MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Mỹ nói về tiền

27-01-2009 - 20:17 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều người không biết rằng, lịch sử của nước Mỹ từ khi giải phóng năm 1776 là một cuộc đấu tranh không ngừng chống lại sự thống trị của các ngân hàng.

Và cuối cùng cuộc cách mạng này phải đầu hàng vào năm 1916 khi Tổng thống Woodrow Wilson trao quyền tạo ra tiền cho các ngân hàng.

 

Ngày nay, "tiền đẻ ra tiền" trở thành lý tưởng đối với số đông. Các ngân hàng chỉ có thể sử dụng hệ thống điều hành này với sự hợp tác của chính phủ. Đầu tiên, chính phủ thông qua những đạo luật bắt buộc người dân sử dụng đồng tiền quốc gia.

 

Tiếp đến, chính phủ cho phép những khoản tín dụng được tạo ra bởi các ngân hàng tư nhân có thể trả được bằng tiền quốc gia. Rồi các Tòa án đảm bảo việc chế tài khi có yêu cầu thanh khoản (trả nợ) trong tình huống có tranh chấp.

 

Và cuối cùng, chính phủ thông qua những điều khoản đảm bảo lòng tin (về các nguyên tắc ứng xử bên trong hệ thống) của nhân dân đối với hệ thống tiền tệ này mà không cho họ biết về thực tế bên trong hệ thống (tức là tính ảo của đồng tiền).

 

Trong cuộc sống có 2 điều bí hiểm: tiền và tình. Tình yêu là gì? Câu hỏi đã được khai thác triệt để đến cạn kiệt trong các tác phẩm văn học, phim ảnh, thơ ca. Nhưng tiền là gì thì không được đề cập đến.

 

Tiền đến từ đâu? Câu hỏi làm ta liên tưởng đến việc in tiền. Trong thực tế, chúng ta luôn nghĩ chính phủ liên bang tạo ra tiền tệ. Đúng, nhưng ấy chỉ là phần nhỏ, còn phần lớn được tạo ra không phải từ chỗ in tiền mà là từ các doanh nghiệp tư nhân, bởi các ngân hàng.

 

Chúng ta luôn nghĩ rằng các ngân hàng cho vay tiền từ nguồn tiền của người gửi nhưng thực tế họ cho vay trực tiếp từ những hứa hẹn của những người đến vay. Khi ta ký vào giấy vay nợ và cam kết trả lại tiền và tiền lãi, khi không trả được, ta mất nhà và ôtô.

 

Hình thành

 

Ngày xưa tiền tồn tại dưới dạng vỏ ốc hay hạt ca cao, bằng đá hay thậm chí bằng lông chim. Và rồi, người ta nhận ra rằng, vàng là một chất liệu có thể dễ dàng biến đổi thành tiền.

 

Nhiều nền văn hóa đã tạo ra những chuyên gia trong lĩnh vực chế tác này, trong việc tạo ra những đồng tiền vàng mà chất lượng và số lượng của nó đã được công nhận và thống nhất giữa nhiều vùng miền.

 

Để cất giữ, thợ kim hoàn đã tạo ra một phòng được bảo vệ tốt. Dân làng tìm đến thợ kim hoàn để thuê một chỗ trong căn phòng này. Cuối cùng thợ kim hoàn đã cho thuê hết các khoảng trống trong căn phòng và kiếm được một chút tiền cho thuê. Nhiều năm sau, thợ kim hoàn rút ra một điều quan trọng, những người gửi vàng hiếm khi đến lấy vàng ra và họ không bao giờ đến cùng một lúc.

 

Thợ kim hoàn bắt đầu một công việc kinh doanh mới. Thay vì chỉ cho thuê chỗ gửi, họ bắt đầu cho vay và đồng thời đòi hỏi lợi nhuận. Việc cho vay đơn giản là các tờ giấy biên nhận gửi vàng đã được công nhận trên thị trường giao dịch. Vì sự tiện lợi này mà dần dần các giấy biên nhận được chấp nhận và phát triển trong giao dịch như một loại tiền tệ thực sự. Thế là người thợ kim hoàn nảy ra một ý tuyệt vời, cho vay bằng giấy biên nhận và được đảm bảo giá trị bằng số vàng cất giữ trong kho mà những người gửi vàng không mấy khi cần đến.

 

Những người thợ kim hoàn kinh doanh theo cách này đã trở thành một thương nhân nhiều hơn là một nghệ nhân và kiếm được vô số lợi nhuận. Sau nhiều năm cho vay, hắn trở nên rất giàu và phô bày sự giàu sang để thu hút thêm người đến vay.

 

Điều này làm cho những người gửi vàng ở chỗ của hắn nghi ngờ vàng của họ bị lạm dụng vào việc khác. Họ kéo đến và đe dọa sẽ rút toàn bộ số vàng của họ ra nếu người thợ kim hoàn không giải thích được tại sao hắn tự nhiên giàu có đến như vậy.

 

Không giống như mọi người tưởng tượng, thực tế không bi đát cho người thợ kim hoàn. Hắn tự tin mở kho và cho mọi người thấy vàng vẫn còn nguyên trong kho. Mọi người hoàn toàn tin tưởng vì vàng vẫn được đảm bảo và uy tín của thợ kim hoàn lớn hơn.

 

Vậy là, thay vì rút vàng ra, những người gửi vàng yêu cầu người thợ trở thành nhà băng của họ và chia cho họ lợi nhuận từ sự giàu sang của hắn. Chính vì vậy mà các ngân hàng ra đời.

 

Đến nay cho vay cái không thực

 

Các ông chủ nhà băng trả cho mọi người gửi vàng một lãi suất thấp và cho vay với lãi suất cao. Sự chênh lệch dôi ra ấy là phí dịch vụ và lợi tức của ngân hàng. Hệ thống này đơn giản như hệ thống của chúng ta ngày nay và được coi là hợp lý.

 

Nhưng ngày nay, các ngân hàng không vận hành theo cách đấy nữa. Ông chủ nhà băng hoàn toàn không hài lòng với lợi tức thu được sau khi chia lợi tức với người gửi. Số người đến vay càng ngày càng nhiều và số tiền có thể vay (vốn đối ứng được bảo lãnh trong kho) ngày càng giới hạn. Thế là một ý tưởng kịp thời xuất hiện trong đầu thợ kim hoàn vì ông ta là người duy nhất biết sự thật có bao nhiêu vàng trong kho.

 

Ông ta có thể cho vay những tờ giấy biên nhận không hề được đảm bảo bằng vàng mà không ai biết. Trong suốt thời gian những người gửi vàng không đến rút ra cùng một lúc thì không ai có thể biết được. Cách thức hoạt động mới này vận hành tuyệt vời, vì nó giúp người đi vay có thể vay bao nhiêu tùy ý còn ông chủ ngân hàng, dù chẳng có thực lực lớn hơn nhưng cũng chẳng sao, ông ta vẫn trở nên giàu có khủng khiếp với lợi nhuận thu về từ những khoản phí người đi vay trả cho số vàng không hề tồn tại. Và tất nhiên, số lượng những tờ giấy biên nhận, những tấm séc không có vàng đảm bảo ngày càng được giao dịch nhiều hơn.

 

Sau đó, mọi người lại bắt đầu nghi ngờ. Một số người đến vay không muốn nhận tờ séc nữa mà muốn những đồng tiền vàng thực sự. Lúc này tin đồn càng ngày càng lan rộng và những người gửi vàng kéo đến và đòi lại số vàng của họ. Chuẩn bị đến lúc trò chơi kết thúc. Đây là lần đầu tiên mọi người đổ xô đến ngân hàng. Đây là hiện tượng làm cho tất cả các ông chủ ngân hàng thực sự lo sợ. Việc này khiến làm phá sản hàng loạt các ngân hàng tư nhân. Sự kiện phá sản và bại lộ cách làm ăn bất tín này làm cho lòng tin của dân chúng đối với ngân hàng suy giảm.

 

Cái hệ thống tiền tệ hiện đại nay đã ra đời từ cách đây 300 năm khi một ngân hàng ở Anh ra đời bởi một Nghị định Hoàng Gia cho phép tỉ lệ đảm bảo tiền/vàng là 2/1. Các ngân hàng thời đó đã chấp nhận việc tôn trọng các giới hạn của việc tạo tiền ảo (thứ tiền không được đảm bảo bằng giá trị thật ngoài sự tin tưởng hoặc bảo lãnh danh nghĩa của tổ chức khác).

 

Có một hệ thống kiểm tra giám sát quy trình tạo tiền ảo và cả sự đảm bảo được dựng lên để các nhà băng có thể hoạt thoát hiểm khỏi trường hợp mọi người đổ xô đến rút tiền. Đó là một ngân hàng trung ương được thành lập để cho các ngân hàng thương mại vay vàng. Điều này đảm bảo cho quả bóng tiền tệ được bơm căng mà không thể bị nổ tung như trường hợp khủng hoảng. Hệ thống này, thông thường không bị sụp đổ, chỉ trừ trường hợp có quá nhiều người rút vàng ra ở quá nhiều nhà băng và rút ra cùng một thời điểm.

 

Dần dần hệ thống ngân hàng được quản lý bởi ngân hàng trung ương này được trở thành mô hình hệ thống quản lý phổ biến toàn cầu.

 

Bản chất của tiền tệ đã thay đổi

 

Trong áp lực bất tận về nhu cầu vay tiền thời kỳ thương mại điện tử không giới hạn biên giới, tình hình tiền tệ đã khác nhiều. Số vàng được đảm bảo bằng các khoản nợ càng ngày càng tiến gần đến con số 0, thay vì tỉ lệ 2/1 như thời khởi thủy. Lý do là số nợ ảo lớn ngày càng lớn hơn rất nhiều lần số tiền thật được đảm bảo.

 

Bản chất của tiền tệ đã thay đổi. Ngày xưa, 1 đồng USD có giá trị tương ứng 1 lượng vàng, ngày nay 1 đồng USD chỉ có thể đổi được bằng 1 đồng USD kỹ thuật số mà thôi. Ngày xưa khoản tín dụng của các ngân hàng tư nhân được tạo ra các đồng tiền có in tên của ngân hàng tư nhân ấy và mọi người có quyền từ chối sử dụng. Ngày nay đã khác, 1 khoản tín dụng của 1 ngân hàng tư nhân được lưu hành trong hệ thống tiền tệ chung. Đồng tiền của ngân hàng tư nhân ấy được chính phủ đảm bảo giá trị bằng một đồng tiền chung. Mà khi pháp luật đảm bảo đồng tiền ấy thì mọi công dân phải chấp nhận.

 

Câu hỏi được đặt ra: Nếu chính phủ và các ngân hàng tạo ra tiền tệ thì hiện có bao nhiều tiền trên thế giới? James A.Garfield, cựu Tổng thống Mỹ chết vì bị ám sát đã từng tuyên bố: "Ai đó có thể kiểm soát khối lượng tiền tệ trên đất nước này là chủ tuyệt đối của nền công nghiệp và thương mại. Và nếu bạn biết rằng cái hệ thống có thể kiểm soát dễ dàng theo cách này hay cách khác thì không cần giải thích với bạn đâu là nguồn gốc của những thời kỳ lạm phát và giảm phát".

 

Trước đây số lượng tiền được hạn chế trong chất liệu dùng để đảm bảo chẳng hạn như là để tạo ra nhiều tiền dựa trên vàng thì phải khai thác thêm vàng. Ngày nay thì không phải thế. Họ tạo ra tiền trực tiếp từ các khoản nợ. Mỗi khi bạn đi vay tiền ở ngân hàng thì đó là lý do để tiền đã được tạo ra. Và thực chất, trước đó, tiền đã có sẵn rồi, bạn chỉ việc cầm tiền về sau khi chấp nhận lãi suất và thời hạn trả lại. Khối lượng tiền được tạo ra chỉ có một thời hạn duy nhất, đấy là giới hạn của các khoản nợ. Tiền sẽ không được in thêm nếu chẳng có thêm ai đi vay.

 

Giá trị của tiền đang đi đến một thực tế mong manh hơn khi cán cân giữa đồng tiền thực được đảm bảo và tiền ảo tiếp tục thay đổi. Nó chỉ còn là cán cân giữa số tiền có thực mà các khách hàng gửi vào ngân hàng và số tiền cho vay nợ. Tỉ lệ chênh lệch này ở mỗi một quốc gia, mỗi thời điểm lại rất khác nhau, vượt quá rất nhiều tỉ lệ 2/1 hay sau này là 9/1 và rồi tỉ lệ lên đến 20/1 hoặc 30/1 và ít tính đảm bảo hơn trước rất nhiều lần.

 

Gần đây các ngân hàng còn tìm ra cách đảo lộn hoàn toàn các tài khoản dự trữ bảo lãnh, tức là không cần dự trữ bảo lãnh theo cách bắt trả tiền lệ phí khi cho vay tiền kèm theo nhiều quy định như trước đây.

 

"Tất cả mọi người đều biết, khi bạn muốn rút tiền từ tài khoản của mình thì ngân hàng không nói là không thể, vì trên thực tế, ngân hàng đã đem số tiền của bạn cho người khác vay rồi" - nhà phân tích kinh tế Mark Mansfield nói. Với khách hàng của nhà băng, không ai biết thực tế rằng những tấm giấy vay nợ của mình đã được sử dụng để trao đổi, mua bán được như một loại tiền tệ mới.

 

Mặc dù, Chính phủ liên bang thể hiện ra rằng Chính phủ in ra số tiền đó, nhưng thực tế nó chỉ chiếm 5% còn lại 95% là do những người đặt bút ký vào giấy vay nợ ngân hàng.

 

Những tín dụng tiền tệ này xuất hiện và biến mất phụ thuộc vào việc một người đến vay tiền (tiền ảo được tạo ra) và người đến trả (tiền ảo mất - bù trừ). "Tôi sợ rằng một công dân bình thường không thích nghe rằng, các ngân hàng đang tạo ra tiền. Và chính những người kiểm soát tín dụng của quốc gia thì điều hành chính sách của chính phủ và nắm trong tay vận mệnh toàn dân" - Reginald McKenna, Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của Midlands Banks of England.

 

"Thật là chấn động, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại, ai đó phải vay mượn từng đồng USD trên thị trường bằng tiền mặt hay một khoản tín dụng. Nếu ngân hàng mà tạo ra hàng loạt tiền thì chúng ta có phương tiện để làm giàu, nếu không sẽ đói khổ. Nếu bạn có cái nhìn toàn diện hơn về hệ thống tiền tệ của chúng ta hiện nay thì bạn sẽ thấy rất bi kịch đến mức không thể tin được" - Robert H.Hemphill, Điều hành tín dụng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, Georgia.

 

Ngày xưa sự cho vay nặng lãi bị trừng phạt nghiêm khắc, thậm chí tử hình. Tất cả những tôn giáo lớn đều cấm cho vay nặng lãi. Tất cả những khuynh hướng làm lợi từ tiền đều xấu bởi tiền xuất hiện để giúp cho việc thương mại được thuận lợi cho nên tiền lãi "đẻ ra" từ tiền gốc giống như một sự ăn cắp. Nhưng khi tín dụng ngân hàng tăng lên thì các giáo lý dần nhường bước. Lúc này mọi người nói rằng, việc cho vay tiền trở thành mỗi rủi ro đối với người cho vay thì người cho vay có thu lợi cũng là bình thường.

 

Quyền lực vô hình

 

Ngày nay, tiền đẻ ra tiền trở thành lý tưởng đối với số đông, cần gì phải làm việc nếu chúng ta có thể tạo ra tiền từ tiền dễ dàng như thế. Nhưng nếu chúng ta đặt vấn đề về sự phát triển bền vững trong tương lai thì sự phát triển tiền từ tiền ngày nay lại là vấn đề đạo đức. Và nhiều chuyên gia thậm chí đã gây áp lực thay đổi hệ thống tiền tệ.

 

Nhiều chỉ trích đã yêu cầu cần phải trở lại hệ thống ngân hàng được đảm bảo bằng vàng. Cũng có gợi ý cho rằng nên dựa vào hệ thống đảm bảo bằng bạc nhưng nhìn chung đó là cách làm rất nặng nề khi vận chuyển. Cho nên đã hình thành ra hệ thống tiền bằng giấy, bằng kỹ thuật số, bằng chỉ số cá nhân như vân tay... giúp cho việc vay nợ dễ dàng hơn. Và nếu chuyển qua hệ thống đảm bảo bằng vàng thì những người không có vàng sẽ lại không có tiền.

 

... Có nhiều cách để tạo ra các hệ thống khác nhau thay thế hệ thống tiền tệ hiện nay - nếu chúng đại diện cho nhân dân và chính phủ - thì quan trọng nhất là tính minh bạch và không có lợi tức. Cựu Tổng thống Mỹ, Abraham Lincoln, bị ám sát nói: "Chính phủ phải tạo ra, phát hành và lưu hành tất cả những tiền tệ quốc gia và các khoản tín dụng cần thiết để đảm bảo cho chi tiêu của chính phủ và người tiêu dùng. Khi chấp nhận nguyên tắc này thì một khoản lãi khổng lồ sẽ được tiết kiệm để chia lời cho mọi người. Không chỉ là đặc quyền tối cao của Chính phủ mà còn là cơ hội sáng tạo lớn nhất của Chính phủ đó".

 

Nhiều người không biết rằng, lịch sử của nước Mỹ từ khi giải phóng năm 1776 là một cuộc đấu tranh không ngừng chống lại sự thống trị của các ngân hàng. Và cuối cùng cuộc cách mạng này phải đầu hàng vào năm 1916 khi Tổng thống Woodrow Wilson trao quyền tạo ra tiền cho các ngân hàng.

 

"Tôi là một người đàn ông bất hạnh. Tôi đã làm phá sản quốc gia mặc dù không mong muốn. Một đại quốc gia bị kiểm soát bởi một hệ thống tín dụng tập trung của nó. Tăng trưởng của hệ thống này nằm trong tay một vài người. Chúng ta đã trở thành một trong những chính phủ được điều hành tồi tệ nhất, bị chế ngự nhiều nhất và kiểm soát nhiều nhất trong thế giới văn minh. Đó không còn là một chính phủ tự do ngôn luận, chính phủ của niềm tin với phổ thông đầu phiếu mà nó đã trở thành một chính phủ tùy thuộc vào ý kiến và cản trở của một nhóm thiểu số có quyền lực tối thượng (giới tài phiệt)" - Woodrow Wilson, cựu Tổng thống Mỹ day dứt.

 

"Chừng nào quyền kiểm soát và phát hành tiền không được trao lại Chính phủ và coi như là trách nhiệm đương nhiên của Chính phủ thì tất cả lời nói về chủ đề quyền tối thượng của Nghị viện và nền dân chủ chỉ là vô ích và phù phiếm. Khi một quốc gia mất đi quyền kiểm soát tối thượng về tiền tệ thì tất cả luật lệ của quốc gia này sẽ vô nghĩa. Cho vay nặng lãi trong tình trạng được kiểm soát sẽ phá hủy bất cứ quốc gia nào" - William Lyon Mackenzie King, cựu Thủ tướng Canada, người đã quốc hữu hóa Ngân hàng Canada.

 

 

Theo Nguyễn Chi Lan

Thể Thao Văn Hoá

ngocdiep

Trở lên trên