MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công bố nghiên cứu về lợi nhuận của 118 công ty thuộc 18 ngành

CTCK Habubank đã công bố nghiên cứu về lợi nhuận của 118 công ty thuộc 18 ngành. Kết quả khá bất ngờ khi doanh thu của các DN này tăng 29,3% so với quý I.

Trong buổi sinh hoạt thường kỳ tháng 7 dành cho các hội viên của Công ty Đào tạo Đầu tư DoBF cuối tuần trước, nhóm chuyên viên phân tích của CTCK Habubank đã công bố một nghiên cứu về lợi nhuận của 118 công ty thuộc 12 ngành - các DN công bố kết quả kinh doanh quý II sớm nhất tới NĐT.

Kết quả khá bất ngờ: doanh thu quý II của các DN này tăng 29,3% so với quý I, nhưng giảm 1% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các con số tăng trưởng lợi nhuận lại rất cao, tương ứng là 70,4%, 49,9% và 42%.

Thông thường, mức tăng trưởng lợi nhuận bền vững phải được tăng trưởng doanh thu hỗ trợ tương ứng. Vậy đâu là yếu tố cấu thành nên lợi nhuận của các DN niêm yết dẫn đến sự khác biệt này?

Lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của BHS đạt 465,3 tỷ đồng, tăng 16,55 % so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 48 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ.

Khoản hoàn nhập trên sổ sách khoản đầu tư tài chính của BHS đối với cổ phiếu SSI, STB, Sacomreal... đóng góp tới 45,4% lợi nhuận 6 tháng. Năm 2009, BHS đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 45,6 tỷ đồng, nếu cuối năm VN-Index trên mức 400 điểm, Công ty đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm ngay từ bây giờ.

Cổ phiếu SAM của CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom) chung diện bị cảnh báo như BHS cũng đang đổi vận.

Theo BCTC chưa qua soát xét, 6 tháng đầu năm, doanh thu của Sacom đạt 142,34 tỷ đồng, giảm 55,77% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, lợi nhuận lại tăng mạnh, lãi 177,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 65,5 tỷ đồng. Lợi nhuận của Sacom đột biến nhờ khoản hoàn nhập đầu tư tài chính trong kỳ là 173,1 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc Sacom cho biết, khoản lãi trong đầu tư của Công ty đến từ việc bán 2 triệu cổ phiếu HPG và hoàn nhập dự phòng từ 3 triệu cổ phiếu HPG (ước tính khoảng 50% con số đã trích tập trước đó).

Tại CTCP Cơ điện lạnh (REE), 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 294,87 tỷ đồng, vượt 17,95% so với kế hoạch cả năm, trong đó có hơn 120 tỷ đồng đến từ việc hoàn nhập các khoản đầu tư tài chính - chiếm 40,8% lợi nhuận toàn Công ty.

Tại nhiều DN có đầu tư tài chính khác theo khảo sát nhanh của ĐTCK, các khoản hoàn nhập chiếm 20 - 50% con số đã trích lập. Hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính đang là nhân tố quan trọng đóng góp vào lợi nhuận ròng của nhiều DN trong quý II.

Thậm chí, theo nghiên cứu của CTCK TP. HCM (HSC), nếu cuối năm 2009, VN-Index ở mức 550 điểm, thì riêng các công ty niêm yết trong Top 30 sẽ được hoàn nhập dự phòng tối thiểu 1.600 tỷ đồng, nâng mức lợi nhuận của các DN này lên cao hơn nữa.

Giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vốn và thuế suất giảm

Một trong những DN gây ấn tượng mạnh nhất là CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC). Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của DRC là 174,8 tỷ đồng, hoàn thành 336% kế hoạch năm, tăng 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp của DRC mới đạt 360,47 tỷ đồng, hoàn thành 48% kế hoạch năm; doanh thu đạt 883,9 tỷ đồng, hoàn thành 49% kế hoạch năm.

Có thể nói, lợi nhuận ấn tượng của DRC bao gồm cả các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. BCTC của DRC cho thấy, chi phí nguyên vật liệu trong nửa đầu năm 2009 chỉ là 439,6 tỷ đồng, giảm 174,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước do dự trữ được nguyên liệu giá rẻ. Gói bù lãi suất của Chính phủ khiến chi phí lãi vay của DRC giảm từ 16,3 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước xuống 9,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Thông tư số 129/2008/TT-BTC quy định nhiều mặt hàng DRC đang sản xuất áp dụng thuế suất 10%, nhưng thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho DN, mặt hàng săm, lốp kích cỡ từ 900-20 của DRC đã được hưởng thuế suất ưu đãi 5% cho đến hết năm 2009.

Khoản hoàn nhập dự phòng không phải là lý do duy nhất cải thiện nhanh chóng hiệu quả kinh doanh của BHS sau 6 tháng. Giải thích về lợi nhuận tăng đột biến, lãnh đạo Công ty cho biết, BHS lãi từ hoạt động sản xuất - kinh doanh và các hoạt động khác hơn 26,2 tỷ đồng.

BHS đã dự trữ một lượng lớn đường nguyên liệu với giá hợp lý trong quý I và đầu quý II. Ngoài ra, là DN sản xuất, BHS được hưởng ưu đãi hỗ trợ lãi suất 4% từ gói kích cầu của Chính phủ.

Tương tự BHS, nhiều DN ngành thép, xây dựng, sản xuất chế tạo cũng có sự tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng so với cùng kỳ năm trước do được hưởng ưu đãi về thuế suất, chi phí lãi vay giảm và DN dự báo đúng tình hình biến động của thị trường nguyên liệu đầu vào nên đã tăng lượng hàng dự trữ.

Và từ thu nhập khác

Trong quý II, lợi nhuận sau thuế của CTCP Ánh Dương Việt Nam (VNS) đạt 30,254 tỷ đồng, tăng 76,85% so với quý I.

Lãnh đạo VNS cho biết, trong quý II, hoạt động kinh doanh chính của Công ty vẫn ổn định và phát triển. Lợi nhuận sau thuế tăng 292% so với quý I đến từ thu nhập khác: VNS đã thanh lý 71 xe ôtô cũ (gần 50% theo kế hoạch năm).

6 tháng đầu năm, CTCP Xuất nhập khẩu Khánh Hội (KHA) đạt 23,278 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 257,46% so với cùng kỳ năm ngoái, do trong quý II Công ty bán tiếp các căn hộ thuộc dự án Chung cư Khánh Hội 2.

Tương tự, CTCP Thủy sản số 4 (TS4) hạch toán một phần lợi nhuận từ dự án Chung cư Orient Apartment, CTCP Cơ điện Lữ Gia (LGC) hạch toán lợi nhuận từ dự án Cao ốc Lữ Gia Plaza...

Nhìn chung, kết quả kinh doanh 6 tháng của các DN đã công bố, hầu hết đều tốt hơn dự báo. Lợi nhuận của các DN đạt cao đã củng cố tâm lý NĐT. Tuy nhiên, lợi nhuận cũng giống như chiếc bánh, hấp dẫn không chỉ bởi kích thước và vẻ "ngon mắt" bề ngoài.

Sẽ lý thú hơn nếu phân tích được thành phần nguyên liệu cấu thành nên chiếc bánh đó. Các yếu tố đột biến khó tiếp tục tạo lợi nhuận cao cho DN trong nửa cuối năm 2009. Có lẽ, nên nhìn nhận cẩn trọng và quan tâm hơn đến mảng kinh doanh cất lõi của DN.

Theo Giang Thanh
ĐTCK

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên