MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con đường sụp đổ của ngân hàng lớn nhất Mỹ

30-07-2008 - 17:39 PM | Tài chính quốc tế

Kỷ nguyên mới của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - IndyMac Bank thiết lập cách đây một thập kỷ cuối cùng đã đến hồi kết.

Sau khi công ty thế chấp sụp đổ cách đây khoảng một thập kỷ, ông Micheal Perry đã tạo ra một kỷ nguyên mới. Ông mua một ngân hàng để công ty của ông, sau này được đổi tên là IndyMac Bank, sẽ không bao giờ thiếu tiền nữa.

Thế giới tài chính đến giờ đã nắm được kết thúc của câu chuyện này. Ngày 11/07, 3h chiều, những nhà hoạch định chính sách tập trung tại trụ sở chính của ngân hàng và tiến hành thâu tóm IndyMac vốn đang ngập trong nợ nần.

Đây là một trong những vụ sụp đổ lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Mỹ. Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi của Mỹ (FDIC) có thể tốn khoảng 8 tỷ USD để khắc phục được sự cố này.

FDIC, một cơ quan độc lập trực thuộc chính quyền liên bang, đang cố gắng để giải quyết những hậu quả tại IndyMac. Thị trường tài chính Mỹ, khách hàng đều hết sức choáng váng với toàn cảnh sụp đổ của ngân hàng này. Từ năm 1980, chưa từng có ngân hàng nào sụp đổ theo cách như vậy.

Điều này đã xảy ra như thế nào? Cơ quan giám sát tiết kiệm (The Office of Thrift Supervision), cơ quan liên bang trước đây đã từng giám sát IndyMac, cho rằng một thượng nghị sỹ Đảng Dân Chủ đã khiến khách hàng của IndyMac hoảng sợ khi ông này đưa ra cảnh báo về ngân hàng.

Thượng Nghị Sỹ Charles Schumer cho rằng Cơ quan giám sát tiết kiệm đã chậm trễ trong việc phát hiện ra những vấn đề tại IndyMac, công ty thế chấp được coi là biểu tượng cho những vấn đề của thời kỷ khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn.

Có một sự thật là: những giám đốc điều hành tại IndyMac, giống như nhiều chuyên gia tài chính khác trên phố Wall, chưa bao giờ nghĩ đến việc giá nhà đất sẽ hạ. IndyMac tiến hành cho vay rất nhiều với kỳ vọng thu được lợi nhuận khi giá nhà đất tăng.

Từ năm 2000, IndyMac đã nhận tiền gửi từ khách hàng và sử dụng số tiền này để tạo ra lợi nhuận. Ngân hàng đồng thời tiến hành cho vay tiền mà không yêu cầu người vay tiền phải cung cấp bằng chứng về thu nhập và tài sản.

Nếu giá nhà đất tiếp tục tăng, chiến lược của công ty hết sức có lợi cho giám đốc điều hành, nhân viên và cổ đông.

Theo chuyên gia phân tích thị trường Paul Miller, văn hóa sales trở nên áp đảo, bộ phận kinh doanh là bộ phận lèo lái hoạt động của ngân hàng.

Lãnh đạo tại IndyMac đã nhìn ra những vấn đề của ngân hàng quá muộn. Cho đến tận tháng 2/2008, người khai sinh ra IndyMac vẫn cho rằng ngân hàng sẽ vẫn trụ vững trong sự đi xuống của thị trường nhà đất và có thể thu được lợi nhuận trong năm 2009.

Được sáng lập năm 1985 như một bộ phận nhỏ của Countrywide, IndyMac bắt đầu tiến hành cho vay vào thập niên 1990 và trở nên độc lập hoàn toàn vào năm 1997. Ngân hàng đã gần sụp đổ khi thị trường tín dụng chấn động vào năm 1998, tuy nhiên Perry đã cứu công ty khỏi khủng hoảng bằng sự hỗ trợ từ phố Wall. Tháng 7/2000 ông mua một ngân hàng tiết kiệm để có thể tiếp cận với nguồn tài chính ổn định hơn là tiền gửi của khách hàng.

Thập kỷ vừa qua IndyMac đã có thời hoàng kim khi lợi nhuận trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2006 tăng gấp 3 lần. Công ty tập trung vào khoản thế chấp Alt-A dành cho những người có tiền sử tín dụng tốt. Bao lâu nay, Perry phản đối ý kiến cho rằng những vấn đề trong thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn có thể ảnh hưởng đến hình thức cho vay của công ty.

Vấn đề lớn nhất của IndyMac là danh mục khoản vay trị giá 10 tỷ USD mà ngân hàng không thể bán được vào mùa hè năm ngoài khi thị trường tín dụng đóng băng.

Mùa xuân năm nay, Perry và cộng sự của mình đã hết sức cố gắng để gượng dậy bằng việc tìm người mua lại công ty hoặc bán những bộ phận khác nhau của công ty. Một số công ty như Cerberus Capital Management và Oaktree Capital Management đã tiến hành thảo luận với IndyMac, tuy nhiên họ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Đến cuối tháng 6, những giám đốc điều hành của IndyMac nhận ra rằng không có một công ty hay tổ chức nào có thể cứu được ngân hàng, Văn phòng giám sát tiết kiệm (the Office of Thrift Supervision) cùng lúc đó cảnh báo ngân hàng về khả năng tài chính của ngân hàng.

Perry bắt đầu thảo ra kế hoạch đóng cửa bộ phận cho vay thế chấp của IndyMac và sa thải khoảng một nửa nhân công. Ngân hàng hy vọng sẽ giảm đi danh mục các khoản nợ tuy nhiên lại tiếp tục duy trì công việc kinh doanh khoản thế chấp để chờ đợi thị trường nhà đất ổn định hơn.

Điều tiếp theo khiến IndyMac và những người đứng đầu ngân hàng này hoảng sợ là khi thượng nghị sỹ Đảng Dân Chủ, ông Schumer viết thư lên văn phòng giám sát tiết kiệm (the Office of Thrift Supervision) và Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi(FDIC) và nghi vấn về khả năng tài chính của ngân hàng. Trong 3 ngày, khách hàng lập tức đến ngân hàng rút khoảng 100 triệu USD.

Thượng Nghị Sỹ này trấn an dư luận bằng nhận xét những người đứng đầu ngân hàng vẫn làm chủ được tình hình song lòng tin của thị trường vào ngân hàng tiếp tục tụt dốc.

Đến ngày 11/07, khách hàng đã rút khoảng 1,3 tỷ USD từ ngân hàng. Theo một đại diện từ Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi (FDIC), gần đây không có nhiều ngân hàng sụp đổ cho nên khách hàng không thật sự nắm rõ về hình thức bảo hiểm tiền gửi nên mới hành động vội vàng như vậy.

Sau khi IndyMac sụp đổ, Văn phòng giám sát tiết kiệm và thượng nghị sỹ Schumer tranh luận khá nhiều về việc ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm. Các chuyên gia phân tích cho rằng sự sụp đổ của IndyMac tất yếu sẽ diễn ra, tuy nhiên động thái của thượng nghị sỹ Schumer đã khiến điều đó xảy ra sớm hơn.

Giám đốc điều hành thuộc IndyMac nghi ngờ rằng ngày tàn của ngân hàng đã đến trước cả khi các nhà hoạch định chính sách chính thức can thiệp. Khi sự hoảng sợ lan ra toàn ngân hàng, các giám đốc điều hành vội vã gói ghém đồ đạc.

Ngọc Diệp
Theo IHT

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên