MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều mối lo từ dự trữ ngoại hối giảm

22-09-2010 - 17:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Dự trữ ngoại hối giảm dẫn tới việc chính sách tiền tệ khó khăn hơn để tìm được điểm cân bằng cho cả hai vấn đề: giảm lãi suất và ổn định tỷ giá.

Dự báo cán cân thanh toán tổng thể năm 2010 có thể thâm hụt 4 tỉ USD của bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra trong kỳ họp Chính phủ tháng 8 vừa qua đã mang đến những nghi ngại về khả năng biến động tỷ giá hối đoái trong phần còn lại của năm nay.

Hồi đầu năm nay, phát biểu tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), đại diện của quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa một thông tin gây sốc, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt 8,8 tỉ USD trong năm 2009 đã kéo dự trữ ngoại hối của Việt Nam xuống mức bảy tuần nhập khẩu.

Dòng vốn đầu tư ngoại giảm

Ngay sau đó, bảo hiểm rủi ro tín dụng CDS (một loại chứng khoán phái sinh nhằm bảo hiểm cho một khoản vay) của trái phiếu Việt Nam đã tăng khoảng 35 điểm chỉ sau một đêm và chốt lại một số thời điểm vượt qua mốc 260 điểm, đưa Việt Nam xếp ngay trên Hy Lạp, quốc gia còn đang ngập trong khủng hoảng nợ công.

Trên thực tế, các luồng vốn đầu tư trực tiếp (FDI), gián tiếp (FII) và cho vay từ bên ngoài đang giảm.

Vốn FII chuyển qua cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam đã giảm từ mức 1,29 tỉ USD trong quý 1 năm nay xuống 510 triệu USD trong quý 2, theo công bố của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, vụ trưởng vụ Dự báo, thống kê tiền tệ – ngân hàng Nhà nước.

Chủ tịch uỷ ban Chứng khoán nhà nước Vũ Bằng cũng có chung quan điểm, dòng vốn FII đã giảm trong vài năm gần đây. Theo ông Bằng thì vào năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam có khoảng 11 – 12 tỉ USD vốn FII, nhưng nay chỉ còn khoảng 7 tỉ USD, con số được vị này đề cập vào hồi tháng 7.2010.

Còn theo bộ Kế hoạch và đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển thực qua cán cân thanh toán trong năm nay sẽ chỉ đạt khoảng tám tỉ USD so với mức dự kiến chín tỉ USD, dù rằng vốn giải ngân vẫn đạt theo kế hoạch là 11 tỉ USD.

Ở một động thái liên quan, đợt phát hành 1 tỉ USD trái phiếu quốc tế lần thứ hai của Việt Nam với lợi tức 6,95%/năm, cao hơn Philippines và Indonesia hơn 1%/năm, được cho là có các nguyên nhân về rủi ro vĩ mô trong nước, trong khi hệ số tín nhiệm của Việt Nam cao hơn hai quốc gia cộng đồng ASEAN kể trên.

Dự trữ ngoại hối giảm dẫn tới việc chính sách tiền tệ khó khăn hơn để tìm được điểm cân bằng cho cả hai vấn đề: giảm lãi suất và ổn định tỷ giá. Cung tiền tăng, đồng nội tệ sẽ rẻ đi và lãi suất giảm xuống nhưng tỷ giá sẽ tăng. Và ngược lại, giảm cung tiền thì lãi suất tăng, cho dù tỷ giá lúc đó sẽ hạ hơn.

Trở lại với con số dự báo của bộ Kế hoạch và đầu tư, với mức thâm hụt 4 tỉ USD, dự trữ ngoại hối có thể sẽ mất thêm khoảng 2,5 tuần nhập khẩu, nếu so với mức kim ngạch được công bố chính thức luôn đạt khoảng 7 tỉ USD/tháng trong bốn tháng gần đây.

Dự trữ ngoại hối giảm dẫn tới việc chính sách tiền tệ khó khăn hơn để tìm được điểm cân bằng cho cả hai vấn đề: giảm lãi suất và ổn định tỷ giá. Theo lý thuyết, khi cung tiền M2 tăng lên, đồng nội tệ sẽ rẻ đi và lãi suất giảm xuống, nhưng tỷ giá sẽ tăng lên, và ngược lại. Bất kỳ một động thái nào đi ngược lại quy luật trên là bất khả thi, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa khẳng định như vậy sau khi đưa ra các lập luận kể trên.

Loay hoay cân bằng tỷ giá và lãi suất

Với mức thâm hụt từ năm ngoái kéo dài sang năm nay, tỷ giá VND/USD cần một điểm cân bằng mới. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng hai lần với mức giảm giá VND khoảng 5,5%.

Với cách tính lạm phát trong tương quan tăng trưởng cung tiền tệ năm nay ở mức 20%, vòng quay đồng tiền giảm 5 – 6% và tăng trưởng GDP khoảng 6,7%, kết quả cho thấy lạm phát năm nay ước tính cao nhất sẽ vào khoảng 8%. Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, kết quả này có thể thành hiện thực nếu không có các cú sốc giá. Tuy nhiên, ở mức lạm phát này, mặt bằng lãi suất hiện nay sẽ khó có thể giảm nhiệt.

Nhưng ngược lại, nếu giảm cung tiền M2, đồng tiền sẽ khan hiếm hơn và đắt lên, đẩy lãi suất tăng cao, cho dù tỷ giá lúc đó sẽ hạ hơn. Để giảm lãi suất và giảm cả tỷ giá, chỉ có một cách duy nhất là tăng cung tiền, đồng thời rút bớt dự trữ ngoại hối cung cấp ra thị trường để cân bằng lại.

Động tác này đã được ngân hàng Nhà nước thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, với khả năng hiện nay dự trữ ngoại hối Việt Nam khá mỏng, sẽ không dễ dàng để ngân hàng Nhà nước can thiệp khi tỷ giá tiếp tục có những biến động mạnh.

Trên góc độ phân tích này, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thâm hụt thương mại cộng với thời điểm đáo hạn của các khoản vay tín dụng ngoại tệ sẽ gia tăng sức ép lên tỷ giá hối đoái vào các tháng cuối năm 2010.

Theo Anh Quân
SGTT

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên