MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Có thể xem xét phát hành trái phiếu chính phủ bằng vàng"

13-01-2010 - 06:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc huy động vốn vàng trong dân vừa tạo thanh khoản cho vàng vừa giúp ngân sách Nhà nước có thêm vốn để triển khai các dự án.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng báo cáo tình hình huy động và cho vay vàng đang gây lên e ngại rằng NHNN sẽ có biện pháp để siết hình thức hoạt động này của ngân hàng. TBKTSG Online đã có cuộc phỏng vấn với PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM và là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, xung quanh vấn đề nên quản lý hoạt động này như thế nào.

NHNN vừa yêu cầu các ngân hàng báo cáo về tình hình huy động và cho vay vàng của các ngân hàng. Ý kiến của ông như thế nào về khả năng NHNN sẽ siết hoạt động này thời gian tới sau khi Chính phủ đã quyết định đóng cửa sàn vàng và không cho các ngân hàng kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài nữa?

Ông Trần Hoàng Ngân: Nếu các ngân hàng thương mại chứng minh rằng hoạt động huy động và cho vay vàng vẫn đang cần thiết thì ngân hàng trung ương không có lý do gì ban hành những chính sách để ngăn cấm chuyện đó. Vấn đề là chúng ta cần đưa nó vào khuôn khổ của pháp luật.

Việc yêu cầu các ngân hàng báo cáo là để NHNN nắm vững tình trạng lời lỗ trong hoạt động kinh doanh vàng của các ngân hàng như thế nào để còn điều hành chính sách vĩ mô vì vàng không chỉ ảnh hưởng đến giá vàng mà còn ảnh hưởng tỷ giá, đến hạn ngạch nhập khẩu vàng, và cả đến dự trữ ngoại hối.

Với sức ảnh hưởng lan tỏa như vậy, việc yêu cầu báo cáo hoạt động này của các ngân hàng là vô cùng cần thiết, chứ không phải vì có ý định để siết hoạt động này, chúng ta đừng nên nghĩ theo hướng này.

Vậy có nên siết việc huy động và cho vay vàng trong điều kiện hiện nay?

Theo tôi, chúng ta nên vận hành việc huy động và cho vay tiền tệ thời điểm này vì vàng đóng vai trò của tiền tệ là hình thức đã có từ thế kỷ 18,19, sau đó khi có tiền tệ thì vàng đã nhường vai trò làm phương tiện thanh toán cho tiền tệ và chỉ còn đóng vai trò cất trữ.

Tuy nhiên, chỉ khi nào đồng tiền của một nước có giá trị không ổn định thì vàng mới xuất hiện. Vì thế, nhiệm vụ của NHNN là làm sao ổn định đồng tiền, đáp ứng nhu cầu đây là phương tiện trao đổi, thanh toán thì lúc đó vàng sẽ rút khỏi lưu thông và chỉ đóng vai trò phương tiện cất trữ. Vì thế, mục tiêu về lâu dài của chúng ta là làm cho vàng chỉ đóng vai trò phương tiện dự trữ thôi.

Vì vậy, tôi nghĩ huy động thì chỉ nên huy động các loại tiền tệ còn sau này nếu các cá nhân gửi vàng vào ngân hàng thì chỉ xem như gửi để cất giữ và ngân hàng cần phải thu phí giữ hộ. Những người sợ giữ vàng ở nhà dễ bị mất cắp thì sẽ gửi vào ngân hàng để nhờ giữ hộ và sẽ không được hưởng lãi suất gì.

Trong điều kiện người dân Việt Nam có thói quen mua vàng dự trữ, liệu có nên tạo điều kiện để các ngân hàng huy động lượng vốn này trong dân và chuyển sang tiền đồng phục vụ sản xuất kinh doanh?

Với việc người dân có thói quen mua vàng dự trữ, thì Chính phủ có thể xem xét để phát hành trái phiếu chính phủ bằng vàng để huy động vốn vàng trong dân. Năm ngoái, việc phát hành trái phiếu chính phủ bằng nội tệ đã không thành công, chúng ta chỉ huy động được 4,2% kế hoạch là phát hành 61.700 tỉ đồng, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện các công trình còn dở dang hiện nay.

Như vậy Chính phủ bên cạnh việc phát hành trái phiếu ngoại tệ thì có thể phát hành thêm trái phiếu bằng vàng. Việc huy động vốn vàng trong dân vừa tạo thanh khoản cho vàng vừa giúp ngân sách Nhà nước có thêm vốn để triển khai các dự án, cũng như tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm lượng ngoại tệ để nhập vàng, và các công ty có thể mua vàng từ Chính phủ để sản xuất ra nữ trang.

Nhưng nếu giá vàng biến động mạnh thì việc này liệu có gây rủi ro cho Chính phủ?

Việc huy động vốn vàng trong dân được thực hiện bởi nhiều nước trên thế giới và Chính phủ các nước đều có những công cụ để bảo hiểm rủi ro cho mình khi giá vàng biến động như mua vàng trên các thị trường giao sau trên thế giới, hay nói cách khác là giao dịch kỳ hạn đối với vàng. Ý kiến về phát hành trái phiếu Chính phủ bằng vàng, với tư cách là nhà tư vấn, chúng tôi đã kiến nghị để Chính phủ xem xét.

Nếu NHNN bình ổn được thị trường vàng sẽ có ích thế nào cho nền kinh tế?

Sẽ góp phần ổn định giá đô la Mỹ tiền mặt, hạn chế tình trạng buôn lậu vàng, góp phần ổn định tiền tệ trong nước và đây cũng là mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Thủy Triều

VnEconomy

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên