MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index sẽ biến động mạnh quanh mốc 300 điểm vào cuối năm

Thị trường có thể sẽ xác lập một mặt bằng giá mới xoay quanh các mốc 300 điểm đối với sàn HOSE và 100 điểm đối với sàn HASTC vào cuối năm.

Theo báo cáo phân tích thị trường tháng 11/2008 của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), VN-Index có thể tiếp tục biến động mạnh quanh mốc 300 điểm, với biên độ +/- 20% khi thị trường bị chi phối mạnh bởi yếu tố tâm lý, nếu tình hình thị trường tài chính thế giới không có biến chuyển.

Tuy nhiên, VCSC cho rằng ngưỡng kháng cự 300 điểm đối với sàn HoSE và 100 điểm đối với sàn HaSTC là ngưỡng kháng cự tâm lý khá vững chắc. Do đó, thị trường có thể sẽ xác lập một mặt bằng giá mới xoay quanh các mốc này khi các yếu tố tác động bên ngoài từ thị trường thế giới giảm bớt.

3 yếu tố chính tác động tới thị trường

Tâm lý tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các biến động của thị trường toàn cầu.

Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế và các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu của nhiều doanh nghiệp đang chậm lại, có khả năng sụt giảm trong quý IV/2008 và những tháng đầu năm 2009.

- Tương quan cung cầu về cổ phiếu không tương xứng khi lượng cung ngày càng tăng trong khi bên cầu không có nhiều lực đỡ do lượng vốn ngoại đã không dồi dào như trước.

Yếu tố tâm lý chi phối thị trường khá mạnh

Sau khi rơi vào tình trạng khủng hoảng thanh khoản vào quý II/2008, thị trường đã khởi sắc trở lại vào tháng 7 – 8 khi tâm lý tin tưởng các yếu tố rủi ro nội tại của nền kinh tế trong nước đã được giảm thiểu.


Diễn biến giao dịch cổ phiếu của NĐTNN
Tuy nhiên, cũng chính tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư làm cho thị trường giảm sâu kể từ đầu tháng 9 đến nay, phá vỡ mức đáy thị trường đã thiết lập trước đây.

Trong khoảng thời gian cuối tháng 10, đầu tháng 11, nhà đầu tư trong nước liên tục theo dõi các diễn biến trên "sàn ngoại", cụ thể là các chỉ số trên thị trường Mỹ và Châu Á để đầu tư. TTCK Việt Nam đã trở nên liên hệ mật thiết với các diễn biến trên thị trường thế giới. Tuy nhiên ảnh hưởng mạnh nhất đến tâm lý các nhà đầu tư nội trong thời gian qua là động thái bán ra liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài.

NĐT nước ngoài liên tục bán ròng cổ phiếu và trái phiếu

Nhà đầu tư nước ngoài từ đối tượng dẫn dắt thị trường và mua thuần trong suốt thời gian qua đã trở thành lực lượng bán mạnh, góp phần vào đà giảm của thị trường.

Trong tháng 6 khi thị trường rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nhà đầu tư nước ngoài đã bán trái phiếu với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD (16.700 tỷ đồng), chiếm 84% tổng khối lượng giao dịch của toàn thị trường tại thời điểm đó.

 Diễn biến giao dịch trái phiếu của NĐTNN
(đơn vị: tỷ đồng)

Chỉ tính riêng trong tháng 10 đã có khoảng 840 triệu USD (13.970 tỷ đồng) được nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường.

Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng qua, kể từ tháng 6 – thời điểm khủng hoảng thanh khoản của thị trường chứng khoán – đến cuối tháng 10/2008, nhà đầu tư đã bán ròng tổng cộng hơn 28.000 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 1,7 tỷ USD.

Trên thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài cũng lần đầu tiên bán ròng gần 1.400 tỷ đồng trong tháng 10.

Giá trị bán trung bình chiếm 27% giá trị giao dịch của toàn thị trường đã làm tương quan cung cầu bị phá vỡ. Trong thời gian tới, bên cầu sẽ bị sụt giảm mạnh do nguồn vốn của khối ngoại sẽ bị hạn chế và tâm lý ưu tiên đầu tư vào nước sở tại hơn là ở các thị trường khác của các quỹ mở. Dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hạn chế hơn và dè dặt hơn.

Gần 10.000 tỷ đồng chuẩn bị đổ bộ lên sàn cuối năm

Lượng cung dự kiến tăng mạnh đến cuối năm từ việc niêm yết mới của nhiều cổ phiếu và yêu cầu nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng của các ngân hàng TMCP.


Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, nhiều công ty tiếp tục kế hoạch niêm yết trên cả hai sàn với tổng vốn điều lệ dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng (chưa kể vốn của PVFC đã niêm yết tại HOSE vào ngày 3/11). Tuy nhiên, với xu hướng sụt giảm liên tục của hầu hết các cổ phiếu mới niêm yết trong thời gian gần đây, lượng tăng cung mới này sẽ là một lực cản đáng kể cho toàn thị trường.

Việc mất cân đối trong tương quan cung cầu sẽ ảnh hưởng tới việc ổn định thị trường.


Kết quả kinh doanh Q3/2008: lợi nhuận giảm dần, khả năng khó khăn tăng cao về cuối năm

Trong 333 doanh nghiệp niêm yết trên sàn, hiện có 15 doanh nghiệp báo cáo lỗ (lũy kế 9 tháng đầu năm), tương đương 4,5%. Tuy nhiên tình hình kinh tế khó khăn chung đang gây ra những lo ngại về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong các tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa sụt giảm do thị trường bị thu hẹp. Các ngành bị ảnh hưởng bao gồm: nông sản (gạo, gỗ), may mặc, thủy sản (tôm, cá), cao su …

Lợi nhuận các công ty giảm mạnh do phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (đối với các công ty sản xuất) và giá cổ phiếu giảm (đối với các công ty tài chính) khi cầu về hàng hóa và tiêu dùng trên thị trường suy giảm. Các ngành bị ảnh hưởng mạnh là ngành thép, nhựa, công ty chứng khoán…

Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp

Do hầu hết tất cả các chủ thể trong nền kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi các khó khăn về kinh tế, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng không tránh khỏi các tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. VCSC đã đưa ra các tiêu chí để xem xét và lựa chọn doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ là:

- Doanh nghiệp có nhiều tiền mặt và khả năng tạo ra dòng tiền tốt

- Chính sách bán hàng linh hoạt, có cơ sở khách hàng tốt

- Có thị phần vững chắc ở các thị trường truyền thống, nhất là tập trung vào phục vụ thị trường nội địa

- Có đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có kỹ năng quản trị tốt

- Có hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề ổn định, tập trung vào hoạt động chính, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như dược phẩm, phân đạm, thực phẩm (sữa), dầu khí…

Phương Mai

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên