MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TMT – Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô thứ 2 lên sàn

22-01-2010 - 12:42 PM | Doanh nghiệp

Hôm nay (22/1), hơn 12,57 triệu cổ phiếu TMT của CTCP Ô tô TMT đã chính thức được đưa vào giao dịch tại HoSE.

Kết thúc phiên giao dịch, TMT đã tăng hết biên độ 20% lên 55.000 đồng/cp với 122.430 đơn vị được chuyển nhượng.

CTCP Ô tô TMT có vốn điều lệ 125,775 tỷ đồng, trụ sở chính tại 199B Minh Khai - Quận Hai Bà Trưng - TP. Hà Nội. TMT là thành viên của Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor). Hoạt động chính của công ty là sản xuất, lắp ráp xe gắn máy và xe ô tô tải các loại.

Theo định hướng phát triển, TMT sẽ chỉ tập trung sản xuất xe ô tải, thu hẹp và tiến tới ngừng sản xuất xe máy do lợi nhuận trên đầu xe máy và nhu cầu xe máy Trung Quốc ngày càng giảm dần.

Trọng tải thiết kế đối với ô tô tải do Công ty sản xuất từ 500 kg đến 15 tấn. Trong đó, dòng sản phẩm được ưa chuộng hiện nay là: xe ô tô tải trọng 2,5 tấn - 7 tấn.

Hiện nay, ba doanh nghiệp Trường Hải, Vinaxuki, TMT chiếm khoảng 75% thị phần ô tô tải trong nước. Trong đó thị phần xe tải của TMT chiếm 33% với thị trường tiêu thụ tập trung mạnh ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên.

Trong thời gian tới, bên cạnh các sản phẩm xe tải mang nhãn hiệu Cửu Long, TMT sẽ sản xuất, lắp ráp nhãn hiệu xe Hyundai tại Việt Nam.

Năng lực sản xuất

Nhà máy ô tô Cửu Long của TMT có 2 dây chuyền với công suất thiết kế mỗi dây chuyền là 10.000 xe/năm.

Dây chuyền thứ 1 được xây dựng trên cơ sở là xí nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô vận tải nông dụng vào năm 2003. Đến năm 2007, dây chuyền thứ 2 lắp ráp xe ô tô tải trọng tải 15 tấn bắt đầu được đầu tư từng phần.

Dự kiến trong năm 2010, dây chuyền thứ 2 được lắp đặt hoàn chỉnh sẽ nâng công suất thực tế của nhà máy lên đến 20.000 xe/năm.

TMT nhập khẩu phần lớn các bộ phận, linh kiện sản xuất ô tô từ Trung Quốc. Tỷ lệ nội địa hóa trung bình đối với các sản phẩm của Công ty từ 25% - 30% giá thành sản xuất.

Bên cạnh dây chuyền sản xuất ô tô thì TMT cũng có 1 dây chuyền sản xuất lắp ráp xe gắn máy hai bánh công suất 100.000 xe/năm.
 
Trên sàn hiện mới có 1 doanh nghiệp cùng ngành với TMT là CTCP Ô tô Giải Phóng (GGG). Tuy nhiên, quy mô của GGG khá nhỏ so với TMT.
 
So sánh doanh thu/lợi nhuận của GGG và TMT qua các năm

Kết quả kinh doanh

Năm 2007, TMT đạt 997 tỷ đồng doanh thu và 75,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Sang năm 2008, doanh thu của công ty tăng tới 124%, đạt 2.235 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này là do sản lượng ô tô tiêu thụ tăng mạnh từ 4.869 chiếc lên 99.25 chiếc.

Mặc dù doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 35%, đạt 102 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2009, TMT đã tiêu thụ được 5.888 xe ô tô, tổng doanh thu đạt 1.382 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng.

Theo Nghị Quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2009, kế hoạch doanh thu năm 2009 của TMT là 2.730 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên những tháng đầu năm sản lượng tiêu thụ xe của Công ty giảm so với dự kiến ban đầu. Do đó, HĐQT Công ty đã điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu xuống 1.900 tỷ đồng.

Theo dự kiến của công ty, cả năm 2009 sẽ đạt 1.900 tỷ đồng doanh thu và 99 tỷ đồng LNST.

Đối với kế hoạch năm 2010 và 2011, kế hoạch kinh doanh của Công ty được xây dựng dựa trên nhận định của Công ty về tình hình thị trường và nền kinh tế.
 
Chỉ tiêu
(tỷ đồng)
2009
2010
2011
2012
2013
Doanh thu
1900
2370
2937
3418
3900
LNST
98.9
120.0
137.9
146.1
171.5
LNST/DT
5.2%
5.1%
4.7%
4.3%
4.4%
VĐL
125.8
300
300
300
300
EPS (đồng)
7863
3998
4596
4871
5718
Cổ tức
25%
25%
25%
25%
25%
Kế hoạch kinh doanh 2009-2013 của TMT

Công ty dự báo trong 2 năm tới, loại xe ô tô thương hiệu Hyundai với hai dòng xe là xe tải Mighty (2,5 tấn; 3,5 tấn) và xe khách County (29 chỗ) sẽ được đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ.Dự kiến lượng xe Hyundai tiêu thụ trong năm 2010 là 1.000 xe và năm 2011 là khoảng 2.500 xe.

Trong khi đó dòng xe tải Cửu Long mà TMT hiện đang sản xuất sẽ không giữ được đà tăng trong năm 2010 và bắt đầu giảm dần về cả doanh thu và tỷ trọng trong tổng doanh thu kể từ 2011.

Dự kiến của công ty về tỷ trọng của dòng xe tải Cửu Long hiện tại công ty sản xuất sẽ chiếm 80% tỷ trọng tổng doanh thu trong năm 2010 và tỷ lệ này sẽ giảm dần xuống mức 50% vào năm 2015.

Giá vốn hàng bán cũng sẽ giảm dần qua từng năm do tỷ trọng của dòng xe tải Hyundai tăng lên và dòng xe tải Hyundai có tỷ trọng chi phí giá vốn thấp hơn dòng xe tải Cửu Long của công ty hiện tại.

Các yếu tố chi phí khác như chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp sẽ duy trì ở mức như hiện tại. Hiện nay, Công ty vẫn đang được hưởng mức thuế suất ưu đãi giảm 50% đến hết năm 2011.

Cuối tháng 12/2009, TMT đã được UBCK cấp giấy phép chào bán 3.773.250 cổ phiếu, trong đó: Chào bán 3.144.375 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ phân bổ quyền là 4:1. Chào bán 628.875 cổ phiếu với giá 15.100 đồng theo chương trình lựa chọn cho CBCNV.
Tổng lượng vốn dự kiến huy động được là 56,66 đồng sẽ được dùng cơ cấu lại nguồn vốn, bổ sung vốn lưu động nhằm nâng cao năng lực tự chủ về tài chính của công ty.

K.A.L
Theo TMT

duchai

Trở lên trên