MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

11 yếu tố “không ngờ” làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim - căn bệnh cứ 1 phút lại cướp đi sinh mạng của 1 phụ nữ ở Mỹ!

30-03-2018 - 20:00 PM | Sống

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), mỗi phút ở Mỹ có 1 phụ nữ chết vì bệnh tim – và đây cũng chính là thủ phạm giết người số 1 với phụ nữ trên toàn thế giới.

Bạn thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, hạn chế tiêu thụ đồ ăn nhiều dầu mỡ và không bao giờ hút thuốc lá thì bạn sẽ không bao giờ mắc bệnh tim? Điều đó không hoàn toàn chính xác. Đúng là chúng ta đều biết các nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh tim bao gồm: Béo phì, lười vận động, hút thuốc lá, cao huyết áp hoặc mỡ máu, chế độ ăn uống, yếu tố di truyền và stress.

Tuy nhiên đây không phải là các nguyên nhân duy nhất làm tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch, có những yếu tố tưởng chừng như vô hại như đời sống tình cảm hay thời thơ ấu, thậm chí cả việc bạn bắt đầu có kinh nguyệt năm bao nhiêu tuổi cũng có thể ảnh hưởng tới nguy cơ mắc bệnh tim.

Điều đó có nghĩa là nếu bạn thực sự muốn giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bạn không chỉ cần chú ý đến các yếu tố mà “ai-cũng-biết-là-gì-đấy” mà còn cần biết đến những “hung thủ” lén lút nữa. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), mỗi phút ở Mỹ có 1 phụ nữ chết vì bệnh tim – và đây cũng chính là thủ phạm giết người số 1 với phụ nữ trên toàn thế giới.

Các chuyên gia về bệnh tim đã chia sẻ với chúng ta 11 yếu tố “kỳ lạ” có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mà mọi phụ nữ đều nên biết:

Bạn có kinh nguyệt lần đầu trước tuổi 12

Theo bác sỹ tim mạch Adam Splaver của Hiệp hội Nanohealth (Bang Florida, Mỹ), bạn càng dậy thì sớm thì nguy cơ mắc bệnh tim của bạn càng cao. Một cuộc nghiên cứu gần đây của tạp chí Heart cũng chỉ ra rằng: Những phụ nữ có kinh nguyệt lần đầu trước tuổi 12 có khả năng mắc bệnh tim cao hơn 10% so với những phụ nữ có ở tuổi 13 trở đi (12 là độ tuổi trung bình bắt đầu có kinh nguyệt của phụ nữ Mỹ - Theo 1 nghiên cứu của tạp chí Trao đổi chất và Chuyển hóa Nhi khoa).

Các nhà nghiên cứu này không đồng thời giải thích được lý do điều này xảy ra nhưng các nghiên cứu khác cho thấy nồng độ estrogen (một loại hormon đóng vai trò quan trọng trong tuổi dậy thì) tăng lên làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và đột quỵ trong suốt cuộc đời bạn. Thường xuyên tham vấn bác sỹ của bạn để có được lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn làm giảm bớt nguy cơ này đối với sức khỏe của mình.

Bạn sử dụng thuốc giảm cân

Hầu hết các loại thuốc giảm cân đều không có tác dụng, thậm chí tệ hơn, chúng có thể giết chết bạn. Bác sỹ tim mạch Amber Khanna – Bệnh viện UCHealth thuộc Đại học Colorado cho biết: “Bất cứ viên thuốc nào có tác dụng kích thích, bao gồm hầu hết các loại thuốc giảm cân đều có thể làm tổn thương trái tim bạn. Chúng làm tăng huyết áp và nhịp tim khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Nếu bạn sử dụng chúng đủ lâu chúng có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho tim”.

Vì vậy hãy sử dụng các biện pháp giảm cân đã được khoa học chứng minh đó là ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục – cũng là hai biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh tim cho bạn.

Bạn mới bị cúm nặng

Bị cúm làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim lên tới 6 lần trong vòng ít nhất 1 năm sau khi bạn nhiễm cúm, theo một nghiên cứu mới được công bố trên tờ Tạp chí Y Khoa nước Anh. Nếu bạn cảm thấy khó thở khi nằm sấp sau khi nhiễm cúm, hãy đến bệnh viện để chắc chắn rằng bạn không gặp vấn đề về tim mạch. Một số bệnh nhiễm khuẩn và siêu vi khuẩn có thể di chuyển vào tim và gây ra các vấn đề về tim mạch thậm chí cả suy tim.

Bạn cảm thấy cô đơn?

    11 yếu tố “không ngờ” làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim - căn bệnh cứ 1 phút lại cướp đi sinh mạng của 1 phụ nữ ở Mỹ!  - Ảnh 1.

Cảm giác cô đơn và bị cô lập về mặt xã hội làm tăng 30% nguy cơ mắc bệnh tim – tương tự như hút thuốc lá vậy, theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Heart. Tuy nhiên yếu tố nguy hiểm này lại khá dễ dàng để hạn chế. Bác sỹ Adam Splaver khuyến cáo chúng ta: “Hãy từ bỏ bớt các phương tiện truyền thông, tham gia một câu lạc bộ hay một nhóm cùng hoạt động mà bạn yêu thích, hay đơn giản là có một thú cưng – không chỉ cho bạn một tình yêu vô điều kiện mà chạy bộ cùng nó hàng ngày cũng là bài tập cực kỳ tốt cho sức khỏe”. Thêm vào đó, theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, có một người bạn thú cưng không chỉ làm giảm cảm giác cô đơn mà còn trực tiếp giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.

Mang thai không phải điều dễ dàng

Bác sỹ Amber Khanna nói: “Nuôi dưỡng 1 đứa trẻ trong cơ thể khiến hệ tuần hoàn của bạn phải làm thêm rất nhiều việc”. Lượng máu của bạn tăng gấp đôi và trái tim bạn vì thế phải làm việc một cách nặng nhọc hơn. Nhưng nếu chỉ có vậy thì bạn cũng không bị tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên các bệnh thường gặp trong thai kỳ như: Tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật hoặc cao huyết áp sẽ khiến bạn có nguy cơ cao hơn mắc bệnh tim mạch trong nhiều năm sau đó. Vậy lời khuyên được đưa ra là: Hãy luôn luôn nói với bác sỹ của bạn về bất cứ vấn đề gì mà bạn gặp phải khi mang thai.

Bạn vừa gặp cú sốc tâm lý?

Những căng thẳng về mặt cảm xúc thực sự có thể gây ra các vấn đề về tim. Trạng thái thất tình là một trong số đó, nó thậm chí còn được gọi là “Hội chứng trái tim tan vỡ”. Thật khó để ngăn ngừa hay phòng tránh vấn đề này bởi bất kỳ vấn đề đáng buồn, đáng thất vọng nào trong cuộc sống cũng có thể gây ra nó bao gồm: đổ vỡ chuyện tình cảm, mất người thân yêu, khủng hoảng tài chính cá nhân, một sự thay đổi nào đó về công việc hay cuộc sống, ly hôn... Điều quan trọng không phải là né tránh đau khổ (thực tế là bạn cũng rất khó để có thể né tránh) mà là có một kế hoạch sẵn sàng để đối diện với những khó khăn cảm xúc có thể xảy ra bất cứ lúc nào bằng các biện pháp lành mạnh như: Tập thể dục đều đặn, thiền, yoga, thái cực quyền và các liệu pháp khác.

Bạn uống vài ly mỗi tối

Có nhiều thông tin trái chiều về tác dụng hay tác hại của đồ uống có cồn đối với bệnh tim nhưng một điều chắc chắn rằng uống một lượng vừa phải – một ly nhỏ hoặc ít hơn mỗi ngày thì bạn vẫn an toàn. Còn nếu bạn uống nhiều hơn thế chắc chắn nguy cơ mắc bệnh tim của bạn sẽ tăng. Nếu bạn thực sự quan tâm đến trái tim của mình, hay bạn đã có sẵn các nguy cơ khác có thể dẫn tới bệnh tim, thì lời khuyên của bác sỹ Amber Khanna đưa ra là: “Hãy hoàn toàn tránh xa rượu”.

Bạn bị chẩn đoán mắc bệnh khác

Lupus ban đỏ hay viêm khớp dạng thấp ngoài sự nguy hiểm của chính nó còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim của bạn bởi chúng đều dẫn tới chứng viêm, làm hỏng các mạch máu, gây ra mảng bám và từ đó tác động tới trái tim.

    Bạn đang cảm thấy chán nản

Trầm cảm không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mà còn làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong vì bệnh tim của bạn – theo một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 66 của Hiệp hội Tim mạch Mỹ. Người bị trầm cảm có nồng độ cortisol – một loại hormon sinh ra khi bị bệnh – cao hơn và hormon này có liên hệ trực tiếp với bệnh tim. Bệnh trầm cảm cũng khiến việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim trở nên khó khăn hơn.

Bạn bị ngược đãi khi còn nhỏ

    11 yếu tố “không ngờ” làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim - căn bệnh cứ 1 phút lại cướp đi sinh mạng của 1 phụ nữ ở Mỹ!  - Ảnh 2.

Phụ nữ đã trải qua các sự kiện gây chấn thương tâm lý khi còn nhỏ như: Bị lạm dụng, chứng kiến người khác bị lạm dụng, hoặc đã từng là nạn nhân của bạo lực học đường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn – Theo một nghiên cứu đã được tờ Circulation đưa ra. Các chuyên gia vẫn chưa thực sự chứng minh được mối liên hệ này tuy nhiên lại có thêm một lý do để chúng ta đấu tranh chống lại việc gây tổn hại cả về thể chất và tinh thần cho trẻ nhỏ.

Bạn đang điều trị ADHD

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong các rối loạn thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Các loại thuốc phổ biến đang được sử dụng để điều trị hội chứng này chủ yếu là thuốc kích thích và chúng có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp của người sử dụng. Trong khi chờ đợi các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, một nghiên cứu được thực hiện bởi Tập san Y khoa The BMJ cho thấy: Sử dụng lâu dài các thuốc để điều trị ADHD làm tăng nhẹ nguy cơ bệnh tim. Hãy thảo luận kỹ với bác sỹ của bạn về việc đánh giá nguy cơ tiềm ẩn từ những loại thuốc này trước khi sử dụng!

Tâm An

Womenshealthmag

Trở lên trên