MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành tái chế phế liệu Trung Quốc khủng hoảng

12-03-2009 - 11:14 AM | Tài chính quốc tế

Ngành công nghiệp tái chế trị giá hàng tỷ USD nay không còn hưng thịnh như trước vì khủng hoảng kinh tế và giá hàng hóa hạ.

Mỗi buổi sáng, anh Tian Wengui đi từ ngôi nhà của anh dưới gầm cầu với hai túi đầy trên vai. Làm việc suốt ngày cho đến tối đêm, anh gom và làm sạch những lon đồ uống, lon thức ăn và dầu ăn thải loại. Việc bán số phế liệu này lại cho nhà máy tái chế giúp anh kiếm được 3USD/ngày. Tuy nhiên thời kỳ tốt đẹp đó nay không còn nữa.

Ngành công nghiệp tái chế trị giá hàng tỷ USD nay không còn hưng thịnh như trước vì khủng hoảng kinh tế và giá hàng hóa hạ. Hiện nay, giá thu gom phế liệu chỉ bằng một nửa so với mùa hè năm ngoái.

Sự sụp đổ của ngành công nghiệp tái chế ở Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến những người như anh Tian – người làm nghề gom phế liệu, người trung gian mua phế liệu của anh và các nhà máy tái chế kim loại, giấy, thủy tinh và nhựa thành sản phẩm phục vụ cho các siêu thị, cửa hàng và công trình xây dựng trên toàn thế giới. Trung Quốc không còn một địa điểm thu gom một phần phế liệu từ Mỹ và châu Âu như trước nữa.

Nạn nhân lớn nhất của việc này sẽ là môi trường. Hiện đã có quá nhiều rác thải trên thế giới, điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người và nay thế giới sẽ tiếp tục ngập trong số rác không được tái chế.

Theo hiệp hội quản lý rừng và giấy của Mỹ, Mỹ xuất khẩu 11,6 triệu tấn giấy tái chế và bìa các tông sang Trung Quốc năm 2008, cao hơn nhiều so với mức 2,1 triệu tấn năm 2000. Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều nhất rác phế liệu của thế giới.

Khoảng 70% nguyên liệu cho ngành tái chế của Trung Quốc nhập từ nước ngoài. Phát ngôn viên cho Hiệp hội tái chế tài nguyên Trung Quốc nhận xét truyền thống của Trung Quốc xưa nay vẫn là tiết kiệm và trở nên giàu có. Người Trung Quốc có thói quen sửa một món đồ nhiều lần và tiếp tục dùng nó cho đến khi bỏ nó đi.


 Một trung tâm thu gom phế liệu tại thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc. Giá phế liệu giảm mạnh do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Giá hàng hóa trên thị trường thế giới hạ nhanh đến nỗi mùa thu năm 2008 chỉ trong khoảng thời gian vài tuần từ cảng New Jersey, hay Rotterdam đến Trung Quốc một số mặt hàng như lon đồ ăn cho chó đã hạ giá xuống thấp hơn rất nhiều so với giá khi rời cảng.

Ông Bruce Savage, chủ tịch Cơ quan phụ trách ngành tái chế của Mỹ - cơ quan đại diện cho phần lớn công ty trong ngành tái chế Mỹ, nhận xét mọi thứ vẫn biến chuyển tốt đẹp cho đến tháng 10/2008, tất cả các công ty thuộc lĩnh vực tái chế đều hoạt động rất khó khăn.

Năm 2007, Mỹ xuất khẩu lượng hàng phế liệu chế trị giá khoảng 22 tỷ USD đến 152 nước trên thế giới. Giá hàng phế liệu hiện đã giảm từ 50% đến 70% so với mức đỉnh cao trước đây. Những người kinh doanh hàng phế liệu phương Tây cho biết họ đang hết sức đau đầu với trữ lượng tồn kho với giá trị đã giảm quá nhanh trong thời gian gần đây.

Mọi chuyện trầm trọng hơn khi công ty nhập khẩu Trung Quốc yêu cầu thương lượng lại hợp đồng theo hướng điều chỉnh giá giảm. Trong một số trường hợp, họ từ chối nhận cả những lô hàng họ đã đồng ý nhập trước đó.

Theo đại diện Hiệp hội tái chế tài nguyên Trung Quốc, hiện vẫn còn rất nhiều côngtennơ đầy hàng phế liệu tại cảng Hồng Kông và chưa biết đến khi nào số hàng phế liệu này sẽ được nhập khẩu.

Giá đồng, thiếc phế liệu giảm hơn 60% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2007. Giá giấy phế liệu giảm 80%.

Những đối tượng làm việc trong ngành tái chế phế liệu Trung Quốc đều phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Gia đình của anh Gao Zuxue là một trong số các gia đình chuyên gom phế liệu tại thủ đô Bắc Kinh.

Anh Gao cho biết năm 2007 anh kiếm được khoảng 450USD/tháng nhờ gom phế liệu và bán lại cho các công ty. Nay nếu công việc kinh doanh thật sự thuận lợi, anh mới kiếm được khoảng 80USD/tháng. Người ta không bán phế liệu cho anh nữa vì giá đã xuống quá thấp.

Nhiều công ty trong ngành sản xuất phế liệu đang cảm thấy khó để duy trì được công việc kinh doanh. Giám đốc điều hành của một công ty phế liệu tại tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc cho biết mục tiêu của công ty ông hiện chỉ là tồn tại. Công ty của ông chuyên sản xuất sợi polyester và polypropylene cho các công ty.

Trước đây, công ty ông nhập khẩu khoảng 1/3 lượng nhựa cho sản xuất, mức giá là 1.200USD/tấn. Tuy nhiên cho đến nay khi giá loại phế liệu này chỉ còn một nửa, nhiều công ty cung cấp nguyên liệu này đã ngừng hoạt động, công ty của ông không thể có nguyên vật liệu cho sản xuất.

Công ty còn có mối lo khác lớn hơn, vì lo ngại về khả năng mất ổn định, chính quyền địa phương đã yêu cầu các công ty không được sa thải nhân công ngay cả khi doanh số giảm. Khủng hoảng kinh tế gây áp lực rất lớn lên các công ty trong ngành tái chế nguyên vật liệu.

Những chuyên gia môi trường và tái chế rác thải lo ngại về ảnh hưởng của sự đi xuống của ngành tái chế phế liệu đối với môi trường.

Ngọc Diệp

Theo IHT


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên