MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 tuần sau khi gọi vốn thất bại trên Shark Tank Việt Nam, startup bọt tuyết bất ngờ bán được 500 sản phẩm, bằng tổng doanh số bán trong... 1,5 năm trước

21-09-2018 - 07:28 AM | Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết buổi tối màn gọi vốn thất bại của mình lên sóng Shark Tank, ông buồn đến nỗi phải tắt máy đi ngủ. Nhưng sáng hôm sau bật điện thoại lên, "không ngờ cuộc gọi từ những người quan tâm tới sản phẩm, họ gọi muốn cháy máy luôn."

Ông Nguyễn Trường Sơn đã xuất hiện trong tập 8 của Shark Tank mùa 2 với các sản phẩm thiết bị sản xuất bọt tuyết dùng cho tắm gội, tẩy rửa… với giá rẻ hơn hàng nhập khẩu trên thị trường. Mặc dù sản phẩm được đánh giá là tiềm năng nhưng startup An Thịnh Phát của ông Sơn bị các Shark “chê” chưa biết cách bán hàng.

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Trường Sơn tại TPHCM, 2 tuần sau ông lên sóng truyền hình. Thoát khỏi không khí "chất vấn" của Shark Tank, founder gần 60 tuổi này tỏ ra vui mừng vì được phỏng vấn, hồ hởi kể về những bất ngờ nhận được sau khi lên sóng Shark Tank, dù chưa được đầu tư…

"Nửa buồn nửa vui" khi biết mình được lên truyền hình

"Trước khi mà Shark Tank lên sóng thì tôi làm khoảng 2.000 bình loại nano bạc (sản phẩm bình bọt tuyết dùng cho tẩy rửa – PV). 1.500 bình tôi bỏ kho thì bán rất chậm, vô cùng chậm. Tôi gởi lên Lazada, rồi đưa qua mấy kênh bán hàng tạp hóa rồi, nhưng tình hình tiêu thụ chậm lắm. Mỗi ngày nhìn đống thùng đó, phải nói hơi buồn và thất vọng," ông Sơn kể.

Khi quay hình, ông Sơn lại thêm một nỗi buồn nữa là không được đầu tư . "Mình đổ công sức ra như vậy, hàng thì không bán được, vốn thì không gọi được, bây giờ còn gì nữa mà không tuyệt vọng, đúng không?"

Nỗi buồn đó kéo dài khoảng mười mấy ngày, đến một buổi tối thứ 4, ông Sơn nhận được cuộc gọi từ một người bạn, bảo là tập Shark Tank Việt Nam mới nhất giới thiệu phần gọi vốn của An Thịnh Phát ở phần trailer.

"Lúc đó 9, 10 giờ rồi, tôi lỡ tivi đâu có coi được, lúc đó chương trình cũng không up Youtube sớm, tôi không ngủ được. Đến 3 giờ sáng tôi bật dậy, bật Youtube lên coi, thì thấy video đã được up lên."

2 tuần sau khi gọi vốn thất bại trên Shark Tank Việt Nam, startup bọt tuyết bất ngờ bán được 500 sản phẩm, bằng tổng doanh số bán trong... 1,5 năm trước - Ảnh 1.

Bác Nguyễn Trường Sơn trên Shark Tank Việt Nam mùa 2

Xem được đoạn trailer, biết phần sau mình sẽ lên sóng, đến giờ nỗi buồn của ông Sơn chuyển thành nỗi… lo: "Lên truyền hình thì được rồi, nhưng mà lên với kết quả không tốt thì không biết có ảnh hưởng gì đến thương hiệu của mình hay không. Nếu tốt thì mình mừng. Nhưng mà tôi không được đầu tư, tôi sợ biết đâu có ảnh hưởng ngược lại đến công ty mình thì sao, người ta chê bản thân mình, chê lây sang sản phẩm của mình nữa," ông Sơn giãi bày.

"Tâm trạng mình nửa vui nửa buồn," ông nói.

Sau khi lên sóng, phải tắt máy điện thoại đi ngủ, sáng ra mở máy nhận hàng chục cuộc gọi

Thứ 4 tuần sau đó, ông Sơn lên sóng.

"Phát sóng xong, cũng có vài người bạn gọi đến tôi, chia buồn, an ủi tôi… Sau đó đi ngủ, tôi cũng tắt máy luôn, phải 8 giờ sáng mới thức dậy tại trằn trọc hoài không ngủ được. Tôi mở máy ra, thì không ngờ là cuộc gọi từ những người quan tâm tới sản phẩm, họ gọi muốn cháy máy luôn," ông Sơn hồ hởi kể.

Ông Sơn cho hay các cuộc gọi đến liên tục, buổi sáng đó ông tiếp vài chục cuộc, mỗi cuộc nói chuyện khoảng 5 – 10 phút.

"Đặt hàng nè, xin mẫu nè, rồi đòi làm đại lý rồi, tìm hiểu nè. Có người còn xin tư vấn cho tôi tại thấy tôi... khổ quá, còn thiếu về mặt kinh doanh quá…", ông Sơn cười lớn.

"Rất mừng. Cả tháng tôi không nhận một điện thoại đặt hàng nào hết trơn, tôi phải tự đi tìm người bán, còn bây giờ khách hàng tự tìm đến tôi. Tự nhiên có một cái bước ngoặt, đang đi như vầy chầm chậm, trở nên tăng tốc một cách đột ngột," ông nói.

“Bác có thị trường là nhờ Shark Tank.”

Theo lời ông Sơn, chỉ 2 tuần sau khi chương trình phát sóng màn gọi vốn của ông, An Thịnh Phát bán được 500 sản phẩm – hơn một nửa số lượng tồn kho và bằng lượng hàng ông bán được từ khi… thành lập công ty (3/2017) đến nay.

Việc lên sóng Shark Tank còn giúp công ty của ông Sơn tìm đến khách hàng ở miền Bắc, nơi trước đây không ai biết đến ông: "Trước đây tôi đâu bán được miền Bắc đâu. Nhưng mà khi lên sóng truyền hình thì người Bắc mua nhiều lắm. Tôi có khách hàng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…"

"Dù có những điều còn băn khoăn, nhưng tôi vẫn cảm ơn chương trình. Shark Tank là cú hích, thật sự là một bước ngoặt". Cũng theo ông Sơn, qua Shark Tank, ông cũng lấy lại niềm tin vào sản phẩm của mình:

"Qua chương trình Shark Tank, tôi tin sản phẩm tôi không tồi. Mặc dù kết quả kêu gọi vốn của tôi thất bại hoàn toàn, nhưng người ta vẫn tin tưởng vào sản phẩm của tôi. Cho tôi tin tưởng hơn nữa vào tiềm năng của startup của mình.

Những người đã hoặc sẽ giúp đỡ tôi, họ sẽ tin tưởng hơn. Hồi trước tôi bán được hàng thì đâu ai tin tưởng".

2 tuần sau khi gọi vốn thất bại trên Shark Tank Việt Nam, startup bọt tuyết bất ngờ bán được 500 sản phẩm, bằng tổng doanh số bán trong... 1,5 năm trước - Ảnh 3.

Bác Nguyễn Trường Sơn

Sẽ học hỏi, sẽ cộng tác với người trẻ hơn và sẽ tiếp tục gọi vốn

Ông Sơn gọi vốn thất bại vì nhiều lý do. An Thịnh Phát mới tập trung vào phát triển sản phẩm, còn các khía cạnh để bán được sản phẩm như nghiên cứu thị trường, marketing, đặt giá sản phẩm… được đánh giá còn "lờ mờ." Shark Hưng nhận xét ông Sơn "hiểu về kinh tế nhưng không hiểu gì về kinh doanh." Còn Shark Thủy nhận xét: "Giống như một nhà nghiên cứu khoa học nhiều hơn. Tôi chưa thấy phẩm chất của một người thủ lĩnh."

Cộng đồng mạng còn nhận xét ông Sơn trình bày lan man và tính tình thì… bảo thủ.

Khi được hỏi về những cải thiện sau Shark Tank, ông Sơn nói: "Các Shark nói tôi không biết về kinh doanh. Không biết thì không đúng, mà phải nói là chưa biết."

"Tôi sẽ học hỏi, tôi sẽ tìm hiểu như đã tìm hiểu khoa học kỹ thuật. Hiện nay tôi chưa biết về thị trường, về kinh doanh. Nhưng mà, những kiến thức về kinh doanh mình có thể học khắp nơi: học sách vở, học bạn bè, học từ các chuyên gia, và cả học từ cả thị trường nữa," ông nói.

"Các Shark nói bác không biết về kinh doanh. Không biết thì không đúng, mà phải nói là chưa biết."

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trường Sơn còn cho biết sẽ tìm một người trẻ tuổi hơn cộng tác về mặt thị trường: "Tôi sẽ nghiên cứu thị trường , nhưng tôi nghĩ mình sẽ cần những người cộng tác. Tôi chỉ tìm hiểu trên vấn đề lập dự án thôi, hoặc đóng góp ý kiến với bạn đó thôi."

Ngoài ra, ông Sơn cho biết An Thịnh Phát sẽ tiếp tục đi gọi vốn .

"Tôi tin tưởng sản phẩm này của người Việt, do người Việt chế tạo ra, nếu người nào có tâm huyết với quốc gia và không nghĩ đến vấn đề lợi nhuận nhiều lắm thì họ sẽ quan tâm đến."

"Tại vì người Việt của mình bị mang tiếng làm không nổi con ốc vít, nhưng hiện nay có một sáng chế do người Việt nghĩ ra và phục vụ nhu cầu, có một thị trường riêng của nó.

Mong sẽ có những nhà đầu tư thiên thần, góp vốn để tôi có thể nuôi ý tưởng này, ra thị trường một cách ổn định hơn. Và phục vụ được nhu cầu của người Việt, để sau này xuất khẩu đi được, để người Việt cũng tự hào Việt Nam mình cũng có những sản phẩm trí tuệ, sản phẩm Việt," ông Sơn cho hay.

Ông Nguyễn Trường Sơn xuất thân là dân cơ khí, tốt nghiệp đại học Báck Khoa TPHCM năm 1984, có 7 năm làm cơ khí trong công ty nhà nước. Ông Sơn chuyển sang làm cho các công ty nước ngoài ở các vị trí thiên về kinh tế. Đến khi gần 50 tuổi, ông Sơn dừng làm ở các công ty, vì muốn đi dạy nên ở tuổi ấy ông bắt đầu đi học thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Công ty An Thịnh Phát thành lập vào năm 2017, nhưng ý tưởng về sản xuất bọt tuyết đã được ông Sơn ấp ủ từ năm 2005 nhưng từ bỏ 3 năm sau đó.

"Bỏ rồi nhưng nó cứ lẩn quẩn, mình vẫn thấy thích nó tại vì cái bọt rất đẹp, mà bọt tuyết là ngành mới." Khi cùng bạn bè nghĩ ra mẫu máy và nguyên lý mới, ông Sơn quyết định khởi nghiệp lại.

"Bạn bè tôi, tuổi này mà khởi nghiệp thì cảm thấy có gì đó không bình thường. Nhiều người cũng về hưu sớm, đi chơi, an dưỡng tuổi già, riêng tôi thì mày mò ba cái chuyện khởi nghiệp này. Nhưng mà thật ra ông KFC, ổng khởi nghiệp gà rán Kentucky năm 65 tuổi, tôi năm nay mới có năm mươi mấy tuổi, trẻ hơn ổng 8, 9 tuổi. Shark Việt nói câu, khởi nghiệp tuổi nào thì thích hợp, ổng nói từ 18 đến 81 mà.

Nhiều khi mỗi người có một niềm đam mê , số phận. Những người có số phận không được an nhàn, phải dấn thân," ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, An Thịnh Phát phát triển những máy về bọt tuyết để phục vụ công nghiệp và dân sinh: rửa xe, rửa sàn; sản phẩm bình tẩy rửa nano bạc dùng vệ sinh nhà bếp, thiết bị trong nhà; sản phẩm tắm gội. Mỗi sản phẩm có nét độc đáo riêng và có công dụng đa dạng.

Ví dụ, máy rửa sàn dành cho khu nông nghiệp công nghệ cao, rửa sàn, rửa nhà màn, còn có thể rửa được chiếc xe buýt lớn, xe giường nằm, xe lửa... Sản phẩm bình tẩy rửa nano bạc thì phục vụ cho bà nội trợ của gia đình trung lưu, khách sạn, nhà hàng, tiệm giày, những hãng ô tô để làm sạch nội thất bên trong…

Theo Thảo Thảo

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên