MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng ngân sách sẽ sớm tấn công nước Mỹ

14-02-2010 - 01:54 AM | Tài chính quốc tế

Bao giờ cuộc khủng hoảng xuất phát từ cái nôi của nền văn minh phương Tây sẽ lan tới thành trì hùng mạnh nhất của nền văn minh này?

Nổ ra ở Athens. Đang lan tới Lisbon và Madrid. Nhưng thật sai lầm nếu cho rằng cuộc khủng hoảng nợ quốc gia chỉ xảy ra với các nền kinh tế yếu ớt trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Vì đó không chỉ là vấn đề của riêng vùng Địa Trung Hải, đó là cuộc khủng hoảng tài chính của toàn thế giới phương Tây. Nó bén rễ rộng hơn nhiều so với những gì giới đầu tư đang nghĩ.

Đương nhiên cuộc khủng hoảng ở eurozone có một điểm khác biệt.

Do cơ cấu của Liên minh tiền tệ Châu Âu, thực tế không hề có cơ chế cứu trợ nào cho chính phủ Hy Lạp từ phía EU, ECB hay các quốc gia thành viên khác (theo điều 123, 125 Hiệp ước Lisbon).

Thực tế, điều 122 có thể được Ủy ban Châu Âu viện dẫn để trợ giúp một quốc gia thành viên “đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những khó khăn do thiên tai hay các sự kiện bất thường nằm ngoài tầm kiểm soát”, nhưng cho đến nay chẳng ai muốn coi khoản thâm hụt điên rồ của Hy Lạp là “thiên tai” cả.

Hy Lạp cũng chẳng còn đường phá giá đồng tiền như vẫn làm thời trước khi gia nhập eurozone. Thậm chí còn chẳng có cách nào để Hy Lạp rời bỏ eurozone.

Chỉ còn có ba khả năng: một trong những đợt thắt chặt chi tiêu đau đớn nhất trong lịch sử Châu Âu hiện đại, giảm con số thâm hụt từ 13% xuống còn 3% GDP trong vòng 3 năm; không trả nợ một phần hoặc toàn bộ số nợ chính phủ của Hy Lạp; hay (nhiều khả năng nhất như tín hiệu từ giới lãnh đạo Đức hôm thứ Tư) một hình thức cứu trợ do Berlin chủ trì.

Chẳng lựa chọn nào hấp dẫn cả và quyết định nào liên quan tới Hy Lạp cũng ngầm hướng đến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và có thể là còn nhiều quốc gia khác, nên ắt hẳn sẽ còn tốn nhiều thời gian thảo luận.

Dù vậy không nên phân tán vì đặc tính của khu vực eurozone mà nên chú ý tới bản chất chung của cuộc khủng hoảng ngân sách đang tấn công phần lớn các nền kinh tế phương Tây.

Vấn đề về cơ bản là giống nhau, từ Iceland tới Ireland, từ Anh tới Mỹ, chúng chỉ khác nhau về quy mô.

Điều thế giới phương Tây sắp học được là theo Keynes không phải chẳng có rủi ro gì. Thâm hụt không “cứu rỗi” nhiều như chính sách tiền tệ với chính sách lãi suất bằng không và “nới lỏng định lượng”.

Thứ nhất, ảnh hưởng của chi tiêu chính phủ (“số nhân chi tiêu”) ít hơn nhiều so với những người đề xuất gói kích thích hy vọng.

Thứ hai, có nhiều khả năng nó đã “rò rỉ” ra nền kinh tế thế giới. Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, nợ công bùng nổ nhanh hơn người ta tưởng.

Với nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngày phán xét có lẽ vẫn còn rất xa xôi. Khu vực eurozone càng khó khăn, đồng đôla tăng càng mạnh khi giới đầu tư hoảng sợ tìm chỗ trú ẩn nơi chứng khoán nợ của chính phủ Mỹ.

Tác động này có thể kéo dài vài tháng giống như khi đôla và trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh giữa cơn cuồng phong tấn công ngành ngân hàng cuối năm 2008.

Dù vậy có nhìn qua tình hình tài chính của chính quyền liên bang (chưa nói đến các tiểu bang) cũng thấy chữ “trú ẩn” chẳng có ý nghĩa gì cả. “Trú ẩn” nơi chứng khoán nợ chính phủ Mỹ cũng chẳng khác gì “nương náu” ở Trân Châu Cảng vào năm 1941.

Theo dự toán ngân sách mới của Nhà Trắng, tổng nợ công liên bang sẽ vượt 110% trong hai năm tới. Năm nay cũng như năm ngoái, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ vào khoảng 10% GDP.

Dự toán dài hạn của Văn phòng ngân sách quốc hội cho thấy Mỹ sẽ không bao giờ lại cân bằng được ngân sách nữa. Không bao giờ!

Gần đây IMF ước tính rằng thập kỷ tới các nền kinh tế phát triển sẽ phải điều chỉnh ngân sách để phục hồi sự ổn định.

Tồi tệ nhất là Nhật Bản và Anh (thắt chặt 13% GDP). Sau đó là Ireland, Tây Ban Nha và Hy Lạp (9%). Và thứ sau? Hoa Kỳ, quốc gia theo IMF sẽ phải thắt chặt chính sách tài khóa 8,8% GDP.

Rất nhiều nghiên cứu thực chứng cho thấy bùng nổ nợ công sẽ đe dọa nền kinh tế theo cách sau.

Nó làm tăng lãi suất thực do lo ngại về vỡ nợ và/hoặc phá giá đồng tiền trước khi lạm phát xảy đến.

Đến lượt mình, lãi suất thực cao hơn kìm hãm tăng trưởng, đặc biệt là khi khu vực tư đang ngập trong nợ nần, giống như phần lớn các nước phương Tây chứ không chỉ Mỹ.

Mặc dù tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình đã tăng kể từ khi suy thoái bắt đầu nhưng vẫn chưa đủ để hấp thụ hàng ngàn tỷ đôla trái phiếu chính phủ phát hành mỗi năm.

Nhờ có hoạt động mua vào trái phiếu chính phủ (và cả các chứng khoán bảo đảm bằng danh mục cho vay thế chấp mua nhà mà người bán về bản chất là hoán đổi chúng lấy trái phiếu chính phủ) của FED và tích trữ ngoại hối của Trung Quốc mà lợi suất trái phiếu ở Mỹ mới không tăng.

Nhưng giờ FED đang dần ngừng mua và được dự báo sẽ đảo ngược chính sách nới lỏng định lượng. Trong khi đó, Trung Quốc đã giảm mạnh mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ từ 47% lượng phát hành năm 2006 tới 20% năm 2008 và chỉ 5% vào năm ngoái.

Morgan Stanley dự báo lợi suất trái phiếu 10 năm sẽ tăng lên 3,5-5% trong năm nay.

Tổng nợ liên bang đang tiến nhanh tới con số 1.500 tỷ đôla, bao gồm cả 300 tỷ đôla tiền lãi phải trả thêm, hơn nữa, thời gian đáo hạn trung bình của các chứng khoán nợ giờ chỉ dưới 50 tháng.

Dự toán ngân sách của chính quyền Obama giả định một cách lạc quan rằng tăng trưởng GDP thực tế 5 năm tới là 3,6% với lạm phát trung bình 1,4%.

Nhưng khi lãi suất tăng, tăng trưởng có thể chậm hơn. Trong bối cảnh ấy, tiền lãi phải trả có thể tăng cấu phần trong chi tiêu liên bang lên 20-25%.

Tuần trước Moody’s cảnh bảo không nên coi xếp hạng tín dụng AAA của Mỹ là điều hiển nhiên.

Lời nhắc nhở ấy gợi nhớ đến câu hỏi khó của ông Larry Summers (được đặt ra trước khi về làm việc cho chính phủ): “Con nợ lớn nhất thế giới còn giữ vị trí siêu cường số một được bao lâu nữa?”

Suy nghĩ kỹ sẽ thấy cuộc khủng hoảng ngân sách của phương Tây đã bắt đầu ở chính cái nôi của nền văn minh này, Hy Lạp. Nó sẽ sớm vượt biển tới nước Anh.

Nhưng câu hỏi then chốt là bao giờ khủng hoảng lan tới thành trì cuối cùng của sức mạnh phương Tây nằm trên bờ kia Đại Tây Dương.

Theo Minh Tuấn

Dân Trí/FT

ngocdiep

Trở lên trên