MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách VIP “tố” bị công ty chứng khoán "đẩy vào chỗ chết"

Cho rằng bị “đẩy vào chỗ chết”, một khách VIP vừa đâm đơn tố cáo CTCK Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHBS).

Trong khi đó, phía công ty cho rằng, nhà đầu tư khi đã “dấn thân” vào dịch vụ margin thì ráng chịu.

Nhà đầu tư bị “đẩy vào chỗ chết”?

Bà Phạm Thị Sâm (ngụ tại TP.HCM) vừa có đơn khiếu nại gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc Công ty chứng khoán Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHBS) đã tự ý bán cổ phiếu (CP) trong tài khoản của mình làm thiệt hại khoảng 520 triệu đồng. Hành động này theo bà Sâm là vi phạm pháp luật.

Theo đơn của bà Phạm Thị Sâm, từ tháng 6 đến tháng 8 và mạnh tay nhất là ngày 25 – 27/8/2010, MHBS tự động bán ra một số lượng lớn CP đang có trong tài khoản của bà (và 3 tài khoản khác có ủy quyền cho bà Sâm) với tổng trị giá đạt gần 1,1 tỉ đồng. Nếu so với tổng giá trị số CP trên mà bà Sâm đã mua hơn 1,67 tỉ đồng thì mức thiệt hại của bà lên gần 520 triệu đồng.

Trong đơn khiếu nại, bà Sâm nêu rõ chưa từng ký bất kỳ hợp đồng hợp tác đầu tư, biên bản thỏa thuận, giấy ủy quyền hay bất cứ một văn bản ghi nhớ nào với MHBS (ngoại trừ hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại MHBS).

Vì vậy, bà Sâm cho rằng, việc MHBS tự ý xâm nhập và sử dụng tài khoản chứng khoán của bà là vi phạm pháp luật.

“MHBS bán ra số CP của tôi đúng vào thời điểm “đáy” của thị trường khi VN-Index giảm mạnh về mức 421 điểm. Đây là việc làm chứng tỏ công ty chứng khoán không có tâm hoặc không dự báo được thị trường, đã đẩy nhà đầu tư vào chỗ chết”, bà Sâm bức xúc.

Margin: dám chơi thì dám chịu?

Ông Đoàn Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty MHBS, thừa nhận những phụ lục về hợp đồng hợp tác giữa công ty với bà Phạm Thị Sâm đến nay vẫn chưa được ký, mà nguyên nhân, vì bà Sâm thuộc dạng “khách VIP”.

Tuy nhiên, ông này cho rằng: “Chị Sâm là khách hàng “VIP” của MHBS và đã nhiều lần sử dụng dịch vụ margin (cho nhà đầu tư vay tiền thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư) và đều ký hợp đồng chậm. Vì vậy không thể nói là chị Sâm không biết vấn đề này vì khi mua CP thì tài khoản của chị Sâm không đủ tiền.

Do đó, theo nguyên tắc chung, khi CP bị giảm giá về ngưỡng cắt lỗ thì công ty phải thực hiện bán ra để thu hồi số tiền cho vay. Ngưỡng cắt lỗ của MHBS áp dụng cho chị Sâm tùy CP với mức giảm 25% hoặc 15% theo tỉ lệ margin là 5:5 hay 3:7”.

Tương tự, trong công văn giải trình gửi UBCKNN ngày 30/11/2010, MHBS cũng khẳng định có căn cứ chứng minh việc bà Sâm đã biết và tham gia vào việc hợp tác đầu tư với công ty trong cả một thời gian dài.

Riêng việc xử lý CP trùng với thời điểm VN-Index giảm còn 421 điểm (sau đó bật trở lại) không thể nói là MHBS cố ý bán giá thấp để gây thiệt hại cho khách hàng.

Những tranh chấp xoay quanh giao dịch của nhà đầu tư với công ty chứng khoán từ trước đến nay xẩy ra không ít, nhất là những người tin tưởng ủy quyền giao dịch cho môi giới hoặc có sử dụng dịch vụ margin.

Câu chuyện tranh chấp giữa “khách VIP” Phạm Thị Sâm và MHBS một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về việc hoàn thiện quy định cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.

Theo Báo Pháp luật Việt nam

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên