MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh thu của các ngân hàng giảm 10.000 tỷ đồng

16-06-2009 - 16:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Để chia sẻ khó khăn về tài chính đối với doanh nghiệp, hộ sản xuất và ngăn chặn suy giảm kinh tế, doanh thu của các NHTM giảm khoảng 10.000 tỷ đồng, riêng Agribank giảm khoảng 4.300 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết như vậy xoay quanh thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) hiện nay. Tính đến ngày 11/6, dư nợ cho vay HTLS là 338.431,17 tỷ đồng.

Theo đánh giá của NHNN: Trong quá trình triển khai, các tổ chức tín dụng (TCTD) chấp hành nghiêm túc việc thẩm định hồ sơ vay vốn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất và quy định về bảo đảm tiền vay, thực hiện kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, nên các hành vi đảo nợ rất khó xảy ra.

Trên thực tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hộ sản xuất, vòng quay vốn lưu động trong 1 năm khoảng 2 - 4 vòng (từ 3 - 6 tháng/vòng); theo đó, thời hạn trả nợ vay ngân hàng đối với các khoản vay hỗ trợ lãi suất cũng được xác định tương ứng khoảng từ 3 - 6 tháng.

Trong những tháng đầu năm, doanh nghiệp và hộ sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, trả các khoản vay đến hạn và tiếp tục vay vốn, quay vòng vốn lưu động để sản xuất - kinh doanh và được hưởng hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật là hoạt động kinh tế diễn ra bình thường. 

Nếu tính tròn số trong 4 tháng cho vay hỗ trợ lãi suất (từ tháng 2 đến cuối tháng 5/2009), dư nợ vay được hỗ trợ lãi suất của doanh nghiệp, hộ sản xuất khoảng 305.763 tỷ đồng, tương ứng hơn 35% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của cả hệ thống NHTM. Như vậy, vòng quay vốn tín dụng sát với vòng quay vốn lưu động của doanh nghiệp trong điều kiện hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn.

Việc doanh nghiệp và người dân luân chuyển nhanh, giải phóng hàng hoá tồn kho trả nợ ngân hàng trước hạn là hiện tượng bình thường, kể cả không có chính sách hỗ trợ lãi suất; việc trả nợ trước hạn để vay theo chính sách hỗ trợ lãi suất là điều tích cực, vì doanh nghiệp và người dân trả nợ trước hạn muốn vay mới đều phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện theo cơ chế tín dụng thông thường. 
 
“Vì vậy, trong dư luận có một vài ý kiến cho rằng phần lớn dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất được sử dụng vào mục đích đảo nợ là không có cơ sở cả về bản chất kinh tế và chu chuyển vốn sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tín dụng ngân hàng”, NHNN nhấn mạnh.

Thực hiện triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, gần 100 NHTM, công ty tài chính, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất giảm chi phí đầu tư, bớt khó khăn về tài chính, từ đầu năm 2009, các NHTM đã từng bước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ (16 - 17%/năm), xuống mức tối đa là 12,5%/năm và 10,5% kể từ ngày 16/4/2009.

Đối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ đúng hạn thì được NHTM xem xét cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi cho vay và tiếp tục cho vay mới để sản xuất - kinh doanh theo cơ chế cho vay hiện hành.

Do đó, khối lượng công việc và chi phí bỏ ra để giải ngân vốn cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM đã tăng lên nhiều lần và phải thực hiện khẩn trương trong một thời gian ngắn, đảm bảo tính kịp thời, chính xác, đúng quy định của pháp luật.
 
Theo An Hạ
Dân trí

longhoang

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên