MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

193.720 tỷ đồng đưa ra mua ngoại tệ có là gánh nặng?

18-05-2019 - 08:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Tín hiệu cân đối lượng bắt đầu trở lại rõ rệt trong tuần này, sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra 193.720 tỷ đồng mua ngoại tệ.

Với những thông tin cập nhật gần đây, từ đầu năm đến cuối tháng 4/2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 8,35 tỷ USD.

Quy mô trên, bình quân gần 2,1 tỷ USD/tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có quãng mua ròng ngoại tệ ngắn nhưng đạt lượng cao nhất từ trước tới nay.

“Thảng thốt” một thời...

Theo tìm hiểu của BizLIVE, tất cả số ngoại tệ trên được mua vào ở mức giá 23.200 đồng/USD, cũng là mức giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào từ đầu năm đến nay, tương đương với 193.720 tỷ đồng đưa ra thị trường.

193.720 tỷ đồng đưa ra này có là gánh nặng trong cân đối, vì chỉ trong chưa đầy 4 tháng, và nhất là khi áp lực lạm phát trở thành “một từ khóa nóng” đặt ra gần đây?

Còn nhớ giữa năm 2007, sau một thời gian dài Việt Nam mới ghi nhận thực hiện mua ròng lượng lớn ngoại tệ trong quãng ngắn, khoảng 3 tỷ USD chỉ trong quý 1/2007.

Đó là quy mô lớn của thời điểm hơn chục năm về trước, mà ngay sau đó thị trường đã “thảng thốt” với đề xuất từ một số chuyên gia về tăng dự trữ bắt buộc, hút bớt tiền về vì lo ngại lượng VND đưa ra mua ngoại tệ đó gây thêm áp lực lạm phát.

Thực tế, không lâu sau đó, đầu năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử thị trường đón nhận quyết định hút mạnh tiền về: Ngân hàng Nhà nước phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, một quy mô lớn tại thời điểm đó và trở thành điểm nóng của nhiều thông tin phân tích, bình luận…

Nay, sau hơn chục năm, cũng chỉ trong chưa đầy 4 tháng, có tới 193.720 tỷ đồng đưa ra mua ngoại tệ. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, không thấy “thảng thốt” nào trong các dòng chảy thông tin trên thị trường.

Nhịp nhàng điều phối lượng

“Tay to” là cách gọi dân dã của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhiều năm trước, trong quy hoạch và bình ổn thị trường vàng, giới quan sát cũng từng gọi Ngân hàng Nhà nước là “tay to” điều phối và cân chỉnh.

Nay, vai trò và tầm can thiệp đó tiếp tục thể hiện rõ trên thị trường tiền tệ, gián tiếp ở hoạt động điều tiết lượng, cân đối vốn cho hệ thống, gián tiếp cân đối lãi suất và tỷ giá, bên cạnh mục tiêu trung hòa lượng tiền lớn đưa ra mua ngoại tệ đối với áp lực lạm phát…

Nếu hơn chục năm trước Ngân hàng Nhà nước phải dùng biện pháp hành chính bằng tín phiếu bắt buộc để hút bớt tiền về với 20.300 tỷ, thì nay nhà điều hành nhịp nhàng và nhẹ nhàng cân hàng trăm nghìn tỷ đồng mà không gây xáo trộn lớn cả về thị trường lẫn thông tin thu hút.

Ngay đầu quý 2/2019, sau khi mua lượng lớn ngoại tệ nói trên, thị trường đã ghi nhận có tới gần 50.000 tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước hút về, thể hiện ở số dư lưu hành tín phiếu. Đồng nghĩa với một lượng tiền đáng kể đang được trung hòa.

Tín phiếu những năm gần đây trở thành công cụ chính, được nhà điều hành sử dụng linh hoạt, khớp nhịp với hoạt động hệ thống mà không phải bắt buộc như trước. Bên cạnh khối lượng, tần suất, tính linh hoạt cũng thể hiện rõ ở cơ động kỳ hạn, đặc biệt trong năm 2018 từng xuất hiện những kỳ hạn dài tung ra tại thời điểm có dấu hiệu ùn ứ tiền.

Những phiên giao dịch trong tuần này, ứng xử với 193.720 tỷ đồng đưa ra mua ngoại tệ nói trên, một lần nữa hoạt động điều tiết thể hiện rõ khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp chào thầu, tăng mạnh quy mô chào thầu tín phiếu từ 10.000 tỷ lên 12.000 và tới 15.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Tuy nhiên, mức độ can thiệp của “tay to” nói trên ở kênh tín phiếu hiện chỉ phản ánh ở số dư khoảng 50.000 tỷ, trong khi lượng đưa ra mua ngoại tệ hơn 193.000 tỷ khá lớn.

Trao đổi với BizLIVE về điểm này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, trong cân đối trên cần chú ý lượng Ngân hàng Nhà nước cho vay qua OMO quãng đầu năm. Đó là quãng cao điểm mùa thanh toán chi trả dịp Tết Nguyên đán, nhà điều hành tăng nguồn cho vay hỗ trợ.

Ngoài ra, như một số tổ chức đầu tư đề cập thời gian qua, quãng cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 5 tỷ USD bình ổn thị trường. Một lượng lớn VND cũng đã được hút về từ hoạt động này. Theo đó, quy mô đưa ra 193.720 tỷ được cân đối theo cả một quá trình.

Bớt hành chính, tăng tính thị trường

Trong năm 2018, tại một số thời điểm nguồn vốn ứ đọng lớn, nhất là sau năm 2017 lượng tiền thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thu về quy mô lớn, cùng tiến độ giải ngân đầu tư công ách tắc, từng có lúc giải pháp tăng dự trữ bắt buộc để hút bớt tiền về được một số chuyên gia bàn tới. Nhưng cho đến nay chưa từng hiện thực.

Và cũng trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước ít khi điều chỉnh công cụ các lãi suất điều hành, hay trần lãi suất các loại… Sau nhiều năm thị trường mới ghi nhận lần giảm rất nhẹ các lãi suất điều hành hồi tháng 7/2017 và lãi suất OMO đầu 2018.

Thay vào đó, nhà điều hành chính sách tiền tệ sử dụng nhiều hơn các công cụ tín phiếu để điều tiết như trên, cũng như các sản phẩm phái sinh trong mua bán ngoại tệ… để điều tiết lượng, qua đó cân đối lãi suất, tỷ giá và hạn chế yếu tố tiền tệ đối với lạm phát.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4 vừa qua lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Theo đó, lạm phát cơ bản, gắn với yếu tố tiền tệ và sau khi loại trừ các mặt hàng dễ thay đổi giá, vẫn đang được kiểm soát ở mức thấp.

Mà không phải đến thời điểm này việc mua lượng lớn ngoại tệ mới thể hiện, từ cuối 2016 đến giữa 2018 từng ghi nhận Ngân hàng Nhà nước mua ròng lên tới khoảng 20 tỷ USD. Quy mô đó, cũng như đến nay, vẫn được trung hòa và nền kinh tế hấp thụ mà không thể hiện nhiều xáo trộn.

Theo Minh Đức

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên