MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữ nhà đầu tư bằng cổ tức?

Năm 2009 đã đi quá nửa chặng đường và các doanh nghiệp luôn muốn chứng tỏ với các nhà đầu tư của mình bằng những khoản cổ tức hấp dẫn.

Sàn Hà Nội vào ngày 11/8 đã đón một gương mặt mới là cổ phiếu EID của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội. Ngay khi chuẩn bị chào sàn, EID đã không giấu tham vọng sẽ dành cho các nhà đầu tư một khoản cổ tức dự kiến khá hấp dẫn trong năm 2009.

Ông Vũ Bá Khánh, Giám đốc EID cho biết, mức cổ tức dự kiến của EID trong năm 2009 sẽ là 18%. Không dừng lại ở con số này, mục tiêu chia cổ tức trong năm 2010 của EID được xác định là 20%. Cơ sở để EID có thể chia cổ tức cao như vậy là do khả năng lợi nhuận trong những năm tới khá khả quan, với mức lợi nhuận dự kiến trong năm 2009 là 29,1% và năm 2010 là 31%.

Ngoài trường hợp EID, nhiều doanh nghiệp (DN) đang niêm yết trên hai sàn Hà Nội và TP.HCM cũng có những kế hoạch chia cổ tức khá rôm rả. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt I/2009 theo tỷ lệ 20% mệnh giá. Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tân Tiến (TTP) tạm ứng 10% bằng tiền, Công ty cổ phần Vật tư vận tải xi măng (VTV) chi trả 10% trong đợt đầu, Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa (SVI) tạm ứng 10%...

Trước những động thái chia cổ tức của DN, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra khá phấn khích. Ông Đỗ Ngọc Dũng, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán FPTS cho biết, trong những thời điểm thị trường trồi sụt bất thường, thì cổ tức đã trở thành một khoản thu nhập tốt cho nhà đầu tư.

Ông Dũng giải thích thêm, nếu như trong những thời điểm thị trường tăng nóng, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu sau mỗi phiên đã thấy mình “giàu” thêm 5%, thì không mấy ai quan tâm đến cổ tức. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay đã khác nhiều, sức tăng của thị trường đã yếu đi nhiều, thậm chí có những giai đoạn thị trường giảm điểm, nên thu nhập của nhiều nhà đầu tư chủ yếu trông chờ vào những khoản cổ tức được chia.

Mặc dù cổ tức là một khoản thu nhập được nhiều nhà đầu tư trông đợi, nhưng việc chia cổ tức như thế nào lại luôn là một bài toán không dễ với các doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một công ty niêm yết cho biết, mặc dù đạt lợi nhuận khá lớn, nhưng DN vẫn rất lấn bấn trong việc quyết định chia cổ tức cho các cổ đông. Nếu DN đem khoản lợi nhuận ra chia bằng tiền cho cổ đông, thì có thể sẽ làm hài lòng một số nhà đầu tư, nhưng nhiều khi cũng không hiệu quả về mặt kinh doanh, vì hầu hết các DN đều có nhu cầu về vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Trong thực tế, nhiều DN đã lựa chọn giải pháp chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương thức này tỏ ra khá hữu dụng trong một thời gian dài, vì nó vừa giúp DN giữ lại được vốn tích luỹ phục vụ kinh doanh, đồng thời nhà đầu tư vẫn thấy mình đang được nhận những khoản lãi chia từ DN.

Mặc dù vậy, thời gian qua, có những giai đoạn thị trường đi xuống, giải pháp chia cổ tức bằng cổ phiếu đã từng bị nhiều nhà đầu tư phản đối. Lý do là, khi thị trường giảm điểm, cổ phiếu ngày càng mất giá, thì nhà đầu tư cũng vẫn thích “tiền tươi, thóc thật” hơn.

Theo một số chuyên gia, về mặt lý thuyết, mặc dù có mức lãi kếch xù, nhưng DN có thể không chia cổ tức và giá trị của cổ phiếu sẽ được tích luỹ trong chính số cổ phần mà các cổ đông đang nắm giữ. Tuy nhiên, thực hiện điều này hoàn toàn không dễ đối với lãnh đạo các DN, vì dù có lãi, nhưng nếu không chia cổ tức, thì các nhà đầu tư vẫn cảm thấy... có gì đó không ổn.

Trong khi đó, nhà đầu tư cũng có cái khó riêng của họ. Theo nhà đầu tư Đỗ Ngọc Dũng, nhiều nhà đầu tư hiện không có nghề gì khác, ngoài đầu tư chứng khoán. Khi thị trường không lên điểm mạnh để có lợi nhuận từ chênh lệch giá, thì nhiều người vẫn trông đợi cổ tức như một khoản thu nhập quan trọng. Do đó, nhiều nhà đầu tư khó chấp nhận việc nắm giữ cổ phiếu cả năm trời mà không nhận được đồng cổ tức nào và với bất cứ lý do gì.

Theo Chí Tín
Báo Đầu tư

thanhtu

Trở lên trên