MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thận trọng khi VN-Index đã tăng 113% trong 6 tháng

Mức tăng cao nhất so với các nước trong khu vực. Những thông tin tích cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu của Việt Nam nhiều hơn so với các thị trường khác.

Nhận định tuần từ 28/09/2009 – 02/10/2009 của CTCP Chứng khoán Sài Gòn cho thấy việc tăng điểm vào thứ 6 tuần trước có thể đem lại một cái nhìn lạc quan trong ngắn hạn. Tuy nhiên khi một số cổ phiếu lên giá quá nhanh đồng nghĩa với việc các rủi ro tăng lên tương ứng, bởi vậy việc sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ khó tránh khỏi những rủi ro nhất định khi thị trường biến động.

Theo SSI, vùng kháng cự trong tuần này ở mức 591-597 điểm và hỗ trợ ở vùng 563-570 điểm.

Trước đó, trong cuộc hội thảo “TTCK – Cơ hội và thách thức” do chính SSI tổ chức diễn ra vào ngày 25/09, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI ông Nguyễn Duy Hưng đã phát biểu trước toàn thể nhà đầu tư rằng nếu không có sự thay đổi lớn trong chính sách vĩ mô, thị trường sẽ không xuống sâu. Các nhà đầu tư khi đã tham gia thị trường chứng khoán khó có thể rời bỏ thị trường và sẽ luôn tìm cách quay lại. Tuy nhiên ông Hưng cũng lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong TTCK và cán cân thanh toán có thể có “vấn đề”.

Trong khi đó, quan điểm của bộ phận Phân tích và tư vấn đầu tư SSI cho rằng, đây là thời điểm các nhà đầu tư cần thận trọng khi VN-Index đã tăng 113% trong vòng 6 tháng, mức cao nhất so với các nước trong khu vực.

PE ước tính năm 2009 của Việt Nam đạt 14.9, thấp hơn PE của các nước mới nổi ở Châu Á là 18,4 song cao hơn trung bình các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonexia, Philippin (nhóm này PE trung bình là 13.8). Có thể thấy rằng những thông tin tích cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu của Việt Nam nhiều hơn so với các thị trường khác.

Bộ phận phân tích SSI cho rằng, chất lượng thu nhập của các công ty niêm yết tại Việt Nam chưa thực sự tốt như thực tế khi một phần lợi nhuận trong năm nay là hoàn nhập dự phòng tài chính mà khoản này là lợi nhuận một lần, trong khi những rủi ro vĩ mô vẫn còn hiện hữu.

Thuận lợi và thách thức

So sánh với giai đoạn 1998 – 2001, SSI cho rằng để có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7%, Việt Nam sẽ phải cần 4 năm do nền kinh tế và các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào gói kích cầu và quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp diễn ra chậm.

Ba yếu tố thuận lợi đối với kinh tế vĩ mô hiện này là sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sau khi chạm đáy vào quý 2/2009 sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu và giảm bớt áp lực thâm hụt ngân sách. Các ngành xuất khẩu và ngành có liên quan như than, sản phẩm tiêu dùng cơ bản, cảng biển có thể sẽ có mức tăng trưởng tốt.

Thứ hai là dòng vốn FDI vẫn đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường tiêu dùng Việt Nam đang còn nhiều tiềm năng, thứ ba là chính sách vĩ mô đã chú trọng hơn vào chất lượng tăng trưởng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng đầu tư và tạo nền tảng phát triển về dài hạn.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu áp lực như việc tốc độ hồi phục của các nền kinh tế lớn sẽ giảm bớt trong năm 2010 khi chính phủ các nước này sẽ giảm dần các biện pháp kích cầu khổng lồ như đã áp dụng trong thời gian qua (FED dự kiến dừng mua trái phiếu chính phủ Mỹ vào tháng 10/09 và tăng lãi suất vào đầu năm 2010).

Thách thức thứ 2 là tỷ lệ thất nghiệp cao ở các nước phát triển, thị trường xuất khẩu chính của Việt nam khiến người tiêu dùng ở các nước này không còn mạnh tay chi tiêu và điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hàng Xuất khẩu của Việt Nam

Thách thức thứ 3 là lạm phát. Dự báo lạm phát của Việt Nam 2010 sẽ cao hơn 2009 và NHNN sẽ phải thắt cung tín dụng và lãi suất sẽ tiếp tục tăng.

Kết quả kinh doanh quý 3 tiếp tục khả quan

Vào tháng 4/2009, SSI ước tính tăng trưởng LNST năm 2009 của 30 công ty trong rổ SSI30 là 8,4%, đến tháng 6, tỷ lệ tăng trưởng này đã được điều chỉnh tăng lên 27,6%. Tháng 7 tăng lên 33%, tháng 8 là 43,9% và đến tháng 9 này là 51%.

Quý 3/2009, SSI ước tính tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp trong phạm vi nghiên cứu (45 công ty, chiếm 63% vốn hóa thị trường trên sàn HoSE và HNX) so với cùng kỳ năm ngoái là 9% trong khi tăng trưởng LNST gấp 7 lần, là 63%.

Nguyên nhân của sự khác biệt lớn này một phần là do giá nguyên vật liệu đầu vào kể từ đầu năm 2009 đã giảm nhiều so với cùng kỳ do tác động khủng hoảng kinh tế và điều này đã làm tăng lợi nhuận biên của các công ty. Một nguyên nhân quan trọng nữa là các khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính lớn nhờ TTCK đã tăng điểm liên tục.

Mức vượt kế hoạch cao nhất trong số các công ty nghiên cứu là GMD do GMD có khoản lợi nhuận bất thường từ định giá lại Cảng Cái Mép. Những công ty khác vượt KH sau 3 quý và có mức tăng trưởng LNST hơn 40% so với cùng kỳ có thể kể đến như: BBC, BCC, BMP, HPG, NTP, REE.

Doanh nghiệp dự đoán có tăng trưởng doanh thu cao trong quý 3 là HPG, NTP với mức tăng trưởng 49%. Những công ty dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh cao nhất cũng là những doanh nghiệp được hưởng lợi từ gói kích cầu như BCC (tăng 74%), NTP (tăng 50%).

Dựa trên dự báo KQKD trong nhóm nghiên cứu, SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính trong năm 2009 và 2010 là 34% và 16.3%; trong khi đó tăng trưởng LNST là 51% và 11%.

Năm 2010 tăng trưởng LNST thấp hơn 2009 có một nguyên nhân là các khoản hoàn nhập dự phòng sẽ không thể cao như năm 2009 này.

Nhận xét về TTCK trong giai đoạn hiện này, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI cho rằng thanh khoản trên thị trường đã tốt hơn rất nhiều so với thời điểm nóng năm 2007 khi bình quân giao dịch 1 phiên trên toàn thị trường đạt trên 5.300 tỷ (trên cả hai sàn). Tuy nhiên theo ông Hưng, thị trường tăng trưởng bền vững chỉ khi các doanh nghiệp huy động được vốn trên thị trường để đẩy mạnh sản xuất và điều này chưa bằng năm 2007.

Phương Mai

phuongmai

Trở lên trên