MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp “khóc - cười” vì tỷ giá

02-04-2009 - 21:28 PM | Doanh nghiệp

Bên cạnh những doanh nghiệp chịu "thiệt thòi" từ đợt nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá VND/USD thì không ít doanh nghiệp lại được hưởng lợi lớn từ sự kiện này.

Bên cạnh những doanh nghiệp chịu "thiệt thòi" từ đợt nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá VND/USD lên + 5% do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập ngoại, hoặc có nguồn vốn vay ngoại tệ lớn... thì cũng không ít doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ sự kiện này.

Vay ngoại tệ: Thiệt thòi !

PPC (Nhiệt điện Phả Lại) là một trong những cổ phiếu "thiệt kép" với đợt nới rộng biên độ tỷ giá VND/USD lần này. Do doanh nghiệp này vay nợ bằng Yên Nhật.

Do đó, khi đồng tiền này tăng lên so với USD, trong khi VND lại mất giá so với USD khiến cho khoản nợ của PPC tăng lên đáng kể. Phần doanh thu tăng thêm khoảng 96 tỷ đồng từ khoảng tăng giá điện mới đây quá "bèo bọt" so với con số của đợt biến động tỷ giá.

Tính đến ngày 31/12//2008, dư nợ vay là 36,2 tỷ JPY. Sự biến động tỷ giá trong năm ngoái đã khiến cho trăng trượng lợi nhuận kinh doanh ấn tượng của PPC không đủ bù đắp cho khoản lỗ kỷ lục 207,7 tỷ đồng tính đến cuối năm.

Khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của PPC gần 1,600 tỷ đồng cho khoản vay nợ ngoại tệ trên và khoản lỗ 10 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá đã thực hiện do thanh toán 1,8 tỷ JPY tiền gốc vay trong năm nay.

Với khoản nợ vay bằng Yên Nhật là 36 tỷ JPY, thì chỉ cần 1% biến động trong tỷ giá VND/JPY so với cuối năm 2008, PPC có thể phải trích lập thêm hoặc hoàn nhập gần 66.5 tỷ đồng.

Để hạn chế rủi ro này, hiện nay PPC cũng đang tìm kiếm đối tác để bảo hiểm rủi ro. Tuy nhiên, "thiệt thòi" chắc chắn cũng khó ước đoán do khoản vay này không hề nhỏ.

Có ý kiến cho rằng, việc VND giảm giá so với USD sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành dầu khí thu được khoản lợi lớn nhờ tiền tệ được sử dụng chính trong các hoạt động giao dịch là USD.

Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng với những doanh nghiệp có sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ như PVD. Trong quý 4/2009, do sự biến động của tỷ giá hối đoái, PVD chịu một khoản lỗ khoảng 140 tỷ đồng do đánh giá lại các khoản vay ngoại tệ.

Trong đó, khoảng 70 tỷ đồng đã được hiện thực hoá, 70 tỷ đồng còn lại mới được lập dự phòng và sẽ được hoàn nhập lại nếu tỷ giá biến động theo hướng có lợi cho công ty.

Ngoài ra, trong quý 4/2009, chi phí quản lý của PVD tăng cao so với các tháng trước do công ty đã trích dự phòng mất việc làm, trả tiền lương tháng thứ 13 cho công nhân viên, trả phí quản lý cho tập đoàn Petrovietnam và phí tập đoàn bảo lãnh các khoản vay của PVD.

Theo dự báo của công ty Kim Eng Việt Nam, tổng doanh thu của PVD năm 2009 sẽ giảm khoảng 9,8% so với 2008 do sự thu hẹp của hoạt động thương mại và các dịch vụ liên quan tới hoạt động khoan dầu khí.

Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động cho thuê giàn khoan của công ty sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2008 nhờ các hợp đồng dài hạn được ký cho đến hết tháng 7/2009. Trong những tháng còn lại, nhiều khả năng PVD sẽ cho công ty khai thác dầu Phú Quý thuê PV Drilling I theo một hợp đồng khoảng 140 ngày.

Mặc dù giá trị hợp đồng vẫn chưa được công bố nhưng giá thuê có lẽ không thể quá chênh lệch so với giá cho thuê giàn hiện tại tại khu vực Đông Nam Á khoảng 153.000 USD/ngày.

"Theo ước tính của chúng tôi, chi phí cho một giàn khoan một ngày khoảng 110.000-120.000 USD bao gồm chi phí hoạt động, quản lý, khấu hao và lãi vay. Như vậy, cho dù giá cho thuê giàn khoan sụt giảm mạnh chỉ còn khoảng 160.000 USD/ngày tỷ suất lợi nhuận kinh doanh của hoạt động này cũng được duy trì ở mức tối thiểu là 25%".

Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền - công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam nhận định: "Theo dự báo của chúng tôi, doanh thu từ hoạt động cho thuê giàn khoan của PVD sẽ tăng bình quân 22%/năm trong vòng 5 năm tới. Về mặt lợi nhuận, khi mà hoạt động cho thuê giàn khoan chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu dịch vụ do PVD cung ứng, tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tiếp theo".

Cơ hội với thị trường nội địa

Cũng chịu nhiều tác động xấu từ việc nới rộng biên độ tỷ giá VND/USD lần này, nhưng những doanh nghiệp sữa "nội" có khả năng tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước có thể nhân cơ hội để mở rộng thị phần vẫn bị các doanh nghiệp "ngoại" chiếm ưu thế. Điển hình như "ông lớn" VNM (Vinamilk).

Tuy là một trong những doanh nghiệp chủ động trong việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nguồn nguyên liệu chính là sữa bột, chiếm khoảng 50% nguyên liệu sản xuất, vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.

Như vậy, việc nới rộng biên độ tỷ giá VND/USD sẽ đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp này tăng lên, đặc biệt trong quý 2/2009 vì VNM đã cam kết sẽ không tăng giá sữa đến hết tháng 5/2009.

Nhưng bên cạnh tác động tiêu cực, VNM hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thị phần sữa, đặc biệt là với sản phẩm sữa bột - vốn đang bị các nhà sản xuất ngoại chiếm ưu thế.

Năm 2008, Vinamilk chiếm 37% thị phần tính chung cho tất cả các sản phẩm sữa ở Việt Nam. Sản phẩm sữa bột nhãn hiệu Dielac của doanh nghiệp này chỉ chiếm 15% thị phần. Sản phẩm sữa bột có tỷ suất lợi nhuận gộp cao nên được VNM tập trung phát triển trong thời gian tới.

Sau khi đã tính đến yếu tố VND mất giá khoảng 8% so với USD trong năm 2009 thì tỷ suất lợi nhuận gộp năm nay của VNM sẽ tăng lên từ 31,7% lên 33,6%. Theo đó lợi nhuận sau thuế năm 2009 ước đạt 1.492 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm 2008.

Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền - công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam cho rằng: "Cổ phiếu VNM hiện đang được giao dịch quanh mức P/E dự kiến là 11,6 lần, khá thấp so với mức bình quân 16 lần của cổ phiếu ngành sữa trong khu vực Châu Á. Đây là cổ phiếu đáng được xem xét đầu tư khi nhìn vào tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của thị trường sữa Việt Nam".

Theo P.Lan
DĐDN

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên