MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phần 3: Các vấn đề xoay quanh giao dịch ký quỹ và giải chấp

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến về triển vọng TTCK Việt Nam 2010 trên Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 11/12/2009 quay quanh vấn đề giải chấp và ký quỹ.

Le Thi Hoa - Nữ 35 tuổi - Luat su: Xin hỏi ông Quách Mạnh Hào: Nghe nói trong hai phiên ngày hôm nay lượng bán tháo cổ phiếu là do hiện tượng giải chấp của Chứng khoán Thăng Long. Ông hãy cho biết số lượng giải chấp này sẽ kéo dài đến khi nào và như vậy thì triển vọng của chứng khoán Việt Nam thời gian tới sẽ ra sao nếu các thông tin đưa ra không có tính công khai và chính xác?

Ông Quách Mạnh Hào: Những tin đồn về giải chấp tại Thăng Long cũng như tại một số CTCK khác thực tế đã bị thổi phồng quá mức.

Bạn cần phân biệt giữa việc ép bán giải chấp và việc khách hàng chủ động bán do họ nhận định thị trường không tốt. Tôi có thể khẳng định rằng nếu phải ép bán thì chúng tôi cũng đã làm xong từ rất lâu rồi. Hiện tại, khách hàng của chúng tôi chưa có quan điểm tích cực về thị trường và việc họ bán hoặc giữ là do quan điểm của họ.

Đây là một ví dụ nữa cho thấy rằng, tin đồn quan trọng hơn sự thật, và đó là một đặc trưng tiêu cực của thị trường Việt Nam.

Quang Thiện - Nam 38 tuổi - Nhà đầu tư: Xin hỏi lãnh đạo các CTCK, công ty ông/bà đang thực hiện việc giải chấp như thế nào?

Ông Hoàng Xuân Quyến: Cảm ơn câu hỏi của bạn, rất tiếc là CTCK Tân Việt (TVSI) chưa cho sử dụng đòn bẩy tài chính nên không có việc giải chấp chứng khoán.

Huy Thịnh - Nam 31 tuổi - Kinh Doanh chứng khoán: Cho tôi hỏi ông Quách Mạnh Hào: TTCK hơn một tháng nay luôn có xu hướng giảm về gần mốc 430 điểm vì các tin đồn về thắt chặt tín dụng và NHNN bắt buộc mua tín phiếu, các ngân hàng thì nâng lãi suất vào tháng cuối năm để huy động vốn thì luồn tiền chảy vào chứng khoán là khá khiêm tốn trong khi đó chứng khoán thế giới vẫn tốt. Liệu nửa cuối tháng 12 TTCK có khởi sắc trở lại với những tin như đưa dịch vụ ký quỹ vào áp dụng, các công ty báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm?

Ông Quách Mạnh Hào: Trong xu thế giảm điểm mạnh như hiện tại, rất khó để khẳng định bất cứ điều gì. Cá nhân tôi cũng kỳ vọng những chuyển biến tích cực từ giữa tháng 12. Tuy nhiên, tôi đưa ra một yếu tố để bạn cân nhắc hơn là tin vào kỳ vọng đó: sự tăng điểm của VN-Index kết hợp với sự tăng lên đột biến của khối lượng giao dịch. Theo quan điểm của tôi, khoảng 60 triệu mới có ý nghĩa.

Hoàng Thị Thanh Tam - Nữ 45 tuổi - Kinh doanh chứng khoán: Gửi bà Lê Lệ Hằng câu hỏi như sau: Bà nghĩ sao về một số tin hành lang về việc các CTCK câu kết với nhau đánh xuống vì "trả thù" nhà đầu tư chuyển sàn sang các CTCK có hỗ trợ đòn bẩy tài chính? Thay vì nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng để chiếm lại thị phần thì lại có những động thái như vậy liệu có khách hàng nào quay lại với các CTCK khi họ biết rằng họ đang bị các công ty này "chơi xấu" không? Hiện nay thanh khoản sụt giảm đáng kể liệu có phải vì có phải vì có sự dòm ngó kiểm soát của UBCK nên các thế lực ngầm đã nằm im không động tĩnh vì sợ bị điều tra về việc có hay không những tổ chức và cá nhân đã và đang thao túng giá cổ phiếu trong tháng 11 vừa qua?

Bà Lê Lệ Hằng: Trong bất kỳ ngành nghề nào cũng có sự cạnh tranh. ở SSI chất lượng dịch vụ luôn được đặt lên hàng đầu và chúng tôi lựa chọn cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra giá trị gia tăng cho nhà đầu tư bằng cách đưa ra những báo cáo phân tích khách quan và có tính chuyên sâu về công ty và ngành. Bộ phận môi giới cũng không ngừng lắng nghe ý kiến khách hàng và cải tiến chất lượng dịch vụ.

Vu Quang - Nam 36 tuổi - Kỹ sư: Ủy ban Chứng khoán đã có cách nào quản lý được dòng tiền vay ngân hàng hoặc các CTCK để mua chứng khoán?

Ông Nguyễn Đoan Hùng: Hiện nay Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ quản của các ngân hàng thương mại đồng thời là cơ quan hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ. Ngoài việc đề ra các mục tiêu về tăng trưởng tiền tệ chung cho nền kinh tế hàng năm, cơ quan này còn đưa ra các chỉ tiêu cho vay của các các ngân hàng đối với các lĩnh vực kinh tế trong đó có chứng khoán.

Về phía Ủy ban Chứng khoán, hiện nay chúng tôi cũng đang xây dựng bộ tiêu chí an toàn tài chính áp dụng đối với các CTCK, đồng thời dự thảo thông tư về giao dịch ký quỹ (margin trading), trong đó sẽ quy định cụ thể đối với giao dịch ký quỹ. Thông qua thông tư này, sẽ giám sát được luồng vốn cho vay mua chứng khoán của các CTCK.

Mai Thu Trinh - Nữ 30 tuổi - Nha dau tu: Có phải gần đến thời điểm tính thuế thu nhập từ đầu tư chừng khoán cũng là một yếu tố làm thị trường giảm không?

Ông Nguyễn Quang Bảo: Chào bạn, Thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động đầu tư kinh doanh chứng khoán sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2010. Tuy mức thuế khoán này không cao (0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra) nhưng khi thông tin này được đưa ra vào thời điểm thị trường đang suy giảm mạnh cũng ít nhiều tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.

Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, ngay khi thị trường có dấu hiệu hồi phục các nhà đầu tư sẽ không quá quan tâm đến mức thuế này nhiều.

Cao Đình Nhân - Nam 26 tuổi - Kỹ sư: Khi tham gia TTCK tôi thấy một vấn đề đó là sự ưu tiên về khối lượng giao dịch của các lô lớn thì được giao dịch sớm hơn ngày T+4 trong khi đó các giao dịch không đạt khối lượng đó thì không được ưu tiên, điều này làm tôi cảm thấy có vẻ TTCK của ta không công bằng. Các vị khách mời xin chứng minh điều ngược lại hộ cho tôi có được không? 2. Thời gian gần đây tôi thấy sự rò rỉ tin đồn trên thị trường, có cái đúng, có cái thì sai nhưng ảnh hưởng xấu thì nhiều mà tốt thì ít. Để ngăn chặn những tin đồn ảnh hưởng đến TTCK thì cơ quan quản lý của chúng ta đã có cách gì hay chưa? Những nguyên nhân nào nuôi dưỡng sự lớn mạnh của hệ thống tin đồn này? Và có chế tài nào cho những người hay tổ chức cung cấp tin đồn? Xin cảm ơn.

Ông Nguyễn Đoan Hùng: Để tránh việc thực hiện các giao dịch bất bình đẳng vàkhông công bằng, cũng như sự cạnh tranh của các CTCK trong việc thực hiện chính sách khách hàng dẫn dến việc bánchứng khoán trước ngày T+4, vừa qua Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản yêu cầu các CTCK từ ngày 1/12/2009 dừng việc bán cổ phiếu trước ngày T+4.

TTCK là một thị trường rất nhạy cảm với thông tin.Chính vì vậy, các tin đồn trên thị trường nhiều khi có ảnh hưởng tới giao dịch của thị trường. Duới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về TTCK, Ủy ban Chứng khoán luôn mong muốn sự công khai, minh bạch, trung thực trên thị trường. Ủy ban Chứng khoán thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan như Bộ Thông tin vàTruyền thông, Bộ Công an và các báo đài để giám sát các thông tin đảm bảo tính trung thực của thông tin.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán cũng thường xuyên cảnh báo trên website của Ủy ban, yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán, CTCK, công ty niêm yết, về việc tuân thủ các quy định về công bố thông tin.

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 36 nâng cao mức xử phạt hành chính nhằm ngăn ngừa các vi phạm dẫn tới hành vi giao dịch thao túng gian lận tại thị trường. Đồng thời, Bộ Tài chính chuẩn bị ban hành thông tư thay thế Thông tư 38/2007 về côngbố thông tin trên thị trường để nâng cao chất lượng công bố thông tin. nếu vi phạm, các cá nhân tổ chức sẽ bị xử phạt, tùy tính chất và mức độ từ xử phạt hành chính tới truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường nếu gây thiệt hại.

Nguyễn Thùy Chi - Nữ 30 tuổi - Công chức: Kính gửi ông Quyến, thị trường có hơn hàng trăm cổ phiếu tốt và nhà đầu tư như chúng tôi có rất nhiều lựa chọn. Theo dự thảo thông tư giao dịch ký quỹ, có rất nhiều hạn chế về cổ phiếu. Theo ông có nên dỡ bỏ những hạn chế này? Cám ơn ông.

Ông Hoàng Xuân Quyến: Hiện nay Ủy ban Chứng khoán mới có thông tư dự thảo về giao dịch ký quỹ, trong đó có điều khoản chỉ cho phép cổ phiếu có thời hạn niêm yết từ 6 tháng trở lên mới được phép giao dịch ký quỹ.

Theo ý kiến của tôi, điều kiện này là chưa hợp lý bởi vì thời hạn niêm yếu cổ phiếu không đồng nhất với việc cổ phiếu tốt hay xấu, thanh khoản hay không thanh khoản.

Ví dụ cổ phiếu EIB tuy mới lên sàn nhưng thanh khoản rất tốt và kết quả hoạt động kinh doanh cũng tốt. Nếu chiếu theo dự theo thông tư này thì EIB cũng bị loại khỏi danh sách ký quỹ. Chúng tôi cũng đã có góp ý và kiến nghị lên Ủy ban Chứng khoán để bỏ điều kiện này.

Phan Văn Trị - Nam 42 tuổi - Nhà đầu tư: Tôi xin hỏi và kiến nghị với ông Đoan Hùng. Tại sao các thông tin Ủy ban công bố kết quả các phiên, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài lại không cụ thể? Tôi xin khuyến nghị cần công bố số liệu cung – cầu mỗi phiên của khối này, vì như thế mới phản ánh chính sách phương hướng của họ. Còn như hiện nay chỉ có kết quả đã chuyển nhượng thành công thì chỉ là bề nổi. Cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe.

Ông Nguyễn Đoan Hùng: Chào bạn, các thông tin về cung - cầu mỗi phiên giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đều có trên trang thông tin của các CTCK. Nhà đầu tư có thể dựa trên các kênh thông tin trên.

Tran Quang Trung - Nam 42 tuổi - Quan ly: Vì lý do gì cho đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có bất kỳ một sản phẩm tài chính phái sinh nào (options, swaps, futures ...)? Ủy ban Chứng khoán đã có kế hoạch cho ra đời các thị trường công cụ tài chính phái sinh trong thời gian tới không? Xin cám ơn.

Ông Nguyễn Đoan Hùng: Hiện nay Ủy ban Chứng khoán đang xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2020 trong đó có việc cơ cấu lại thị trường kể cả sở giao dịch chứng khoán phái sinh, ngoài ra hiện nay Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đang nghiên cứu xây dựng đề án giao dịch chỉ số tương lai của VN-Index. Một số công ty chứng khoán cũng đang có đề án phát triển các sản phẩm phái sinh.

Tôi tin là tới đây cùng với việc chỉnh sửa bổ sung các khuôn khổ pháp lý sẽ giúp thị trường có bước phát triển mạnh, trong đó có thị trường chứng khoán phái sinh.

Hoàng Công Thành - Nam 39 tuổi - Kinh doanh: Xin hỏi ông Quách Mạnh Hào và bà Lê Lệ Hằng: Thị trường chúng khoán vừa qua biến động nhiều một phần do sự cạnh tranh của quý vị với nhau, vậy quý vị đã dàn xếp mọi chuyện ổn thỏa chưa hay cuộc chiến này vẫn còn tiếp tục diễn ra?

Ông Quách Mạnh Hào: Tôi vừa quay sang hỏi chị Hằng bên SSI là các chị đã “đánh” tôi thế nào và bằng “hung khí” gì, và chị ấy chỉ cười. Theo quan sát của tôi thì chị ấy chẳng có gì để “đánh” tôi cả :-)

Tôi nghĩ rằng, sự cạnh tranh luôn là đặc trưng của bất cứ thị trường nào, còn việc cho rằng thị trường sụt giảm là do chúng tôi “đánh nhau” có lẽ là một sự tưởng tượng. Tôi nghĩ rằng SSI cũng cùng quan điểm với chúng tôi.

Bà Lê Lệ Hằng: Như chúng tôi đã nói trước đây ngành nghề kinh doanh nào cũng có sự cạnh tranh. Việc các công ty chứng khoán cạnh tranh với nhau trên thị trường cũng là hiển nhiên. Như đã trả lời ở trên, ở SSI chất lượng dịch vụ luôn được đặt lên hàng đầu và chúng tôi lựa chọn cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và sản phẩm.

Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra giá trị gia tăng cho nhà đầu tư bằng cách đưa ra những báo cáo phân tích khách quan và có tính chuyên sâu về công ty và ngành. Bộ phận môi giới cũng không ngừng lắng nghe ý kiến khách hàng và cải tiến chất lượng dịch vụ.

Trương Quý - Nam 40 tuổi - Giám đốc: Tôi xin hỏi quý vị vấn đề sau đây: Theo nhiều nguồn tin, hiện nay có hiện tượng lủng đoạn thị trường khá phổ biến mà dân chơi chứng khoán gọi là "cá mập", họ có thể đánh lên hay đánh xuống một số cổ phiểu nào đó nếu họ muốn, và việc này không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty. Việc này làm hoang mang các nhà đầu tư và tạo ra cảm giác chứng khoán như đánh bạc. Liệu Nhà nước có cách nào kiểm soát?

Ông Nguyễn Đoan Hùng: Một trong những trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán là giám sát thị trường để đảm bảo sự công khai, công bằng và minh bạch cho thị trường. Các hành vi giao dịch thao túng, làm giá ở thị trường sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.

Việc giám sát thị trường tới đây sẽ được đẩy mạnh thông qua việc phân cấp mạnh hơn cho các Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán để giám sát các thành viên và công ty niêm yết hiệu quả hơn.

Về phía Ủy ban Chứng khoán, hiện chúng tôi đang đầu tư để xây dựng hệ thống giám sát thị trường hiện đại, qua đó sẽ nâng cao được hiệu quả trong công tác giám sát của Ủy ban Chứng khoán.

Một mặt, Ủy ban Chứng khoán cũng đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 36 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong đó, nâng cao mức phạt tiền (từ mức tối đa hiện nay 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng) và chi tiết hóa các hành vi vi phạm. Qua đó, nâng cao tính răn đe với các hành vi vi phạm.

Trần Xuân Đạt - Nam 27 tuổi - Kinh doanh bất động sản: Nếu như không cho dùng đòn bẩy tài chính cũng như giao dịch ký quỹ nữa thì liệu chứng khoán Việt Nam có phát triển được không, liệu có thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không, và thị trường sẽ phát triển như thế nào vào năm 2010?

Bà Lê Lệ Hằng: Nếu nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng đòn bẩy tài chính thì cũng là một thuận lợi cho họ tuy nhiên điều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam không phải vì các hỗ trợ tài chính mà họ nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của một nền kinh tế mới nổi.

Mặc dù đòn bẩy tài chính làm tăng luồng tiền và tính thanh khoản của thị trường, nhưng thị trường sẽ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài nếu quy mô của thị trường lớn hơn. Quy mô ở đây được hiểu là số lượng cổ phiếu niêm yết, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên.

Ngoài ra, khung pháp lý trong việc lựa chọn đối tác chiến lược, thời gian mở tài khoản, cũng như sự thuận tiện trong việc chuyển đổi ngoại tệ là những yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Nguyễn Văn Hoàn - Nam 25 tuổi - Kinh doanh: Xin hỏi ông Nguyễn Đoan Hùng. Xin ông cho biết liệu trong năm tới Ủy ban Chứng khoán sẽ phối hợp với Trung tâm Lưu ký như thế nào để ngăn chặn việc các công ty chứng khoán cho phép khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4? Tại sao lại để tình trạng này xảy ra lâu như vậy? Và cũng chưa có biện pháp xử lý mạnh tay nào?

Ông Nguyễn Đoan Hùng: Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản yêu cầu các ctck từ 1/12/2009 dừng việc cho phép bán ck trước ngày T+4. Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán cũng đã có cuộc họp với Hiệp hôi kinh doanh chứng khoán và các công ty chứng khoán để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư giao dịch chứng khoán, trong đó có quy định liên quan đến việc cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán trước ngày T+4.

Hiện nay, trung tâm lưu ký đang xây dựng hệ thống phần mềm mới theo mô hình tài khoản phụ, có thể quản lý tới từng tài khoản nhà đầu tư. Thông qua hệ thống này, Trung tâm lưu ký có thể đối chiếu và xác định được công ty chứng khoán có giao dịch trước ngày T+4, để báo cáo Ủy ban Chứng khoán. Hệ thống này đang trong thời gian thử nghiệm và sẽ sớm đưa vào hoạt động trong năm 2010.

Phùng Thanh Huy - Nam 28 tuổi - Nhân viên văn phòng: Kính gửi ông Quyến. Hiện các công ty chứng khoán không có nhiều vốn mà phải vay từ ngân hàng, vậy thì giao dịch ký quỹ sẽ lấy nguồn vốn từ đâu, nhà đầu tư khi sử dụng dịch vụ này sẽ phải trả phí cao hay thấp? Cám ơn ông trả lời câu hỏi này.

Ông Hoàng Xuân Quyến: Hiện tại, có 105 công ty chứng khoán với tổng vốn điều lệ 24.500 tỷ đồng, bình quân vốn điều lệ/công ty khoảng 220 tỷ đồng. Nếu tính theo vốn khả dụng thì chác khoảng 170 tỷ đồng/công ty.

Rõ ràng nguồn vốn của các công ty chứng khoán rất nhỏ so với nhu cầu của giao dịch ký quỹ với thị trường. Mặt khác, chi phí vốn của các công ty chứng khoán rất cao vì các cổ đông kỳ vọng lợi suất 18-20%/năm. Như vậy điều tất yếu là các công ty chứng khoán phải tìm vốn vay từ ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tài chính khác.

Khi thị trường áp dụng giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư phải trả lãi vay cho các khoản tiền mà công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay để mua chứng khoán.

Tôi nghĩ các công ty chứng khoán chỉ thu khoản chênh lệch lãi suất từ 2-3%/năm. Còn lãi suất cho vay cao hay thấp còn phụ thuộc vào lãi vay trên thị trường.

Theo VnEconomy

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên