguội lạnh.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Việt Nam đã giúp Tuần lễ Cấp cao APEC thành công tốt đẹp. Lãnh đạo 20 nền kinh tế cùng các phái đoàn quốc tế tới dự APEC dành nhiều mỹ từ cho Việt Nam trong vai trò quốc gia chủ nhà. Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có bài phát biểu ấn tượng tại APEC CEO Summit, mô tả: “APEC Việt Nam thành công một cách tuyệt vời".

Bên lề APEC 2017, Bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhóm họp nhằm thông qua TPP-11. Tuy nhiên, sự vắng mặt bất thường của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã khiến cuộc họp của lãnh đạo 11 quốc gia không thể diễn ra như kế hoạch.

Sự thay đổi của Canada khiến nhiều người nghĩ TPP đã chết. Tuy nhiên, với nỗ lực của Nhật Bản và Việt Nam, các bộ trưởng đã đạt được đồng thuận vào “phút 89” về TPP-11 với tên mới “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP”. CPTPP giữ nguyên các nội dung của TPP cũ nhưng có thêm 20 điều khoản tạm hoãn cho một số nước thành viên và để ngỏ cơ hội kêu gọi Mỹ quay lại bàn đàm phán.

“Quân đội xem xét khả năng chấm dứt mọi hoạt động kinh tế” là phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM. Sau phát ngôn này là cơn bão tranh luận về chuyện quân đội có nên tiếp tục làm kinh tế hay chỉ tập trung hoàn toàn vào nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy, hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thực tế, câu chuyện quân đội làm kinh tế đã được thể hiện ở “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội”, trên tinh thần của Nghị quyết 425 ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương. Theo đó, 17 doanh nghiệp sẽ vẫn được Nhà nước nắm giữ 100% vốn, từ mức 88 doanh nghiệp hiện tại. Trong đó, giữ nguyên 12 doanh nghiệp đang thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đề án hình thành 5 tổng công ty có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng, trên cơ sở cơ cấu lại các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.

Sau đó, câu chuyện quân đội làm kinh tế đã rõ ràng hơn sau buổi trả lời của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với khẳng định: “Quân đội không làm kinh tế đơn thuần nhưng vẫn làm kinh tế quốc phòng. Quân đội làm kinh tế, khoa học công nghệ để phục vụ cho phát triển tiềm lực quốc phòng”.

Tuy nhiên, doanh nghiệp quân đội đã có quyết định cổ phần hóa từ hơn 10 năm trước nhưng quy mô cực lớn (Viettel Telecom – tiền thân là Viettel Telephone) có được đưa vào danh sách đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước hay không vẫn chưa rõ ràng.

Nếu không có gì thay đổi, khoảng giữa năm 2018, Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ được trình để bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.

Dù được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chính thức tiết lộ và gây “sốt” hồi tháng 5 năm nay nhưng ý niệm về đặc khu kinh tế thực chất đã có từ 20 năm trước, chứa đựng khát vọng đổi thay đất nước.

Trong mắt TS. Vũ Thành Tự Anh (GĐ chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), đặc khu kinh tế là phòng thí nghiệm cho cải cách thể chế còn đối với TS. Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) đây là tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng.

Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang), các nơi được quy hoạch làm đặc khu, dự báo mang về cho ngân sách Nhà nước 9,5 tỷ USD (hơn 4% GDP Việt Nam năm 2017) cũng như nhiều tỷ đô la khác từ giá trị gia tăng.

Thực tế, Luật tuy chưa được thông qua nhưng cơn sốt đầu tư vào các địa điểm trên đã diễn ra. Trong đó, đáng chú ý là sân bay tư nhân đầu tiên của Tập đoàn Sun Group tại Vân Đồn sẽ đi vào hoạt động khoảng giữa năm 2018.

Dù vậy, đặc khu với không ít đặc quyền khiến các chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội tỏ ra nghi ngại. Nhưng, nói như ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các đặc khu kinh tế (Bộ KHĐT) lại có lý lẽ: “Đừng nghĩ đặc khu kinh tế sẽ lớn bổng và thành công như Thánh Gióng, cứ phải đi, phải làm thì mới biết được”. Quan điểm đơn vị làm Luật là sai đâu, sửa đấy vì cứ chậm như hiện nay, Việt Nam sẽ chỉ có đặc khu trên giấy, còn thế giới đã “chạy” đến version 4.0.

Giữa năm 2017, Bộ Tài chính đưa ra dự báo nợ công sẽ đạt đỉnh trong cùng năm và giảm dần những năm sau đó. Theo đó, với giả định rằng tăng trưởng GDP vào khoảng 6,7 – 7% thì nợ công năm 2017 sẽ lên đến 64,8% GDP. Năm 2018, nợ công vẫn duy trì ở mức cao, vào khoảng 64,7% GDP. Và phải đến 2020, nợ công mới có thể giảm điểm phần trăm, lùi về 63,7% (mức của năm 2016).

Con số tiệm cận mức 65% được coi là báo động đỏ vì nợ công ở ngưỡng từ 65 - 80% (dù vay bằng hình thức nào), GDP sẽ bị ảnh hưởng xấu, thậm chí có thể dẫn tới tăng trưởng âm chưa kể xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng đi xuống. Ở mức này, hầu hết tiền đều dùng để trả nợ chứ không còn đủ để đầu tư cho kinh tế.

Trong cùng thời điểm, World Bank dự báo nợ công của Việt Nam sẽ vượt mức an toàn vào năm 2018 và IMF thì dự báo, nợ công chạm trần 65% ngay trong năm 2017. Thực tế, trong nhiều năm gần đây, tăng trưởng của nợ công cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế và từ năm 2011, Chính phủ đã phải phát hành trái phiếu để đảo nợ.

Những con số báo động đỏ này cũng là lý do khiến các cơ quan Chính phủ (đặc biệt là Bộ Tài chính) phải thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tỷ lệ nợ công tiếp tục leo thang và bội chi Ngân sách lớn.

Tuy nhiên, vào gần cuối năm, Bộ Tài chính công bố dự báo mới về nợ công với con số cuối năm 2017 khoảng 3,1 triệu tỷ đồng (tăng 300 nghìn tỷ đồng so với năm trước) nhưng chỉ chiếm tỷ lệ 62,6% GDP (giảm so với 63,6% của năm 2016). Để có được con số bất ngờ này, ngoài việc kiểm soát chặt con số gia tăng nợ công, yếu tố đặc biệt quan trọng là tăng trưởng GDP dự kiến đạt kế hoạch 6,7% - nhiệm vụ được coi là “bất khả thi” hồi đầu năm.

Đúng vào ngày Quốc khánh năm nay (2/9), Vingroup gia nhập cuộc chơi ô tô với việc khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VinFast, đặt tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng, rộng 335 ha. Tổ hợp có năm phân xưởng cần thiết của chuỗi sản xuất ôtô hoàn chỉnh gồm xưởng ép, hàn thân xe, sơn, động cơ và lắp ráp.

Sau 24 tháng, VinFast dự kiến xuất xưởng một mẫu sedan 5 chỗ, một SUV 7 chỗ mang thương hiệu của Việt Nam. Sau ba năm, VinFast sẽ có sản phẩm ôtô điện; nhưng trong 12 tháng, tổ hợp này sẽ giới thiệu sản phẩm đầu tiên là xe máy điện. Nếu thành hiện thực thì đây là dự án có tốc độ hoàn thành chưa từng có ở Việt Nam.

Theo kế hoạch, ôtô của VinFast sẽ có tỷ lệ nội địa hóa 60%, đủ tiêu chuẩn hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Đến 2025, mục tiêu nhà máy chạm mốc công suất thiết kế 500.000 xe mỗi năm và trở thành hãng ôtô hàng đầu Đông Nam Á.

Để thực hiện khát vọng ô tô thương hiệu Việt, ông chủ của VinFast - tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã mời về các “chiến tướng” như cựu Phó Chủ tịch General Motors - James DeLuca, cựu CEO Bosch Việt Nam – Võ Quang Huệ… mời tư vấn từ Boston Consulting Group, cũng như bắt tay với hàng loạt đối tác sừng sỏ trong ngành ô tô như Magna Steyr, Bosch, Siemens hay AVL…

Đúng 1 tháng kể từ ngày khởi công tổ hợp, ngày 2/10, VinFast công bố 20 mẫu thiết kế cho cả sedan và SUV, hợp tác với bốn hãng thiết kế xe danh tiếng Italy là Pininfarina, Zagato, Torino và ItalDesign. Đây là các hãng từng tạo dáng cho xe Audi, Bentley, BMW, Ferrari, Lamborghini, Mercedes, Porsche, Rolls-Royce. Đây cũng là lần đầu tiên có một thiết kế dành riêng cho thị trường Việt Nam từ các studio danh tiếng trên thế giới.

Chia sẻ với Forbes châu Á, ông Phạm Nhật Vượng nói: “Chúng tôi khát vọng sản xuất xe ô tô thương hiệu Việt có thể cạnh tranh trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng muốn phát triển một ngành công nghiệp có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam”.

Đầu năm, câu chuyện về những chiếc ô tô từ Ấn Độ với mức giá nhập khẩu trung bình chỉ 85 triệu đồng/xe đã phát đi tín hiệu về việc giá xe không thể “mãi ở trên trời”. Trong 3 tháng đầu năm, gần 4.800 chiếc được nhập về, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Thường xuyên điều chỉnh giá, khuyến mãi lệ phí đăng ký... cũng là cách Hyundai Thành Công, Trường Hải và các hãng phân phối tham gia cuộc đua doanh số. Liên tục gây sốt trên thị trường là Hyundai Grand i10, Kia Morning, Mazda 3, Mazda CX-5... Tháng 8/2017, Trường Hải gây sốt bằng việc hạ CX5 2.0 xuống dưới 800 triệu đồng.

Ngay cả những mẫu xe bán chạy nhất thị trường cũng nằm trong danh sách điều chỉnh giá như Vios, Innova, CR-V... Tháng 9/2017, Honda tạo một cú sốc trên thị trường với việc giảm giá hàng trăm triệu đồng với dòng xe CR-V. Giá CR-V 2.0 từ công ty là 788 triệu đồng; còn mức thấp nhất do đại lý bán chỉ 760 triệu đồng.Toyota Vios - mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam nhiều năm liên tiếp cũng giảm giá sốc về mức dưới 500 triệu đồng.

Tháng 11/2017, Hyundai Thành Công đưa mức giá của Hyundai Grand i10 về 315 triệu đồng. Chỉ vài ngày sau đó, Kia Morning cũng đáp trả với mức giá thấp kỷ lục dưới 300 triệu đồng, kèm thông báo giảm tiếp vào đầu năm 2018.

Thế nhưng, ngoại trừ cú sốc Honda CR-V, giúp doanh số dòng xe này nhảy vọt nhất thời, thị trường ô tô càng về cuối năm càng ảm đạm. Tâm lý chung của người mua là chờ đợi thời điểm 1/1/2018 khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN vào Việt Nam về 0%. Tuy nhiên, giá xe năm 2018 có giảm nữa hay không vẫn là ẩn số vì phụ thuộc vào chính sách với ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ.

2017 là năm của tiền ảo. Từ một cái tên vô danh, bitcoin đã tạo nên sức hút khổng lồ. Không chỉ giới công nghệ hay dân tài chính, mà ngay cả các bà nội trợ cũng nói chuyện về bitcoin. Trong top 5 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất toàn cầu trên Google năm 2017, bitcoin đứng thứ 2. Đóng góp một phần không nhỏ trong số đó là Việt Nam – quốc gia thứ 41 trong số 63 quốc gia tìm kiếm về bitcoin nhiều nhất thế giới trên Google.

Trong những ngày bitcoin “bão giá”, người ta sẽ bắt gặp những chiếc màn hình smartphone đang tìm kiếm thông tin bitcoin ở cả những quán trà đá vỉa hè tại Việt Nam. Đồng tiền ảo cực nóng không chỉ với giới đầu tư tài chính mà gây sốt cả ở công sở tới làng quê.

Cơn sóng ngầm đầu tư bitcoin tại Việt Nam có dấu hiệu tăng vọt nhưng chưa có những điều tra chính thức để có số liệu thống kê. Theo kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu CryptoCompare. Tính đến cuối tháng 11, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam chiếm gần 80% hoạt động giao dịch Bitcoin trên toàn cầu

Ăn theo trào lưu tiền ảo, một quán cà phê trên phố Cao Bá Quát (Hà Nội) và Đại học FPT cũng thông báo chấp nhận thanh toán bằng bitcoin. Tuy nhiên, đồng tiền ảo này không được pháp luật tại Việt Nam thừa nhận. Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định: “Bitcoin không phải phương tiện thanh toán hợp pháp”.

Thế nhưng, bitcoin với đặc tính không biên giới, không có Chính phủ hay ngân hàng nào đứng ra phát hành, vẫn tiếp tục tăng vọt và trải qua 8 đợt phá đỉnh từ đầu năm bất chấp nhiều cảnh báo về bong bóng tiền ảo. Giá bitcoin đã có lúc đạt gần 20.000 USD, với mức tăng trưởng 1.660% trong năm và vốn hóa hơn 300 tỷ USD. Với tốc độ phá đỉnh và khả năng phục hồi khó tin sau mỗi lần giảm sâu, bitcoin khiến cho việc dự báo bong bóng của giới chuyên gia đang trở nên khó khăn hơn lúc nào hết.

Cùng với những đợt khuyến mại liên tục của 2 hãng Grab và Uber, cơn sốt đi xe “taxi đời mới” không mất tiền bùng nổ ở những thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Những chiếc áo xanh của “xe ôm công nghệ” GrabBike cũng tràn ngập đường phố vào giờ cao điểm. Theo số liệu cập nhật đến tháng 10, số lượng ô tô dưới 9 chỗ tham gia mạng lưới của Uber và Grab khoảng 50.000 xe tại Hà Nội và TPHCM, gấp 1,67 lần tổng số xe taxi.

Sự phát triển cực mạnh của Uber, Grab khiến các hãng taxi truyền thống lao đao. Điển hình là sự lao dốc về lợi nhuận của 2 hãng taxi lớn nhất Việt Nam là Vinasun và Mai Linh. Đi kèm với lợi nhuận sụt giảm mạnh, hàng nghìn tài xế taxi nghỉ việc là hệ quả đi kèm, nhiều người trong số đó chuyển qua lái Uber hoặc Grab.

Các hiệp hội taxi truyền thống liên tiếp tố Grab, Uber cạnh tranh không lành mạnh. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tháng 10/2017, khi nhiều hãng taxi dán biểu ngữ “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” ở đuôi xe, nhưng gỡ xuống chỉ sau vài ngày.

Sau khi rà soát lại, Bộ Công thương cho rằng, với các quy định chưa rõ ràng hiện nay, Uber, Grab đang không phải chịu các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, cạnh tranh bất bình đẳng với taxi truyền thống.

Gần cuối năm, tâm điểm của taxi công nghệ là khủng hoảng của Uber. Đầu tiên, Cục Thuế TP.HCM xử phạt hành chính và truy thu thuế gần 70 đồng đối với Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan). Tiếp đó, ông Đặng Việt Dũng bất ngờ từ nhiệm vị trí CEO Uber Việt Nam. Sau đó, Uber liên tục được nhắc đến vì những bê bối liên quan đến lái xe: đánh hành khách tại Hà Nội (tháng 11), hiếp dâm nữ hành khách tại TP.HCM (tháng 12). Trong một diễn biến khác, Hà Nội và TP.HCM đề xuất quản lý Uber và Grab như đối với taxi.

Trong năm 2017, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) được nói đến ở khắp mọi nơi, từ các cơ quan ban ngành thuộc Đảng, Chính phủ tới doanh nghiệp, trường học, hội thảo, hội nghị… thậm chí ở các quán trà đá ven đường. Cách mạng 4.0 trở thành một từ khoá thời thượng.

Cơ hội cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam là rất lớn khi cách mạng 4.0 có thể giúp thu hẹp nhanh chóng khoảng cách về kinh tế số với các nước phát triển nhất. Ở thời đại 4.0, với Internet of Things, AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data, Robotic… khoảng cách công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam với thế giới chỉ là vài năm do đây là ngành mới xuất hiện.

Thế nhưng, nguy cơ hàng triệu lao động mất việc làm bởi máy móc trong ngành dệt may, da giày và lắp ráp điện tử cũng hiện hữu và thế mạnh về lao động trẻ, giá rẻ trong thế giới 4.0 cũng sẽ không còn. Thực tế, một trong những công ty lắp ráp điện tử lớn nhất Việt Nam đã vận hành “dark factory” (nhà máy không đèn, không cần nhân công) tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số ngành truyền thống cũng gặp những khó khăn nghiêm trọng do phải cạnh tranh với những dịch vụ thời 4.0 mà phản ứng của các hãng taxi với Uber và Grab là một ví dụ điển hình.

Tháng 5/2017, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, ngành, địa phương…phải tập trung chỉ đạo thực hiện chỉ thị này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.