MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất trái phiếu không phải là rào cản giảm lãi suất cho vay của các NHTM

10-12-2010 - 08:08 AM | Tài chính - ngân hàng

Cho dù tình hình kinh tế thế nào đi chăng nữa thì thông thường Chính phủ nên duy trì mức phát hành trái phiếu mới của mỗi năm khoảng 15% GDP.

Mặc dù Quý IV đang có dấu hiệu chững lại của thị trường trái phiếu Việt Nam, nhưng nhìn chung năm 2010 là một năm khá thành công của thị trường này, đặc biệt là lĩnh vực trái phiếu Chính phủ.

Cafef.vn đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam xoay quanh vấn đề này

Ông đánh giá như thế nào về thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong năm 2010 này?

Trong năm 2010, TPCP phát triển khá thăng trầm . Theo diễn biến thời gian, trong quý I, thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp hoạt động không mấy thành công do biến động về tỷ giá và các biến động về kinh tế vĩ mô chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bước sang quý II và quý III thì kết quả phát hành TTCP do kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã đạt được những kết quả khá cao, thậm chí, có thể nói là rất ấn tượng so với năm 2009 và 2008.

Theo tổng kết, đến hết tháng 10 kho bạc Nhà nước đã phát hành được trên 68.000 tỷ đồng/kế hoạch 100.000 tỷ (hoàn thành trên 68%); tại VDB đến hết tháng 10 đã phát được trên 30. 000 tỷ đồng (hoàn thành hơn 100% kế hoạch).

Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam thì tổng lượng TPCP phát hành thành công trong năm 2009 là khoảng 15.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang quý IV năm 2010 thì kết quả phát hành đã không được tốt như quý II và quí III. Các cuộc phát hành không thành công đang tăng lên.

Trên thị trường thứ cấp, sự ra đời của thị trường trái phiếu chuyên biệt của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội từ cuối năm 2009 cũng đã bước đầu tạo ra những điều kiện phát triển thuận lợi hơn. Qui mô thị trường thứ cấp ngày càng tăng với hơn 100 mã trái phiếu mới được niêm yết, giá trị niêm yết tăng 52 nghìn tỷ đồng tương đương 32% so với năm 2009. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp kém sôi động hơn năm 2009 và 2008 do thiếu vắng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước với thành phần chủ yếu là các NHTM-đơn vị chủ yếu đầu tư để nắm giữ đến hạn và sử dụng tham gia thị trường mở làm dự trữ thanh khoản thứ cấp.

Tại sao lại có sự chậm lại hay phát hành thất bại trong Quý IV này, thưa ông?

Trái phiếu là công cụ nợ dài hạn và có lãi suất cố định nên thị trường trường trái phiếu rất nhạy cảm với các diễn biến của tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tình hình lạm phát, lãi suất và tỷ giá.

Quý II và Quý III, tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay không quá cao đồng thời Chính phủ liên tục phát đi thông điệp sẽ thực hiện các giải pháp để hạ mặt bằng lãi suất cho vay trong nước đã góp phần tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư.

Thêm vào đó, Bộ Tài chính cũng đã chủ động điều chỉnh mức trần lãi suất đấu thầu và bảo lãnh trái phiếu phù hợp với mặt bằng lãi suất thị trường của quí II và quí III.

Tuy nhiên, bước sang quí IV, tình hình lạm phát đã có diễn biến bất lợi theo hướng vượt ra ngoài mức lạm phát mục tiêu, lãi suất huy động và cho vay đã tăng mạnh trở lại. Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ tăng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9% và tín hiệu thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát đã được phát đi…Trong điều kiện đó, Bộ Tài chính cũng chưa xem xét để có điều chỉnh mức lãi suất trần phù hợp với diễn biến thị trường lãi suất nên Quý IV đã không còn được tốt như các quý trước.

Có ý kiến cho rằng: thời gian qua (cụ thể là trong Quý II và Quý III) nhiều NHTM đã tập trung tiền để mua vào trái phiếu và đem cầm cố trên thị trường mở của NHNN để vay với lãi suất thấp hơn (pv-khoảng 7 - 8%), sau đó dùng số tiền này để cho các ngân hàng khác vay lại. Việc kinh doanh trái phiếu có lãi đó đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn tiền cho vay và các ngân hàng không muốn giảm lãi suất cho vay. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Theo thông lệ và thống kê thực tế ở Việt Nam, tỷ lệ phần trăm trong tổng tài sản của các ngân hàng tại Việt Nam đầu tư vào trái phiếu chiếm tỷ lệ chưa phải là lớn, thường chỉ trên dưới 10% tổng tài sản. Với tỷ lệ như vậy thì lãi suất trái phiếu có thể tác động phần nào lên lãi suất cho vay nhưng tuyệt nhiên nó không thể là nhân tố chính hay rào cản để giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng trong thời gian qua.

Cần phải hiểu rằng không phải khi mua được mười đồng trái phiếu là ngân hàng đó có thể đem ngay cả mười đồng đó lên thị trường mở của NHNN và vay ngay về một số vốn tương ứng. Trong mỗi phiên giao dịch của thị trường mở sẽ có rất nhiều các ngân hàng tham gia, đặc biệt tại các thời điểm cao điểm như mấy Quý vừa qua thì số lượng tham gia đấu thầu đều vượt lượng cung của NHNN. Chính vì thế, có nhiều ngân hàng bỏ ra 1.000 tỷ mua trái phiếu để tham gia thị trường OMO nhưng chỉ vay được khoảng 200 triệu từ thị trường này là chuyện bình thường.

Ngoài ra, bản thân các ngân hàng nếu chọn phương án mua trái phiếu chỉ để kinh doanh trên thị trường mở là một phương án kinh doanh khá mạo hiểm vì kỳ hạn tại thị trường OMO là kỳ hạn ngắn chỉ khoảng 7 đến hơn 20 ngày trong khi trái phiếu là tài sản có kỳ hạn dài, có độ nhạy rủi ro cao với các biến động kinh tế vĩ mô và tính thanh khoản thị trường trái phiếu Việt Nam còn hạn chế.

Về vấn đề nguồn tiền, việc thực hiện các yêu cầu cao hơn về các chỉ số đảm bảo thanh khoản như tỷ lệ cho vay/huy động, chỉ số thanh khoản ngắn hạn… theo qui định tại Thông tư 13 và Thông tư 19 của NHNN đã khiến nguồn tiền dự trữ thanh khoản của các ngân hàng so với trước kia là nhiều hơn. Trong khi đó, các ngân hàng có thể sử dụng nguồn tiền đó để mua trái phiếu và việc đầu tư này cải thiện được chỉ số thanh khoản của họ. Như vậy, không phải họ dành nguồn tiền đó để mua trái phiếu và không có tiền cho vay ra đối với các DN.

Được biết, năm 2011 Chính phủ có chủ trương sẽ giảm đầu tư công vào một số lĩnh vực có sử dụng nguồn vốn trái phiếu. Vậy theo ông điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường trái phiếu nói chung trong năm tới?

Thực ra đứng ở vai trò của Chính phủ thì Chính phủ có thể có nhiều kênh huy động vốn khác nhau như: thuế, vay song phương vay đa phương hoặc phát hành trái phiếu…để đầu tư vào nền kinh tế.

Trong bối cảnh mối lo về sự gia tăng nợ công trên phạm vi toàn thế giới đã buộc Chính phủ phải xem xét về việc nâng cao hiệu quả đầu tư công và giảm những đầu tư không cần thiết. Một khi việc giảm đầu tư công thì sẽ dẫn đến việc giảm nhu cầu về vốn. Do đó, thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng là điều tất nhiên.

Dựa trên kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới, các chuyên gia trái phiếu của tổ chức tài chính tế giới IFC cũng cho rằng để có một thị trường trái phiếu phát triển và bền vững được thì cho dù tình hình kinh tế thế nào đi chăng nữa thì thông thường Chính phủ nên duy trì mức phát hành trái phiếu mới của mỗi năm khoảng 15% GDP.

Chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 – 1998 một số nước trên thế giới như Thái Lan thì họ vẫn có thặng dư ngân sách và đảm bảo đáp ứng đủ cho các hoạt động đầu tư công, nhưng họ thấy rằng thị trường trái phiếu là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính để giúp cho thị trường tài chính phát triển ổn định về dài hạn nên họ vẫn phát hành thêm trái phiếu. Đôi khi phát hành trái phiếu chưa hẳn là nhằm mục đích huy động vốn mà nhằm tạo ra một chất xúc tác giúp thị trường trái phiếu phát triển và từ đó giúp cho thị trường tài chính phát triển có chiều sâu.

Thùy Linh

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên