MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên có gói kích cầu thứ hai?

18-08-2009 - 15:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những hiệu quả mà gói kích cầu này mang lại thì chúng ta mới quyết định có nên tiếp tục gói kích cầu thứ hai nữa hay không.

Vừa qua, nhiều thành viên của Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia có kiến nghị rằng, cần có gói kích cầu thứ hai triển khai ngay sau khi kết thúc gói kích cầu bù lãi suất vào cuối năm 2009. CafeF đã có cuộc trao đổi với ông Cao Sĩ Kiêm – thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia về vấn đề này

Thưa ông, được biết vừa qua Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia đề suất có thêm một gói kích cầu thứ hai, ông có thể nói rõ hơn về kiến nghị này?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Trước hết phải nói rõ rằng kiến nghị có thêm gói kích cầu thứ hai triển khai ngay sau khi kết thúc gói kích cầu bù lãi suất vào cuối năm 2009 chỉ là ý kiến của một cá nhân chứ không phải kiến nghị chung của toàn bộ các thành viên trong Hội đồng.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang trong quá trình nghiên cứu xem xét có nên ra đời một gói kích cầu thứ hai hay không (nếu có thì có ở mức nào). Tuy nhiên, nó vẫn chưa hình thành thành một chủ trương và kiến nghị chung.

Vậy theo ông, Việt Nam có nên có thêm gói kích cầu thứ hai không?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Theo tôi, suy giảm kinh tế đang bắt đầu có dấu hiệu tốt lên và gói kích cầu thứ nhất đang phát huy tác dụng; do đó trước mắt chúng ta nên làm tốt gói kích cầu hiện có.

Tính đến thời điểm này, gói kích cầu bù lãi suất 1 tỷ USD đã thực hiện được 2/3 (tính đến giữa tháng 8/2009 đã giải ngân hơn 395.000 tỷ đồng) chúng ta phải tập trung làm tốt 1/3 còn lại.

Đồng thời, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trung và dài hạn (24 tháng) được khai từ tháng 4/2009 nhưng đến nay lượng vốn giải ngân rất thấp. Do đó, cần có những biện pháp tích cực hơn để việc triển khai đạt tiến độ đề ra và mang lại hiệu quả như gói kích cầu bù lãi suất vừa qua.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những hiệu quả mà gói kích cầu này mang lại thì chúng ta mới quyết định có nên tiếp tục gói kích cầu thứ hai nữa hay không. Nếu gói kích cầu thứ nhất làm không tốt thì chắc chắn sẽ khó có thể có gói kích cầu thứ hai.

Gói kích cầu đã thực hiện được 2/3 rồi, còn 1/3 nữa theo ông khi thực hiện chúng ta phải chú ý những gì?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Cái thứ nhất là chúng ta phải rút kinh nghiệm những lần giải ngân trước, chỗ nào trúng, chỗ nào không trúng, chỗ nào phát huy hiệu quả chỗ nào không… Để từ đó chúng ra rút kinh nghiệm và xử lý ngay.

Cái thứ hai là, nên tập trung vào những chỗ chưa được hưởng mặc dù đã có đủ điều kiện để nó có thể phát huy và phát triển đó là cái rất chú ý trong việc thực hiện gói kích cầu vừa rồi.

Ông đánh giá như thế nào trước ý kiến cho rằng, gói kích cầu nên cắt giảm dần dần, có lộ trình?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Việc gói kích cầu rút dần dần và có lộ trình để doanh nghiệp có thể thích nghi dần thì đó là biện pháp rất tích cực. Bởi lẽ, nó vừa giúp cho chủ trương chống suy giảm của nhà nước được bền vững, vừa giúp cho doanh nghiệp tránh được những tổn thất đáng tiếc có thể xảy ra.

Cũng có thể chúng ta lùi xuống thời hạn kết thúc gói kích cầu thấp hơn một vài tháng hoặc vài quý. Tuy nhiên, điều này phải phụ thuộc vào các cơ quan quản lý khi họ đưa ra các thông số, các dữ kiện có thể đảm bảo được sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục ổn định khi chính sách hỗ trợ lãi suất được rút ra.

Ông Cao Sĩ Kiêm: Có ý kiến cho rằng, không nên hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Cho vay tiêu dùng phải xét những “món” cho vay cần thiết, đáp ứng đúng cho lĩnh vực tiêu dùng thì phải đáp ứng. Vì cho vay tiêu dùng là một “kênh” góp phần khôi phục kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, tạo sức mua… từ đó giúp tăng trưởng được nhanh chóng.

Chúng ta chỉ nên hạn chế cho vay tiêu dùng quá mức hoặc tạo ra những yếu tố dẫn đến lạm phát. Cần kiểm tra kỹ những khoản vay không đúng đối tượng, lãng phí, không đi vào chính sách an sinh xã hội; đặc biệt là những khoản vay dưới tiêu chuẩn, không mang lại hiệu quả thì phải hết sức chú ý.

Tại thời điểm hiện nay, ông có thể đưa ra đánh giá của mình về tình hình kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ của chúng ta trong thời gian qua?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Theo tôi, điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian qua là đúng đắn và nó đang phát huy hiệu quả. Chắc chắn khi được thực hiện triệt để những tác dụng và gói kích cầu kết thúc thì của nó sẽ thể hiện rõ vai trò chống suy giảm và góp phần tăng trưởng của mình.

Điều hành chính sách tiền tệ về cơ bản là tốt và đúng vì những định hướng, chủ trương sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như vậy tôi cho là được.

Tuy nhiên, nó vẫn còn một vài yếu điểm như: tâm lý săn lùng và găm giữ USD làm cho thị trường không phát triển thực chất. 

Việc điều hành nhịp nhàng của các NHTM trong việc cung ứng các tín dụng cũng như các ngoại tệ hay xử lý các trường hợp vi phạm, vai trò thông tin, minh bạch, giải thích rõ ràng của NHNN… thực hiện chưa đồng bộ và kiên quyết, tạo ra những căng thẳng không cần thiết.

Theo ông về điều hành chính sách tiền tệ, từ giờ đến cuối năm chúng ta còn phải đối phó với những khó khăn gì?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Nói chung là định hướng là rất tốt, chúng ta chỉ còn phải chú ý đến việc điều hành. Cụ thể, phải giải tỏa được tâm lý không đúng, theo dư luận, đồn thổi, phao tin không chính thức… gây tâm lý hoang mang.

Thứ hai, các ngân hàng TMCP phải hết sức chú ý đến chất lượng phục vụ của mình làm thế nào cho nó được thông thoáng, rõ ràng và có trọng tâm, trọng điểm.

Về phía NHNN, cần phải giải thích cơ chế chính sách rõ ràng; đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… tất cả những cái đó phải chú ý trong điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm.

Hạnh Lệ (thực hiện)

hanhle

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên