MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước giàu “đau đầu” bởi những khoản nợ lớn chưa từng có trong lịch sử

12-06-2009 - 13:22 PM | Tài chính quốc tế

Năm 2050, 1/3 dân thuộc thế giới các nước giàu sẽ qua tuổi 60. Tiền trả nợ và chi tiêu cho chương trình phúc lợi của nhóm dân số đè nặng lên ngân sách các nước giàu.

Khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất từ thập niên 1930 cuối cùng đã dịu bớt, tuy nhiên một đám mây mù khác đang chờ đợi: số nợ công khổng lồ.

Khắp các nước phát triển, chính phủ vay nhiều tỷ USD để cứu kinh tế bởi nguồn thu từ thuế giảm, số tiền vay dùng để hỗ trợ thuế, giải cứu cho thị trường việc làm và thực thi kế hoạch cứu kinh tế.

Số liệu mới nhất từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tỷ lệ nợ công của 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới từ mức 78% GDP năm 2007 sẽ lên mức 114% GDP vào năm 2014. Khi đó mỗi công dân nước này sẽ nợ khoảng 50 nghìn USD.

Suốt từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai cho đến nay, chính phủ các nước chưa bao giờ vay nợ nhiều đến như vậy. Và tình trạng nợ nần hiện nay, không giống như thời chiến tranh, sẽ không chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

Ngay cả sau khi suy thoái kinh tế chấm dứt, một số nước giàu sẽ vẫn phải hạn chế chi tiêu làm sao để nợ không tiếp tục tăng.

Đáng lo ngại hơn, vấn đề nợ nần chồng chất này lại diễn ra chi trước khi ngân sách các nước chịu gánh nặng từ chi phí y tế và hưu trí cho một bộ phận dân số đang đến tuổi già.

Năm 2050, 1/3 dân thuộc thế giới các nước giàu sẽ qua tuổi 60. Chi phí nhân khẩu sẽ cao gấp 10 lần chi phí tài khóa của khủng hoảng tài chính.

Các chính phủ sẽ vỡ nợ, dùng lạm phát để giải quyết hay đưa ra hướng đi nào?

Tình thế đáng sợ hiện nay đặt các nhà hoạch định chính sách kinh tế vào thế lưỡng nan đầy nguy hiểm. Trong ngắn hạn, các chính phủ buộc phải vay nợ để ứng phó với việc kinh tế và ngành ngân hàng khó khăn.

Nếu không giải cứu ngành ngân hàng, khủng hoảng tài chính sẽ hơn cả một thảm kịch. Nếu không có các chính sách kích thích kinh tế, kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái sâu và lâu dài – điều này gây ảnh hưởng tệ hại nhất đến lĩnh vực tài chính công.

Thế nhưng một khi đã vay tiền, sự lỏng lẻo về tài chính không thể kéo dài mãi, điều đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tệ hại hơn, quy mô các khoản nợ quá lớn có thể đẩy một số chính phủ đến tuyên bỗ vỡ nợ hoặc giảm giá trị thực các khoản nợ thông qua lạm phát cao.

Lo ngại về khả năng vỡ nợ cấp chính phủ đã lên cao tại một số nền kinh tế yếu thuộc châu Âu như Hy Lạp, Ireland, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha, một đồng tiền chung đã tước đi khả năng điều chỉnh tỷ lệ lạm phát riêng. Xếp hạng nợ của Ireland ngày 08/06 đã hạ đến lần thứ 2 liên tiếp.

Mối lo ngại về lạm phát dâng cao tại Mỹ, mức lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ ngày 10/06 đã lên đến mức gần 4% trong khi mức này vào tháng 12/2008 mới chỉ là hơn 2%.

Nguyên nhân khiến lợi tức tăng phần lớn do sự lạc quan về khả năng kinh tế hồi phục hơn là cảnh báo về vấn đề tài khóa. Thâm hụt ngân sách tăng cao, các Ngân hàng Trung ương in quá nhiều tiền để mua trái phiếu chính phủ, người ta lo ngại cuối cùng lạm phát sẽ giải quyết số nợ đó của nước Mỹ.

Những mối lo trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế. Đà phục hồi của kinh tế sẽ bị chặn đứng nếu tỷ lệ lãi suất tăng quá nhanh trong thời gian quá ngắn. Những chính sách hiện tại sẽ trở nên không còn hiệu quả nữa, lợi tức trái phiếu chính phủ loại dài hạn sẽ liên tục tăng.

Vậy chính phủ các nước nên làm gì? Việc đột ngột điều chỉnh hay thắt chặt chính sách tài khóa sẽ là một sai lầm lớn. Ngay cả khi tốc độ suy giảm của các nền kinh tế chậm lại, “sức khỏe” các nền kinh tế đó vẫn rất yếu.

Kinh nghiệm từ Nhật năm 1997 cho thấy khi thuế tiêu dùng bất ngờ tăng, nền kinh tế lại bị đẩy vào suy thoái, đây là lời cảnh báo cho việc vội vàng thắt chặt tài khóa sẽ phản tác dụng, đặc biệt là sau khủng hoảng ngân hàng. Thay vì ngay lập tức cố gắng giảm thâm hụt ngân sách, chính phủ các nước giàu nên đưa ra cam kết họ sẽ làm như vậy một khi kinh tế vững mạnh hơn.

Giải pháp phù hợp

Chính phủ sẽ làm được điều trên bằng cách nào? Lời hứa của các chính trị gia nhiều khi không có ý nghĩa lắm. Bất kỳ một cam kết nào cũng nên đi kèm với kế hoạch cụ thể về vấn đề giảm thâm hụt ngân sách và kế hoạch ứng phó nhanh gọn để tăng tiết kiệm trong tương lai mà không phải cắt giảm đi nhiều nhu cầu ở hiện tại, biện pháp có thể tính đến là nâng tuổi về hưu.

Rộng hơn nữa, chính phủ nên cam kết sẽ làm sạch lĩnh vực tài chính công bằng việc giảm chi tiêu trong tương lai thay cho việc tăng thuế. Phần lớn các nước châu Âu hiện không còn có thể tiếp tục tăng thuế. Ở một số nước, nguồn thu thuế chiếm đến 40% GDP.

Việc cải cách hệ thống thuế thật sự cần thiết tại một số nước như Anh và Ireland – hai nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ thị trường tài chính và nhà đất từng trải qua tình trạng bong bóng.

Ngay cả tại Mỹ, dù nguồn thu từ thuế chiếm khoảng 30% GDP, việc tăng thuế sẽ không phải là phương án tốt nhất. Ở Mỹ, chính sách phù hợp nhất sẽ là kiểm soát chi tiêu dù chắc chắn nên cải cách hệ thống thuế, ví như xóa ưu tiên thuế đối với lĩnh vực nhà đất hay khấu trừ thuế cho công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế.

Bước tiếp theo để tăng độ tin cậy đối với các chính sách trên là đưa ra các quy định và các tổ chức nhằm thực thi giải pháp phù hợp. Đảng Bảo thủ ở Anh muốn đưa ra một cơ quan độc lập chuyên đánh giá các kế hoạch của chính phủ. Chính phủ Đức xem xét thông qua điều khoản theo đó mức thâm hụt ngân sách cơ cấu sẽ chỉ là 0,35% từ năm 2016.

Chính quyền Tổng thống Obama cũng muốn kiểm soát chặt mức thâm hụt ngân sách. Các mục tiêu đó cần phải được cân nhắc cụ thể, chính sách của chính phủ Đức xem ra quá cứng nhắc. Kinh nghiệm từ Chilê và Thụy Điển cho thấy việc kiểm soát chặt sẽ ngăn hoang phí.

Thế nhưng không điều gì mang ý nghĩa lớn hơn việc đưa ra một số quyết định khó khăn ngay hiện tại. Một ưu tiên cần tính tới là nâng mức tuổi về hưu để tăng nguồn thu thuế (người lao động làm việc lâu hơn) và giảm chi phí hưu trí. Nhiều nước giàu đã thực hiện điều này, song họ nên làm mạnh tay và quyết liệt hơn.

Một chương trình khác cần tính tới là chương trình y tế. Nước Mỹ có hệ thống y tế tiêu tốn nhiều tiền nhất thế giới. Tình hình tài khóa của Mỹ sẽ được cải thiện nếu Quốc hội thông qua sửa đổi mới chú trọng kiểm soát chi phí với mức độ mạnh giống như khi Tổng thống Obama trước đây nhanh chóng muốn mở rộng chương trình y tế.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế đã thất bại trong việc kiểm soát mức chi phí dành cho nhóm dân số già suốt nhiều năm nay. Bong bóng tài chính vỡ, nợ nần chồng chất là cơ hội để tiến hành bước đột phá mới nếu không, một thảm họa tài chính khác đang chờ đợi.

Theo Economist

Ngọc Diệp


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên