MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền trên thị trường: Tỷ trọng lớn vào ngân hàng và bất động sản

Ngoài giá CP thấp, điều kiện đủ để dòng tiền chảy vào là triển vọng phát triển của nền kinh tế. Thời gian gần nhất để thị trường hấp thụ số CP phát hành thêm khoảng tháng 4,5/2011.

Ông Nguyễn Minh Giang – chuyên gia kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán Liên Việt đã có cuộc trao đổi với CafeF nhận định về dòng tiền trên thị trường hiện nay đang bị thu hẹp lại đối với thị trường chứng khoán, và đang có chiều hướng chảy vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng và ngân hàng,...

Ông có nhận định như thế nào về dòng tiền đang lưu thông trên thị trường chứng khoán hiện nay?

Theo thống kê của EPFR Global cho thấy lượng tiền đổ vào TTCK tại nhóm nước đang phát triển của các quỹ đầu tư đạt mức 75,4 tỷ USD, vượt xa kỷ lục 54 tỷ USD năm 2007.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là thị trường chứng khoán Việt Nam lại không dành được sự ưu ái này của dòng tiền. Theo chúng tôi lý do chính đó là các nhà đầu tư lo ngại rủi ro tỷ giá của Việt Nam.

Với các nhà đầu tư trong nước, luồng tiền và trạng thái của thị trường luôn có mối quan hệ biện chứng qua lại. Thị trường ảm đạm khiến luồng tiền ít. Luồng tiền ít lại khiến thị trường ảm đạm. Các nhân tố vĩ mô, vi mô tác động tới trạng thái lình xình của thị trường đã được giải thích ở phần trên.

Việc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán (CTCK) hạn chế và không khuyến khích cho vay đầu tư CK cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của dòng tiền vào thị trường.

Tiền từ hoạt động đòn bẩy tài chính một thời từng là công cụ ưa thích của nhà đầu tư và CTCK tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, hoạt động này đã bị thu hẹp khiến dòng tiền cũng hẹp lại.

Dòng tiền đầu tư chéo của doanh nghiệp nhà nước cũng suy giảm. Dòng tiền mới theo chúng tôi sẽ là yếu tố quan trọng góp phần gia tăng lực cầu trong 2011. Nếu dòng tiền mới được quản lý bởi những NĐT kinh nghiệm sẽ chính là dòng tiền có khả năng thu lợi cao nhất.

Về cơ cấu phân bổ các dòng tiền của nhân dân và các nhà đầu tư trong nước, hiện tại, chưa có những số liệu chính xác và chính thống nhưng căn cứ theo những nguồn tin và dự báo của chúng tôi thì hiện tại nguồn tiền nhàn rỗi này chủ yếu được dành cho hệ thống ngân hàng, bất động sản và tích trữ vàng.

Tỷ trọng tiền lớn dành cho hệ thống ngân hàng và bất động sản. Tỷ trọng nhỏ hơn dành cho vàng tuy nhiên với những dự báo tăng dài hạn của vàng và nguồn cung bất động sản thì tỷ trọng đã tăng lên dành cho vàng và giảm đi dành cho bất động sản.

Chúng tôi cho rằng, trong năm 2011 khi thị trường vàng đã xác lập xu thế giá mới và ổn định trở lại thì khi đó, dòng tiền từ vàng sẽ lại chuyển về chứng khoán.

Hiện tại chứng khoán Việt Nam đã khá hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Dòng tiền từ khối này sẽ chảy vào khi họ nhận định rằng giá đã đủ thấp để mua vào.

Với NĐT trong nước, căn cứ vào tâm lý thận trọng hiện tại, họ sẽ chờ đợi dòng vốn ngoại chảy vào trước để có tín hiệu mới sau đó NĐT sẽ cân nhắc giải ngân tham gia thị trường.

Các yếu tố vĩ mô và trạng thái TTCK của các nền kinh tế mới nổi cũng là thông tin quan trọng. Căn cứ vào đó, các chúng ta có thể dự đoán được dòng tiền vào Việt Nam.

Qua phân tích cho thấy, dòng tiền đang thu hẹp lại đối với thị trường chứng khoán. Vậy, ông có nhận định gì về TTCK từ nay đến cuối năm 2010?

TTCK Việt Nam đang trong tình trạng ảm đạm kéo dài. Để rút ra những nhận định và dự báo về TTCK từ nay đến cuối năm 2010, chúng tôi sẽ phân tích một số biến số sau:

Tỷ giá trong thời gian qua mặc dù đã được điều chỉnh từ giữa tháng 8 nhưng hiện tại đang có những diễn biến nhiều sức ép đặc biệt từ thị trường phi chính thức.

Tỷ giá biến động khiến cho sự chênh lệch về tài sản đầu tư khối ngoại biến động theo. Những khoản vay ngoại tệ của các doanh nghiệp cũng đội lên nhiều tỷ đồng.

Diễn biến của tỷ giá khiến NHNN mới đây quyết định bán ra ngoại tệ để điều tiết thị trường và không điều chỉnh tỷ giá cho đến cuối năm. Với động thái này, cộng thêm lượng kiều hối đổi về vào cuối năm cận tết và xu hướng giảm giá USD trên toàn thế giới, chúng tôi cho rằng, tỷ giá sẽ bớt căng thẳng trong các tháng cuối năm.

Chỉ số CPI trong tháng 9, 10 là cao và tiềm ẩn nguy cơ lạm phát. Việc chính phủ ban hành chỉ thị 1875 chính là hành động nhằm kiềm chế lạm phát.

Trong các tháng cuối năm chỉ số CPI sẽ không đạt được kì vọng 8% nhưng điều này đã được hấp thụ vào thị trường trong thời gian qua. Hi vọng giảm thuế doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ giúp trung hòa bớt tác động của CPI. Như vậy CPI sẽ không tác động nhiều tới thị trường.

Do mục tiêu kìm chế lạm phát nên lãi suất không thể hạ xuống nhiều. Gần đây, Chính phủ đã quyết định cho phép lãi suất vận động thị trường hơn và không còn sức ép giảm lãi suất như 1 tháng trước.

Ngày 5/11, NHNN cũng vừa công bố tăng lãi suất cơ bản lên 9%. Đây là một động thái nhăm tác động tới tỷ giá và lạm phát. Do đó, xu thế trong thời gian tới là lãi suất sẽ vận động đa dạng có có chiều hướng tăng.

Nhận định chung thị trường từ nay đến cuối năm sẽ chịu sự tác động mạnh và rõ rệt bởi kết quả kinh doanh của các ngân hàng và doanh nghiệp được công bố. Thị trường sẽ ít bị tác động bởi CPI, tỷ giá. Tuy nhiên lãi suất tăng sẽ lại hút bớt dòng tiền sang tiết kiệm.

Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ dao động hàng ngày tùy thuộc vào các thông tin công bố hiện tại về doanh nghiệp. Sự dao động này sẽ kết thúc khi thị trường tới điểm đáy. Khi đó, cầu sẽ tăng mạnh trở lại trong năm 2011.

Trong 3 tháng vừa qua, UBCK NN đã cấp phép và phát hành 3,4 tỷ cổ phiếu, tương đương 34.000 tỷ đồng huy động theo mệnh giá. Điều này có xảy ra tình trạng mất cân đối cung – cầu trên thị trường, và nó có tác động như thế nào đến thị trường năm 2010 và 2011?

Vấn đề bội thực cổ phiếu khi phát hành thêm, niêm yết mới và bắt buộc phải tăng vốn điều lệ của khối ngân hàng rõ ràng đã làm tăng cung cổ phiếu ra thị trường và khiến cổ phiếu bị pha loãng. Điều này gây sức ép lên cầu và tạo ra tình trạng mất cân đối cung-cầu.

Do nguồn vốn đổ vào thị trường hiện tại nhỏ cho nên thị trường không thể tránh khỏi đi xuống. Cần có thời gian để nhà đầu tư hấp thụ hết khối lượng cố phiếu mới này. Vấn đề là trong thời gian bao lâu thì số cổ phiếu này được hấp thụ hết và khi đó, thị trường sẽ bình thường trở lại khi cung cầu cân bằng.

Căn cứ vào qui luật tăng về khối lượng giao dịch qua các năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy tầm tháng 3,4,5 và 7,8 là các thời điểm tăng giao dịch của thị trường.

Như vậy, với khối lượng chứng khoán phát hành thêm gần đây thì thời gian gần nhất để hấp thụ chúng sẽ là tầm tháng 4,5 năm 2011. Các công ty cũng sẽ căn cứ vào khả năng hấp thụ yếu hiện tại của thị trường để có những điều chỉnh giảm khối lượng phát hành.

So với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ hay tín dụng, kênh đầu tư vào TTCK hiện nay có điểm gì hấp dẫn nhà đầu tư? Và điểm gì còn khiến nhà đầu tư e ngại, có tâm lý thận trọng?

Tất cả các nhân tố đã phân tích trong các câu hỏi trên sẽ cấu thành nên trạng thái tâm lý thận trọng, chờ đợi của nhà đầu tư với TTCK.

Hiện tại, kênh đầu tư vàng, bất động sản, tiết kiệm được ưu tiên hơn là chứng khoán. Tuy nhiên, chính trạng thái lình xình hiện tại của thị trường lại tiềm ẩn khả năng hấp dẫn vốn đầu tư trong tương lai.

Khi các NĐT nước ngoài và trong nước cho rằng thị trường đã đến đáy, họ sẽ giải ngân. Chúng tôi lưu ý rằng giá cổ phiếu thấp chỉ là điều kiện cần để dòng tiền chạy vào. Điều kiện đủ đó chính là triển vọng phát triển của nền kinh tế.

Gần đây, ngân hàng thế giới công bố xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh năm 2011. Vươn lên 10 bậc, VN hiện đứng thứ 78/183 nước. Việt Nam nằm trong Top 4 nước có mức cải thiện tốt nhất.

Xin cám ơn ông!

K.T


thuatvk

Trở lên trên