MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1,1 tỷ USD và tham vọng 'độc chiếm' sông Hồng

Dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp thủy điện của Cty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (Tập đoàn kinh tế Xuân Thành) đã chính thức được Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).

Về phía chủ đầu tư, kiến nghị Chính phủ giao cho nhà đầu tư làm đầu mối duy nhất quản lý vận hành đồng thời các hạng mục âu đập, luồng tuyến và nhà máy thủy điện.

Trước đó, Chủ tịch Cty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Thiện có đề nghị các Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho Cty được làm chủ đầu tư dự án này theo hình thức BOO, bao gồm các tiểu dự án: Nạo vét, chỉnh trị tuyến luồng đoạn Việt Trì – Yên Bái; Nạo vét, xây dựng các đập dâng nước, âu tàu kết hợp với thủy điện đoạn Yên Bái – Lào Cai; Đầu tư xây dựng và vận hành các cảng thủy nội địa dọc tuyến…

Siêu công trình trị thủy kết hợp thủy điện

Siêu dự án này do Cty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành), đề xuất với tham vọng tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1,1 tỉ USD (khoảng 24.500 tỉ đồng).

Về quy mô dự án, xây dựng các đập dâng nước và âu tàu, nạo vét luồng trên toàn tuyến đường thủy nội địa đoạn Việt Trì – Lào Cai (chiều dài 288 km) kết hợp xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ, kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp đảm bảo cho tàu 400 tấn và sà lan 600 tấn lưu thông quanh năm.

Mặc dù chưa đề ra địa điểm đặt 6 thủy điện trên sông Hồng, đề án của Cty Xuân Thiện đã định hướng làm 7 cảng và âu tàu trên dọc tuyến thủy lộ, đó là: cảng Phố Mới (Hưng Yên), cảng Apatit và cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp và Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội).

Mục tiêu đặt ra của nhà đầu tư là cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải đường thủy xuyên Á trên tuyến sông Hồng kết nối đồng bộ với tuyến vận tải thủy Hải Phòng – Việt Trì, tuyến Hà Nội – Lạch Giang (Nam Định), cung cấp lượng điện năng đáng kể, tạo động lực phát triển KT – XH cho các tỉnh miền núi phía Bắc, góp phần giảm áp lực vận tải đường bộ, đường sắt trên tuyến Hà Nội – Lào Cai.

Theo tài liệu mà NNVN có được thì cơ bản các Bộ: KH-ĐT, GT-VT, Tài chính, Công thương, NN-PTNT, Quốc phòng, TN-MT, UBND các tỉnh Yên Bái, Lào Cai đều thống nhất, đồng tình với chủ trương thực hiện dự án này. Bộ GT-VT đánh giá nếu triển khai thành công, dự án chắc chắn sẽ tạo một tuyến vận tải hàng hóa chi phí thấp, tiện lợi, đủ sức thay đổi diện mạo giao thông khu vực phía Bắc.

Tuy nhiên, nội hàm trong một số văn bản kiến nghị đề xuất của một số Bộ không phải không có những lo lắng. Về phía Bộ NN-PTNT yêu cầu chủ đầu tư phải đặc biệt làm rõ tác động của dự án đến ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, bồi lắng trước công trình, xói sau công trình. Đặc biệt là an toàn hệ thống đê điều, tiêu thoát nước, lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi hai bên bờ sông.

Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện dự án này phải hết sức cẩn trọng bởi phần nào sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy và sự bồi lắng phù sa cho cả đồng bằng sông Hồng. Do đó, phải hết sức cân nhắc tính toán kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, sát thực tế về những tác động có thể xảy ra trước khi quyết định chủ trương cho đầu tư.

Trong văn bản gửi Bộ GT-VT, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải tỏ ra lo ngại về vấn đề cơ cấu nguồn vốn và khả năng huy động vốn của chủ đầu tư. Cụ thể, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 15 ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư.

Trong khi đó hồ sơ đề xuất về nguồn vốn dự án, vốn tự có của chủ đầu tư là 10% và vốn huy động từ ngân hàng và các nguồn khác 90% là chưa phù hợp. Do đó, việc các ngân hàng cho vay hay không cũng chưa thể khẳng định được ngay.

Cũng về quy mô và tổng mức đầu tư, trước đó, trong một văn bản của Bộ KH-ĐT gửi Bộ GT-VT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung ký có nêu ra vấn đề: Theo tính toán sơ bộ của Bộ GT-VT tại Quyết định 4835 ngày 22/12/2014, tuyến luồng vận tải thủy từ Việt Trì – Lào Cai có tổng mức đầu tư 5.290 tỷ đồng. Trong khi đó, theo đề xuất sơ bộ của nhà đầu tư dự án dự kiến có tổng mức đầu tư là rất lớn (phương án 6 bậc được nhà đầu tư lựa chọn đề xuất), gấp hơn 4 lần so với dự kiến của Bộ GT-VT.

Chủ đầu tư lo rủi ro, đòi nhiều ưu đãi

Cty Xuân Thiện dự tính làm siêu công trình trị thủy kết hợp thủy điện, thủy lợi trong thời gian khá nhanh, chỉ 6 năm. Chủ đầu tư công bố sẽ miễn toàn bộ phí cho các phương tiện vận tải trong 3 năm đầu nhưng lại đề nghị Chính phủ hỗ trợ giá điện trong 5 năm ngay sau khi bán điện.

Để thực hiện dự án này, Cty Xuân Thiện cần khoảng 24.510 tỷ đồng. Số vốn mà Cty này sẽ lo được không nhiều, chủ yếu là vay thương mại. Sau khi đầu tư, chủ đầu tư sẽ thu phí và đây sẽ là nguồn thu chính để thu hồi vốn cho dự án. Nguồn thu được tính từ phí qua âu đập, phí sử dụng đường thủy nội địa, thu từ hoạt động khai thác cảng, tận thu khoáng sản và thu từ bán điện.

Mức phí được dự kiến ở mức 10.000 - 15.000 đồng/tấn (đoạn Việt Trì - Yên Bái). Đoạn khu vực Yên Bái 40.000 - 45.000 đồng/tấn... Chủ đầu tư tính toán nguồn thu từ thủy điện khá lạc quan. Theo đó, khi bắt đầu phát điện, giá điện mà thủy điện này bán được sẽ ở mức 1.900 đồng/kWh, dần tăng giá lên khoảng 3.500 đồng/kWh (nhiều thủy điện hiện nay đang bán điện với giá chỉ khoảng 450-1.000 đồng/kWh).

Dù có lạc quan nhìn vào viễn cảnh nguồn thu từ thủy điện nhưng Cty Xuân Thiện vẫn đầy ắp những lo ngại khi cho rằng, dự án này chủ yếu trông chờ vào nguồn vay tín dụng của các ngân hàng thương mại trong nước (hơn 70% tổng nhu cầu vốn đầu tư cho dự án). “Với thời gian dự kiến hoàn vốn 25 năm thì việc sử dụng vốn vay thương mại thông thường dễ phát sinh rủi ro cho cả ngân hàng và nhà đầu tư vay vốn”, báo cáo của Cty Xuân Thiện viết.

Chủ đầu tư cho rằng, nhiều khả năng có thể xảy ra nhất là rủi ro trong khâu thi công xây dựng hoàn thành công trình, từ giải ngân vốn vay của nhà đầu tư đến bao tiêu sản phẩm.

Từ lo lắng này, Cty Xuân Thiện đề nghị Chính phủ hỗ trợ giá bán điện và được hưởng một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác của Nhà nước. Cụ thể, đề nghị Chính phủ hỗ trợ giá bán điện đặc thù cho công trình, đồng thời có lộ trình tăng giá bán điện để hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình; miễn thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn; mức phí; ưu đãi mức phí luồng tuyến qua âu được điều chỉnh theo thời gian…

Cty TNHH Xuân Thiện cho hay, dự án chỉ ảnh hưởng tới khoảng 400 hộ dân ở 31 xã thuộc địa bàn Yên Bái, Lào Cai. Do mực nước ở các đập ngăn sẽ vẫn thấp hơn mực nước lũ hằng năm nên dự án cơ bản không làm thay đổi lòng sông.

Cũng theo Cty Xuân Thiện sẽ có khoảng 1.202.354 m2 (gồm đất ở, đất trồng cây hàng năm, đất vườn, ao, rừng). Trong đó, đất nông nghiệp bị tác động nhiều nhất với diện tích 961.955 m2. Có khoảng 469 căn nhà bị ảnh hưởng một phần hoặc hoàn toàn tại các đập và trong phạm vi ngập lũ với tần suất 1%. Ngoài ra có 24 cơ sở SXKD nằm trong khu vực bị ngập với tần suất lũ 1%.

Nhiều hạng mục chưa có trong quy hoạch

Mặc dù văn bản tham gia ý kiến của các bộ ngành, các địa phương trong vùng dự án cơ bản đồng ý với chủ trương thực hiện dự án, tuy nhiên vẫn có một số ý kiến lo ngại, đặc biệt liên quan đến vấn đề quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, việc xây dựng đập dâng nước và âu tàu đoạn Yên Bái – Lào Cai chưa có trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, hồ sơ đề xuất danh mục dự kiến đầu tư hệ thống 7 cảng thủy nội địa dọc tuyến thì có 4 cảng chưa nằm trong danh sách hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc được phê duyệt tại Quyết định 1071/QĐ – BGTVT ngày 24/4/2013 của Bộ GT-VT.

Bên cạnh đó, 6 nhà máy thủy điện của dự án: Thái Niên, Bảo Châu, Bảo Hà, Lâm Giang II, Mậu A và Yên Bái được dự kiến xây dựng với tổng công suất 228 MW tương đương 912 triệu kWh/năm không nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) của Thủ tướng Chính phủ.

“Việc xây dựng công trình thủy điện với 6 đập dâng nước lớn có nhiều tác động lớn đến môi trường tự nhiên, dòng chảy của sông Hồng, hệ sinh thái hai bên bờ sông và cân bằng nước đối với khu vực hạ lưu có ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch thủy lợi, tiêu thoát lũ, sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng… ảnh hưởng trực tiếp các địa phương trong vùng dự án”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nêu ý kiến.

Trong khi đó, tại văn bản số 8812/BCT-TCNL của Bộ Công thương nêu rõ: Hiện tại, trên sông Hồng chưa có quy hoạch bậc thang phát triển thủy điện. Vì vậy yêu cầu nhà đầu tư tổ chức lập hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch bậc thang thủy điện trên cơ sở đề xuất của dự án, trình Bộ Công thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào quy hoạch bậc thang và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Trong đó, đề nghị nghiên cứu kỹ điều kiện địa chất, thủy văn, đấu nối, các mực nước thượng – hạ lưu, trên cơ sở đó xác định cột nước và quy mô công suất nhà máy thủy điện…

Ngoài ra, tại văn bản số 1341/BNN-TCTL gửi Bộ KH-ĐT, Bộ NN-PTNT cũng có ý kiến như sau: Hồ sơ của Cty TNHH Xuân Thiện gửi kèm mới chỉ là báo cáo đề xuất dự án, vì vậy cần phải bổ sung những nội dung theo yêu cầu của dự án đầu tư, trong đó đặc biệt phải làm rõ tác động của dự án đến ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, bồi lắng trước công trình, xói sau công trình, an toàn hệ thống đê điều, tiêu thoát nước, lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi hai bên bờ sông; tác động đến mất cân bằng bùn cát vùng hạ du do lượng bùn cát bị giữ lại khi có công trình; tác động đến mất đất nông nghiệp, đất rừng, di dân tái định cư khi xây dựng các công trình. Ngoài ra dự án phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông, quy hoạch phát triển điện lực.

Về phía địa phương, văn bản của UBND tỉnh Yên Bái đồng ý chủ trương đầu tư dự án giao thông thủy Xuyên Á, tuy nhiên, trong các bước nghiên cứu tiếp theo, đề nghị Bộ GT-VT chỉ đạo nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, an toàn và các yếu tố ảnh hưởng đến tác động môi trường của dự án và có phương án giải quyết những phát sinh thực tế đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các nhà đầu tư khác dọc sông Hồng nằm trong phạm vi dự án.

Theo Văn Hùng - Hoàng Anh

Báo Nông nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên