MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

13.438 tỷ đồng hoàn thuế cho Formosa, thua lỗ 2 doanh nghiệp vàng lớn ở Quảng Nam và câu chuyện doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Vai trò của khu vực FDI đối với kinh tế Việt Nam đến nay là không phủ nhận được. Nhưng bên cạnh những tích cực đó, là những câu chuyện cần suy nghĩ.

Những khoản tiền nghìn tỷ gây tranh cãi

Tháng 8/2016, khi mà dư luận vẫn đang nóng vì thảm hoạ môi trường ở Hà Tĩnh do công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây ra thì lại tiếp tục bị sốc trước thông tin doanh nghiệp này đã được bồi hoàn hơn 13.000 tỷ đồng.

Công văn 3475/TCT-KK ngày 4/8/2016 của Tổng cục Thống kê cho biết từ tháng 4/2014 đến tháng 5/2016, Cục Thuế Hà Tĩnh đã hoàn tổng cộng 13.438 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng cho Formosa.

Bình luận của các cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia thì đây là việc hợp pháp vì chiếu theo Thông tư 205/2009/TT-BTC, đối với các máy móc, thiết bị trong nước chưa sản xuất được thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế GTGT hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong một bài phân tích, TS. Vũ Thành Tự Anh (ĐH Fulbright) nhận định các quy định của Việt Nam có nhiều kẽ hở và để Formosa lợi dụng triệt để. Dẫn chứng ra việc thay vì dùng công nghệ xử lý cốc khô như ban đầu (công nghệ thân thiện môi trường) thì Formosa đã tự tiện đổi sang công nghệ xử lý cốc ước, công nghệ lạc hậu và trên giấy tờ vẫn liệt kê máy móc hiện đại nhập về do công nghệ Việt Nam không đáp ứng được.

“Quy định của Việt Nam hiện nay quá lỏng lẻo khi việc hoàn thuế chỉ dựa vào năng lực sản xuất trong nước – vốn rất yếu, chứ không dựa vào trình độ công nghệ, do vậy, vô hình trung mở dường cho công nghệ xả thải ngang nhiên vào Việt Nam”, TS. Tự Anh cho biết.

Câu chuyện đó, đặt bên cạnh con số hơn 13 nghìn tỷ đồng hoàn thuế, cao hơn mức bồi thường cho sự cố môi trường do công ty này gây ra đã khiến cho dư luận không khỏi suy nghĩ về những ưu đãi đang được dành cho các doanh nghiệp FDI.

Một trường hợp doanh nghiệp FDI khác cũng đáng lưu ý thời gian gần đây là chuyện của 2 công ty vàng thuộc Tập đoàn Besra Gold (trước đây là Olympus Pacific Minerals) tại Quảng Nam là Vàng Bồng Miêu và Vàng Phước Sơn.

2 doanh nghiệp này từng là những doanh nghiệp khai thác vàng vào loại lớn nhất ở Việt Nam nhưng giờ được xem là “điển hình” nợ nần tại Quảng Nam.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, ông Ngô Bốn trong 1 lần trả lời báo giới cho biết tính đến cuối tháng 5/2016, 2 công ty này đã nợ hơn 430 tỷ tiến thuế, vi phạm pháp luật về nợ thuế nhiều năm nay. Các cơ quan chức năng, liên bộ ngành đã vào cuộc nhưng không giải quyết được gì và số nợ ngày càng tăng.

Báo cáo của các đoàn kiểm tra cho biết sở dĩ 2 công ty vàng của Bersa nợ thuế là do 2 doanh nghiệp này bị lỗ.

Cụ thể, với vốn điều lệ chỉ 3 triệu USD nhưng tính đến 30/6/2014, Bồng Miêu đã lỗ lũy kế tới 30,1 triệu USD (674 tỷ đồng); nợ ngắn hạn lên đến 1.144 tỷ đồng, vượt 856 tỷ so với tài sản ngắn hạn.

Tình hình tài chính của Phước Sơn cũng tương tự: tính đến 30/6/2014, lỗ lũy kế của công ty ở mức gần 16 triệu USD (vốn điều lệ 5 triệu USD); nợ ngắn hạn hơn 60,5 triệu USD, vượt 39 triệu USD so với tài sản ngắn hạn.

Như vậy tổng lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6/2014 đã lên đến gần 46 triệu USD (xấp xỉ 1.000 tỷ đồng). Cộng thêm các chi phí lãi vay, khấu hao… trong 2 năm hoạt động cầm chừng vừa qua thì số lỗ thực tế lớn hơn nhiều.

Phía Cục Thuế Quảng Nam cho rằng bên cạnh nguyên nhân thua lỗ do giá vàng giảm, sự quản lý lỏng lẻo của giai đoạn trước, hay thiên tai thì còn có nguyên nhân không minh bạch giữa công ty trong nước vào công ty mẹ ở nước ngoài.

Cụ thể, có dấu hiệu của việc 2 công ty này bán vàng ra nước ngoài cho công ty mẹ với giá thấp trong khi nhập nguyên liệu vào với giá cao đê trốn, gian lận thuế.

Trong một động thái mới nhất, Besra đã tuyên bố rút chân khỏi 2 dự án khai thác vàng lớn nhất Việt Nam, đồng thời, thông báo tới các nhà đầu tư rằng đã ký một thoả thuận bán toàn bộ tài sản ở Việt Nam cho một công ty mới, được thành lập bởi 2 ông: Paul và David Seton – từng là cựu quản lý cao cấp của Besra.

Cụ thể, Besra sẽ bán toàn bộ tài sản ở mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn tại Quảng Nam cùng tất cả hoạt động của tập đoàn này tại Việt Nam cho đối tác này. Việc làm này đã bị đánh giá như một điều bất thường khi những người cựu quản lý, đã kinh qua trải nghiệm thua lỗ của doanh nghiệp mà vẫn mua lại tài sản từ Besra.

Câu chuyện cũ của Formosa, câu chuyện mới của Besra hay nhiều câu chuyện tồn đọng khác liên quan đến những bất minh bất cập, của các doanh nghiệp FDI gợi lên không ít câu hỏi đối với người tâm tư.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh trong rất nhiều bài viết của mình đã khẳng định quan điểm “nuông chiều FDI sẽ có ngày phải trả giá”. Trên thực tế, đã có nhiều giá phải trả mà 2 câu chuyện trên chỉ là một phần của bức tranh.

Vai trò, trách nhiệm và nỗ lực của Chính phủ

Vai trò của của khu vực FDI đối với kinh tế Việt Nam, thực tế không phủ nhận được. 3 điểm sáng của kinh tế Việt Nam 2016 gồm: công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế ở khu vực công nghiệp; xuất khẩu tiếp tục giữ ở mức tăng trưởng cao; giải ngân FDI đạt mức cao kỷ lục đều phản ánh một thực trạng: tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc rất nhiều vào FDI, do các doanh nghiệp FDI đều đang đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng của các khu vực này.

Nhìn ra các nước, đấy cũng là thực trạng chung. Ví dụ, thành công của các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan hay Trung Quốc đều có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp FDI. Trong đó, Trung Quốc là trường hợp điển hình thành công trong việc thu hút FDI để trở thành nguồn lực cho tăng trưởng.

Cụ thể, sau khi chính thức gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc đã trở thành trung tâm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhờ đó trở thành “công xưởng thế giới”. Giai đoạn đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giữ ở mức cao nhất, trên 10%/năm.

Vì thế, việc khu vực FDI có giữ một vị thế quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề ở đây chính là khu vực FDI đang giữ một vị thế quá lớn, lớn hơn mức bình thường với một nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển. Đặc biệt, khu vực này đang được “nuông chiều, ưu đãi quá nhiều”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trong một buổi phỏng vấn gần đây đã chia sẻ đầy tâm tư khi bảo doanh nghiệp tư nhân Việt Nam – dù được nhận định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng lại chỉ có “tiếng mà không có miếng”. Trong khi đó, doanh nghiệp khối FDI, hết hưởng được cái này đến cái khác và đang tồn tại sự bất bình đẳng giữa 2 khu vực này.

Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF tháng 12/2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định doanh nghiệp FDI là một thành phần kinh tế Việt Nam – tức là thống nhất thành một khối, hướng tới định hướng lớn của Chính phủ “hình thành cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, gắn kết hợp tác hiệu quả trong nền kinh tế quốc gia thống nhất”.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiêp FDI có sự hợp tác, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ luật pháp Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh quan điểm Việt Nam không chấp nhận những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn tránh trách nhiệm, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi. Đồng thời, cam kết Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung những chế tài, nhằm xử lý những vi phạm, nếu xảy ra.

Trên thực tế, các cơ quan lập pháp, hành pháp đang nỗ lực thực hiện những điều trên, vì một nền kinh tế khoẻ mạnh, tích cực hơn.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên