MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

15 tỷ vỏ hộp sữa giấy người dân Việt Nam thải ra môi trường mỗi năm sẽ đi về đâu?

Trong buổi tọa đàm “Đời của nhựa” do Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường Live and Learn tổ chức, chị Châu Ngọc Cẩm Vân – Phó Bí thư Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết: mỗi năm Việt Nam thải ra trung bình từ 10 tỷ đến 15 tỷ vỏ hộp sữa giấy.

Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới về ô nhiễm rác thải nhựa, tuy nhiên vẫn phải nhập khẩu phế liệu về mới đủ nguồn cung cho các nhà máy xử lý phế liệu do phế liệu Việt Nam không sạch và không được phân loại ngay tại nguồn. Rất nhiều loại rác có thể tái chế nhưng một vài lý do đã khiến chúng ngập tràn ở các bãi rác mà không được giữ lại, vỏ hộp sữa giấy chính là một loại trong số đó.

15 tỷ vỏ hộp sữa giấy người dân Việt Nam thải ra môi trường mỗi năm sẽ đi về đâu? - Ảnh 1.

Chị Cẩm Vân giải thích: Vỏ hộp sữa giấy là loại rác có thể tái chế được vì nó có thành phần giấy, nhôm. Tuy nhiên, nó lại là thứ "bán không ai mua, cho không ai lấy" vì vỏ hộp sữa gồm 3 lớp: lớp nhôm trong cùng, lớp giấy ở giữa và lớp nhựa bọc ngoài. Trong vỏ lại thường dính cặn sữa nên để lâu sẽ lên men, có mùi hôi và thu hút các loại côn trùng; điều này cản trở việc thu gom và tái chế chúng. Loại rác này bị phân loại là "rác chết", chỉ có thể xử lý bằng cách đốt bỏ hoặc chôn lấp. Nhận thấy sự lãng phí đó, chị Cẩm Vân cùng với nhóm của mình – "NHC Team" đã thực hiện một dự án mang tên "Hành trình giải cứu rác chết", "cứu" được hàng triệu vỏ hộp sữa giấy khỏi số phận bị lãng phí và phải mất đến hàng triệu năm mới phân hủy được vì bọc nhựa.

15 tỷ vỏ hộp sữa giấy người dân Việt Nam thải ra môi trường mỗi năm sẽ đi về đâu? - Ảnh 2.

Điều đặc biệt của hành trình này là con đường mà nó đi qua là các trường tiểu học. Tại sao chị Cẩm Vân lại quyết định chọn đối tượng này? Vì hai nguyên nhân chính: thứ nhất, các em học sinh ở trường tiểu học là người tiêu dùng sữa hộp lớn nhất; thứ hai, NHC muốn thông qua các em nhỏ truyền thông điệp về phân loại và tái chế rác thải đến chính các bậc phụ huynh - con trẻ có sức thuyết phục rất lớn đối với cha mẹ.

Để khắc phục những khó khăn trong việc thu gom như cồng kềnh, bốc mùi,… NHC Team hướng dẫn các em nhỏ sau khi uống sữa xong thì bóp dẹt vỏ hộp sữa và dùng một miếng decan do chính NHC làm ra để dán lỗ chọc ống hút lại, ngăn mùi và côn trùng. Chị Vân nhấn mạnh: "Miếng decan này hoàn toàn bằng giấy, vì chúng tôi không muốn làm decan bằng nhựa."

15 tỷ vỏ hộp sữa giấy người dân Việt Nam thải ra môi trường mỗi năm sẽ đi về đâu? - Ảnh 3.

Chị Vân chia sẻ thêm: "Ban đầu chúng tôi cũng khá e ngại vì không biết liệu các trường học có đồng ý cho thực hiện chương trình này không. Vì thực hiện hoạt động này cũng là thêm việc cho các giáo viên, trong khi họ vốn đã rất bận với các em nhỏ. Tuy nhiên, rất may là các trường vô cùng ủng hộ hoạt động của chúng tôi. Thậm chí, khi một số trường chưa biết đến hoạt động này, chính các phụ huynh còn đề đạt với nhà trường để cho các con cùng tham gia vì nó vô cùng ý nghĩa và thiết thực."

Chỉ sau 2 tháng, "Hành trình giải cứu rác chết" đã lan tỏa ra hàng trăm trường học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Những vỏ hộp sữa này sau khi được thu gom và xử lý sẽ được tái chế thành các vật dụng như các tấm lợp nhôm sinh thái (từ phần vỏ nhôm) và bột giấy (từ phần lõi giấy).

Chị Vân rất hy vọng có thể mở rộng hoạt động của NHC Team ra Hà Nội để chương trình có sức lan tỏa lớn hơn đến cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ - những mầm non tương lai của đất nước. Hiện tại, các hoạt động của NHC Team chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các tổ chức hay doanh nghiệp, nhưng hành trình của họ vẫn sẽ tiếp diễn vì sứ mệnh đối với cộng đồng và môi trường. "Chúng tôi mong rằng trên hành trình này, chúng tôi không đơn độc, còn có các bạn, các đơn vị có quan tâm đến môi trường và cuộc sống của chúng ta", chị Vân tâm sự.

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên