MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng 30%

28-08-2009 - 15:23 PM | Tài chính - ngân hàng

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu chỉ đạo: kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 30% và giảm dần trong những năm tiếp theo.

Hôm nay (28/8), tại Hội thảo với chủ đề “Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế, lạm phát năm 2009 - 2010.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Đà tăng trưởng được duy trì nhưng lạm phát có sức ép tăng, việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ sẽ t
iếp tục áp dụng mô hình kiểm soát khối lượng tiền là chủ yếu, kết hợp với kiểm soát giá cả tiền tệ.

Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 30% và giảm dần trong những năm tiếp theo, đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống.

Sử dụng các Ngân hàng thương mại có quy mô lớn (NHTM NN) đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cùng ngày, Tổng cục thống kê ngày 28/8 cũng cho biết kinh tế-xã hội nước ta đến nay đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thống đốc NHNN: "Đừng kỳ vọng quá nhiều vào các gói hỗ trợ của Chính phủ"

Phát biểu tại hội thảo “Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm” tại Lâm Đồng ngày 28-8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho biết các cơ quan chức năng vẫn chưa bàn bạc việc kéo dài các gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông thì việc kéo dài hỗ trợ lãi suất sẽ khó xảy ra ra vì đây là chính sách lớn của cả nước chứ không chỉ riêng NHNN.

“Có nhiều kiến nghị cho rằng nên có các gói kích cầu thứ 2, thứ 3 thì chúng tôi đã bàn bạc nhiều cùng lúc với việc theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ cần thoát khỏi suy giảm kinh tế mà còn phải nâng cao khả năng cạnh tranh sau khủng hoảng. Vì vậy, doanh nghiệp cần tự vươn lên bằng sức mình, đừng kỳ vọng quá nhiều vào các gói hỗ trợ của Chính phủ”, ông Giàu nói.

NHNN vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới và nếu nền kinh tế có chuyển biến tốt hơn hoặc xấu đi, NHNN sẽ kịp thời đưa ra các chính sách ứng phó.

Ông Giàu cho biết, vừa qua việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp mặc dù có những tác động tích cực nhưng cũng không tránh khỏi những phản ứng tiêu cực lên tỷ giá và lãi suất.

Về vấn đề lãi suất huy động đang được các ngân hàng chạy đua đưa lên cao trong hai tháng gần đây, ông Giàu cho rằng tình hình này cũng không quá bất thường.

Lý do là các ngân hàng thời gian qua đã tập trung vào cho vay hỗ trợ lãi suất đẩy nhu cầu vốn lên cao nên phải tăng lãi suất huy động. Dự kiến tăng trưởng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 8 là 25% so với cuối năm 2008.

Về tỷ giá, nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm tiền đồng mất giá để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng hầu hết các ngành xuất khẩu của Việt Nam đều phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu. Vậy, cho nên theo ông Giàu, việc phá giá đồng tiền chưa chắc đã tốt.

Tiền đồng Việt Nam cứ mất giá 5% thì ngân sách nhà nước phải trả nợ thêm 26.000 tỉ đồng mỗi năm, và doanh nghiệp phải trả thêm 13.000 tỉ đồng mỗi năm, ông Giàu cho biết. Năm 2008, tiền đồng Việt Nam đã mất giá 9% và từ đầu 2009 đến nay đã mất giá thêm 3%.

Thống đốc NHNN cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh họat trong thời gian tới.

Theo T.Triều
Thời báo kinh tế Sài Gòn


Vũ Minh

tuyetminh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên