MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

124 dự án bất động sản tại TP.HCM được triển khai trở lại

11-04-2019 - 08:28 AM | Bất động sản

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến vùa có thông tin về 124 dự án BĐS đang ách tắc tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với hơn 100 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Tại cuộc họp, hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp được chia sẻ tại hội nghị, các sở ngành và lãnh đạo TPHCM lần lượt lắng nghe, chỉ đạo các cơ quan liên quan, trả lời cụ thể cho doanh nghiệp. Những vấn đề nào gặp vướng mắc cần báo cáo ngay cho lãnh đạo TPHCM để hướng dẫn giải quyết.

Đặc biệt, lãnh đạo TPHCM cũng lưu ý trong 7 dự án của Novaland trên địa bàn Phú Nhuận có 4 dự án đã được cấp giấy chủ quyền. Lãnh đạo TPHCM cho biết không có văn bản nào ngăn chặn giao dịch, do đó đề nghị các quận, huyện, văn phòng đăng ký phải đảm bảo quyền của người dân như chuyển nhượng, thế chấp…

Theo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, UBND TPHCM đã có Kết luận 183 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc cho phép 124 trong tổng số hơn 160 dự án các cơ quan chức năng phải rà soát, thanh kiểm tra, điều tra… nên phải tạm dừng trước đó.

TPHCM yêu cầu Sở TN-MT mời các doanh nghiệp đang triển khai 124 dự án nói trên đến thông báo cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án theo quy định. Các dự án còn lại tiếp tục phải tạm dùng vì liên quan đến công tác thanh tra, điều tra của cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm, không có lợi cho cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản. Nguồn thu ngân sách TPHCM về tiền sử dụng đất cũng bị sụt giảm mạnh: Năm 2018 giảm 22,5%; 2 tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn lên đến 10.110 tỷ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm 31-12-2018, trong đó các khoản nợ liên quan tới đất 1.370 tỷ đồng, chiếm 14%, và có đến 76 doanh nghiệp xây dựng bất động sản nợ thuế với tổng số tiền sử dụng đất 794 tỷ đồng.

Trong quý I/2019, Sở Xây dựng phê duyệt số lượng dự án giảm đến 63%; cấp 8.472 giấy phép xây dựng (kể cả khu vực nhà dân và dự án), giảm 16% so với cùng kỳ năm trước; số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm 30-50% do các chủ đầu tư bất động sản thiếu nguồn dự án mới.

Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng kiến nghị cần sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất. Theo đó, phân loại khoảng 300 mặt bằng đất công nêu trên thành 3 nhóm.

Nhóm 1 bao gồm các mặt bằng về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cần sớm được giải tỏa cho người sử dụng đất. Nhóm hai bao gồm các mặt bằng có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở mức độ không lớn, sẽ yêu cầu người sử dụng đất hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với Nhà nước (nếu có). Nhóm ba bao gồm các mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Hiệp hội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có kết luận, giải quyết cụ thể đối với từng trường hợp, để có phương án xử lý có lý, có tình, có tính đến yếu tố lịch sử của quá trình sử dụng đất, vừa đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân.

Nam Phong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên