MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao dòng tiền vẫn “bỏ qua” bluechips?

Vấn đề nằm ở chỗ “đột biến” và “kỳ vọng”. Dòng tiền thông minh sẽ tìm đến nơi sinh lời nhiều nhất.

Dòng tiền đã “lướt” qua cổ phiếu ngành mía đường (LSS, SBT, BHS); cao su (DRC, CSM, DPR, TNC…), xây dựng (SJS, LCG, NTL), thép (VIS, HSG, SMC…) khiến các cổ phiếu này tăng 50% thậm chí gấp 2 trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên nhà đầu tư chờ đợi vẫn không thấy “màu tím” xuất hiện tại các cổ phiếu chủ chốt như SSI, STB, DPM, ACB, BVS…

Vấn đề nằm ở đâu?

Khi VN-Index tăng từ 411 điểm vào cuối tháng 5 lên 512 điểm vào đầu tháng 6, thị trường tăng 100 điểm trong vòng gần 2 tuần. Cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán Sài Gòn lúc đó tăng từ 59.000 đồng lên 79.000 đồng/cp, BVS của CTCP Chứng khoán Bảo Việt tăng từ 49.000 đồng/cp lên 64.000 đồng/cp, ACB tăng từ 41.000 đồng lên 59.000 đồng/cp…tất cả chỉ diễn ra trong một thời gian quá ngắn.

Các cổ phiếu bluechips với tính chất quyết định đến Index khi tăng trần đồng loạt sẽ kéo toàn thị trường tăng trần theo. Khi VN-Index gặp một ngưỡng cản trên, nhà đầu tư nhanh chóng chốt lời cổ phiếu bluechips khiến thị trường giảm điểm, các cổ phiếu khác bị bán ra như một bàn cờ domino tạo ra hiệu ứng giảm điểm trên toàn thị trường.

Sang đến đợt tăng điểm vào tháng 8, diễn biến thị trường đã diễn ra trái ngược hoàn toàn so với tháng 6. VN-Index vẫn tăng nhẹ (3 tháng tăng 20%) song các phiên Index tăng trên 4% rất ít. Kết quả kinh doanh quý 2/2009 đã tác động phần nào đến tâm lý các nhà đầu tư khi tính “đột biến” xuất hiện tại các cổ phiếu đã bị “lãng quên” trong đợt tăng giá trước.


Diễn biến SSI, STB, ACB so với VN-Index

Sáu tháng vượt kế hoạch cả năm

Tính đến thời điểm hiện tại, các công ty niêm yết đã công bố gần hết báo cáo kết quả kinh doanh quý 2. Trong số các cổ phiếu bluechips hiện còn duy nhất BVH của Tập đoàn Bảo Việt là chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2.

Trong khi GMD của CTCP Gemadept tạo đột biến khi công bố 6 tháng đạt 158,3 tỷ đồng LNTT, bằng 117% kế hoạch năm, lợi nhuận quý 2 gấp 3,8 lần quý 1 (nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ); VIS của CTCP Thép Việt Ý công bố 6 tháng đầu năm đạt hơn 500% kế hoạch lợi nhuận năm; NKD lãi tăng 230% so với cùng kỳ 2008; SJS lợi nhuận quý 2 tăng 39 lần so với cùng kỳ 2008…thì ACB, STB, HPG, HAG, SSI, BVS…cho dù lợi nhuận quý 2 vẫn tăng trưởng mạnh so với quý 1 và cùng kỳ song sự “bất ngờ” tạo ra cho các nhà đầu tư là rất ít.

Có thể, khi HPG, ACB, STB …công bố kết quả kinh doanh hàng tháng, thì điều đó đã được phản ánh phần nào vào giá của các cổ phiếu này và khi tất cả đồng loạt công bố kết quả kinh doanh thì các nhà đầu tư hướng sự chú ý đến các cổ phiếu chưa tăng điểm trong thời gian qua.


Mức tăng của VIS (đỏ), LSS (xanh lá cây), SJS (vàng) so với VNIndex (xanh da trời)

Dòng tiền thông minh kiếm tìm các cổ phiếu tiềm năng. Trong khi các cổ phiếu bluechips thanh khoản tốt, nên tâm lý các nhà đầu tư cho rằng “mua lúc nào cũng được”!! Rõ ràng trong các phiên giao dịch được đẩy lên cao, STB khớp lệnh 11 triệu cổ phiếu, SSI khớp lệnh hơn 5 triệu cp…nhà đầu tư muốn mua sẽ có người khác bán ra chốt lời bởi cung hàng còn khá nhiều. Trong khi đó, một số cổ phiếu thị giá nhỏ, số lượng niêm yết thấp, cung hàng ít nên khi nhiều người tranh mua sẽ tạo hiệu ứng dễ hơn đối với bluechips.

Thứ hai, trong thời gian qua, các con sóng chia ra theo từng nhóm ngành, một phần vì kết quả kinh doanh quý 2 tốt và một phần khác là kỳ vọng của các nhà đầu tư về các nhóm ngành này trong 6 tháng cuối năm.

Thép liên tục tăng giá khiến các cổ phiếu thép như VIS, HSG, SSM, SMC, HMC... tăng trần liên tục. HSG của Tập đoàn Hoa Sen quý 2/09 (tương đương quý 3 năm tài chính) lãi 109,7 tỷ đồng, 7 tháng lãi 66 tỷ khiến lũy kế lợi nhuận đã vượt kế hoạch năm; [SSM] của CTCP Chế tạo kết cấu thép VNECO 6 tháng đạt 64,7 tỷ đồng doanh thu và 6,418 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương đạt 40% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận; tuy nhiên lợi nhuận quý 2 của công ty này tăng hơn 600% so với cùng kỳ, EPS 4 quý gần nhât 5.250 đồng/cp, PE 4.8; VIS hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 500%...HPG cũng nằm trong nhóm ngành này lại không tăng mạnh cho dù đã điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận.

Về nhóm cổ phiếu xây dựng, SJS trở thành “hiện tượng” khi tăng gần 100% so với thời điểm cách đây 3 tháng. SJS công bố lãi quý 2 đạt 75,76 tỷ đồng, gấp gần 8 lần quý 1 và gấp 39 lần cùng kỳ 2009. SJS tăng mạnh nhờ thông tin công bố về kỳ vọng lợi nhuận quý 3 tăng vọt do bán dự án khu căn hộ cao cấp Nam An Khánh; các cổ phiếu xây dựng khác cũng tạo đột biến là NTL, LCG, HAG, VNE…song lợi nhuận của VNE trong quý 2 tăng đột biến do bán tài sản cố định.

Đối với nhóm cổ phiếu mía đường và thực phẩm, giá đường tăng chóng mặt trong thời gian gần đây, trong khi NKDKDC tăng mạnh do lợi nhuận quý 2 tăng vượt kỳ vọng nhà đầu tư cũng như kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý 3 tăng mạnh khi dịp Trung thu đang tới gần.

Ngoài ra, các cổ phiếu ngành cao su (DRC, TNC, HRC, DPR, [CSM]), các cổ phiếu cảng (DXP, VSC), các cổ phiếu từ lỗ năm 2008 thành lãi như REE, SAM, GMD…cũng được chú ý. Hiện tại, nhà đầu tư có xu hướng mua mạnh các cổ phiếu mới lên sàn như DIG, CSM...

Trong khi đối với nhóm ngành tài chính, SSI, BVS, KLS, HPC, SHS…dường như đi ngang trong đợt tăng giá vừa qua do đã tăng 200 – 300% trong đợt tăng trước đó, các cổ phiếu ngân hàng như ACB, STB, CTG, VCB, SHB do lượng cung quá nhiều cũng khó tăng mạnh.

Tuy nhiên, nếu thị trường tiếp tục được hỗ trợ từ TTCK thế giới, giao dịch ổn định ở mức 2.000 – 3.000 tỷ/ngày trên hai sàn thì dòng tiền một lúc nào đó sẽ quay trở lại với nhóm ngành tài chính.

Tất cả đều phụ thuộc vào cung cầu thị trường và kỳ vọng nhà đầu tư.

Phương Mai

phuongmai

Trở lên trên