MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC, IMF: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam diễn biến tích cực

HSBC đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2010 sẽ đạt 6,8%. IMF cho rằng GDP năm 2010 của Việt Nam tăng 6%.

Áp lực lạm phát sẽ trở thành vấn đề ngày một lớn khi giá dầu và thực phẩm tăng cao. Tăng trưởng tín dụng cũng khiến không ít người lo lắng.

Tăng trưởng tín dụng năm 2009 lên mức gần 40% vì thế chính phủ Việt Nam đã phải điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2010.

Đã đến lúc Việt Nam cần rút đi biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Việc nâng lãi suất cơ bản thêm 1 phần trăm vào đầu tháng 12/2009 là bước đi đúng hướng thế nhưng áp lực vẫn còn.

HSBC cho rằng tỷ lệ lãi suất cơ bản sẽ tăng thêm khoảng 4 phần trăm trước thời điểm cuối năm 2010, khả năng đảo ngược phần nào chính sách tài khóa là hoàn toàn có thể.


HSBC dự báo tăng trưởng GDP các quý của năm 2010 lần lượt như sau (số liệu so với cùng kỳ): quý 1 (6,5%); quý 2 (7%); quý 3 (7%); quý 4 (6,8%).

HSBC dự báo về mức tăng của chỉ số CPI các quý của năm 2010 (số liệu so với cùng kỳ): quý 1 (11%); quý 2 (13%); quý 3 (9%); quý 4 (8%).

Cũng theo HSBC, dự báo về lãi suất cơ bản ở thời điểm cuối các quý của năm 2010 sẽ là quý 1 (9%); quý 2 (10%); quý 3 (11%) và quý 4 (12%).

Tăng trưởng GDP cả năm 2010 theo tính toán của HSBC là 6,8%. Tăng trưởng GDP năm 2011 có thể đạt 5,9%.


Chỉ số CPI tính trung bình cả năm 2010 có thể tăng 10,1%, tăng trưởng của năm 2011 là 7%.

Chỉ số CPI cuối năm 2010 và năm 2011 có thể tăng 8% và 6,7%.

IMF nhận xét về kinh tế Việt Nam

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 12/1, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Hà Nội Benedict Bingham cho rằng nếu cải thiện cán cân thanh toán và tăng niềm tin của giới đầu tư vào đồng nội tệ, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2010.

Ông Bingham nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ được quyết định một phần bởi cán cân thanh toán.

Theo nhận định của IMF, gói kích thích kinh tế của Việt Nam đã ảnh hưởng tới cán cân thanh toán trong năm ngoái và đe dọa sự ổn định của nền kinh tế.

Mức thâm hụt thương mại lớn cùng với niềm tin vào đồng nội tệ giảm sút, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư Việt Nam, là nguyên nhân gây ra áp lực đối với cán cân thanh toán.

Ông Bingham cho rằng nếu tái thiết lập được các điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tạo ra tâm lý tích cực hơn đối với đồng nội tệ, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6% trong năm 2010.

Trong tháng 12 vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam đạt kết quả tương đối khả quan, trong khi nhập khẩu giảm so với dự kiến, đã giúp cải thiện tình hình thâm hụt thương mại của Việt Nam.

Đại diện IMF cũng cho rằng Việt Nam cần giám sát chặt chẽ tình hình lạm phát, đặc biệt khi giá hàng hóa tiếp tục ở mức cao trong năm 2010.


Theo TTXVN, HSBC

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên