MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chơi trái phiếu

Sắp tới nếu tốc độ giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất vẫn được duy trì ở mức nhanh hiện nay, có khả năng các ngân hàng quốc doanh còn tiếp tục bán ra trái phiếu.

Công ty thành viên của một tập đoàn kinh tế lớn đầu tháng 2 vừa rồi đến kỳ đáo hạn trái phiếu phát hành những năm trước, đã không trả được cả vốn và lãi cho khách hàng.

Ngay lập tức một tổ chức nước ngoài đã nâng mức lợi tức chào bán trái phiếu của tập đoàn kể trên mà họ đang nắm giữ lên khoảng 20%/năm nhằm tìm kiếm người mua. Thị trường trái phiếu đang có những chuyển động báo trước sự biến động lãi suất.

Đấu thầu trái phiếu tháng 2 thất bại

Trong tháng 2-2009 không có đợt đấu thầu trái phiếu nào trên sàn Hà Nội thành công. Ngày 25-2-2009 Ngân hàng Chính sách xã hội chào bán 2.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ với trần lãi suất 7%/năm, nhưng đã không bán được do lãi suất đăng ký thấp nhất cũng 8,1%/năm.

Ngày hôm sau lãi suất đăng ký thấp nhất cho trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành còn cao hơn, 8,45%/năm. Mức trần lãi suất 7%/năm, đúng bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ấn định, đang là trở ngại cho các đợt phát hành trái phiếu. Đơn giản vì nó không được các khách hàng chấp nhận.

Trên thị trường, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10-15 năm đang được giao dịch với lợi tức 8,8%/năm, kỳ hạn dưới năm năm khoảng 8,2-8,5%/năm. So với cuối năm ngoái, giao dịch trái phiếu khá trầm lắng.

Số liệu của Hastc cho thấy tổng giá trị giao dịch trái phiếu tháng 12-2008 lên tới 41.070 tỉ đồng, nhưng sang tháng 1-2009 chỉ còn 13.334 tỉ đồng, tháng 2-2009 thấp hơn nữa, 12.012 tỉ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng trái phiếu. Tuy nhiên thành phần bên mua đang thay đổi.

Trước đây các ngân hàng nội địa là người mua vào trái phiếu tích cực nhất, nhưng từ khoảng 10 ngày cuối tháng 2-2009 trở lại đây, thay vì mua vào, một số ngân hàng trong nước cũng bán ra trái phiếu, đặc biệt là các tổ chức tín dụng quốc doanh.

Do tốc độ giải ngân cho vay bù lãi suất quá nhanh, một số ngân hàng quốc doanh có dấu hiệu tạm thời thiếu hụt thanh khoản.

Trong tổng số 80.000 tỉ đồng cho vay bù lãi suất được giải ngân trong hai tuần cuối tháng 2-2009, các ngân hàng cổ phần cho vay rất ít. Lượng giải ngân của những ngân hàng cổ phần lớn như Techcombank, ACB, Sacombank, Eximbank chỉ trên dưới 1.000 tỉ đồng/ngân hàng.

Các ngân hàng cổ phần bậc trung và nhỏ mới cho vay chừng 200-300 tỉ đồng/ngân hàng. Giải ngân quá nhanh trong khi vốn huy động tăng không kịp, việc bán trái phiếu của ngân hàng quốc doanh để đảm bảo thanh khoản là hợp lý.

NHNN đã có động thái can thiệp kịp thời: giữ nguyên lãi suất cơ bản, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng nguồn cung tiền đồng cho ngân hàng. Vấn đề là ở chỗ liệu lượng tiền đồng có được từ giảm dự trữ bắt buộc có đủ bù đắp mức sụt giảm từ vốn huy động tiền đồng của hệ thống ngân hàng?

Con số này chỉ NHNN có thể tính toán, bởi trong các thông báo về tình hình hoạt động ngân hàng hàng tuần được đăng tải trên website của NHNN gần đây, không hề có thông tin về tổng dư nợ cũng như huy động của các ngân hàng.

Sắp tới nếu tốc độ giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất vẫn được duy trì ở mức nhanh hiện nay, có khả năng các ngân hàng quốc doanh còn tiếp tục bán ra trái phiếu.

Trần lãi suất trái phiếu vượt lãi suất cơ bản?

Hiện tại trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch tiền đồng tất cả các kỳ hạn dưới 12 tháng đều đang tăng, mức tăng từ 0,5-1%/năm (nguồn: thông tin hoạt động tuần của NHNN trên website). Xu hướng mặt bằng lãi suất có thể tăng đang nằm trong dự báo của nhiều tổ chức. Lợi tức trái phiếu, do đó, cũng sẽ được đẩy lên.

Trái phiếu, cho đến giờ, vẫn là cuộc chơi của các tổ chức, nhất là các quỹ đầu tư lớn. Sắp tới là cuộc chơi của họ với các định chế phát hành trái phiếu.

Chính phủ vừa đề nghị Quốc hội cho phép phát hành thêm 11.500 tỉ đồng, nâng tổng lượng trái phiếu dự kiến phát hành năm 2009 lên 55.000 tỉ đồng, tương đương 3,1 tỉ đô la Mỹ. Một phần của số này sẽ được dùng cho kích cầu và bù đắp bội chi ngân sách. Huy động một lượng vốn lớn như vậy trong bối cảnh hiện nay là không dễ dàng, nếu trần lãi suất đấu thầu không được Bộ Tài chính linh hoạt.

Song điều gì sẽ xảy ra một khi Bộ Tài chính điều chỉnh mức trần lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất cơ bản của NHNN? Lãi suất cơ bản sẽ chạy theo trần lãi suất trái phiếu hay ngược lại? Giới tài chính đang nghiêng về giả thuyết cho rằng lãi suất cơ bản trong quí 2-2009 sẽ khó giữ được mức như hiện nay.

Năm ngoái trái phiếu chính phủ đã từng là chỗ dựa của không ít tổ chức. Trong tổng số 2.556 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2008 của Ngân hàng ACB, lợi nhuận thu từ trái phiếu là hơn 1.000 tỉ đồng. Các quỹ đầu tư của Prudential đã giảm được mức tụt giảm tổng giá trị tài sản ròng xuống 15% cũng nhờ trái phiếu. Dragon Capital cũng “sống” bằng trái phiếu từ hơn một năm nay.

Lợi nhuận sau thuế năm qua của SSI (252 tỉ đồng) còn giữ được mức cao nhất trong khối các công ty chứng khoán một phần cũng cậy nhờ trái phiếu. Hiện SSI còn hơn 2.000 tỉ đồng trái phiếu và tiền mặt. Eximbank có lúc đã sở hữu không dưới 5.000 tỉ đồng trái phiếu...

Khi thị trường bất động sản chưa kết thúc những ngày trầm lắng, chứng khoán chưa ngừng hành trình tìm đáy, thì trái phiều vẫn còn là mối quan tâm hàng đầu.

Vậy trở ngại của các tổ chức trong cuộc chơi trái phiếu hiện tại là gì? Đó là kinh doanh trái phiếu kỳ hạn nào? Dài hay ngắn? Và có nên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp? Lãi suất đã từng lên rất nhanh và xuống cũng rất nhanh trong năm ngoái. Nắm giữ trái phiếu kỳ hạn dài không phải lúc nào cũng là cơ may.

Trái phiếu doanh nghiệp đôi khi cũng rủi ro như... cổ phiếu, mà trường hợp trái phiếu của một công ty thành viên của một tập đoàn lớn ở phần đầu bài viết này là ví dụ. Hiện một số tổ chức cho biết họ chỉ tham gia đấu thầu trái phiếu của những doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ.

Theo Hải Lý
TBKTSG

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên