MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT BIDV: "Nên neo tỷ giá vào giỏ tiền tệ thay cho chỉ dựa vào USD"

23-02-2011 - 07:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo ông Cấn Văn Lực giỏ tiền tệ là một giải pháp. Lâu nay tỷ lệ dollar hóa 18-20% là do neo VND vào USD trong thời gian dài.

Sau khi ngân hàng nhà nước điều chỉnh tỷ giá chính thức thêm 9,3% thì tỷ giá tự do cũng tăng theo gây căng thẳng trên thị trường ngoại hối.

Phóng viên CafeF đã có cuộc trao đổi với cố vấn cấp cao của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, ông Cấn Văn Lực, xung quanh câu chuyện những giải pháp cho quản lý thị trường ngoại hối.

Thị trường ngoại hối của nước ta suốt thời gian vừa qua chưa có sự quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện đầu cơ găm giữ ngoại tệ. Thưa ông, ông có ý kiến gì với việc quản lý ngoại hối ở nước ta?

Trong đề xuất với NHNN về quản lý ngoại hối thì tôi có đề xuất quản lý thị trường vàng. Thực ra vàng của chúng ta được thả nổi, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là cao từ 700.000 – 1.500.000 VND/ lượng. Do chênh lệch cao nên các nhà kinh doanh vàng sẽ chớp cơ hội, nhập khẩu vàng để hưởng lợi nhuận. Muốn nhập khẩu vàng thì cần USD, tăng nhu cầu USD, tạo áp lực tăng tỷ giá.

Thực hiện việc huy động vốn từ lượng vàng trong dân, giúp giảm áp lực ngoại tê. Quản lý được thì sẽ là lời giải tốt cho điều hành tỷ giá ở nước ta.

Tiếp đến là quản lý thị trường ngoại hối để tạo nguồn cung dồi dào, ví dụ như nguồn kiều hối. Về mặt dài hạn thì phải giảm tình trạng dollar hóa. Hiện nay tỷ lệ dollar hóa ở nước ta là 18-20%, nằm trong nhóm nước dollar hóa một phần theo tiêu chuẩn IMF. Đối với Trung Quốc tỷ lệ này chỉ 3%, Philipines cũng chỉ 6-7%.

Cùng với đó phải kiểm soát chặt việc kinh doanh niêm yết bằng USD. Hiện tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang niêm yết bằng USD. Các doanh nghiệp công bố giá là VND nhưng thực chất là tính trên USD, quy đổi ra VND theo tỷ giá. Đây vẫn là hình thức niêm yết bằng USD trá hình, và người thiệt vẫn là người dân.

Ông có đề cập đến quản lý thị trường ngoại hối trước hết là quản lý thị trường vàng. Theo ông quản lý thị trường vàng thế nào là hợp lý?

Quan điểm cá nhân của tôi là ủng hộ thành lập sở giao dịch vàng. Nó có nhiều lợi ích rõ ràng. Trước hết để thị trường vàng hoạt động có tính chất thị trường, NHNN quản lý được thị trường tốt hơn, số liệu nó chính xác hơn. Thông qua đó NHNN điều tiết giá vàng trong nước sát với giá thế giới. Đó cũng là kênh các NH huy động vốn bằng vàng của dân cư.

Thực tế là Trung Quốc rất thành công việc thành lập vàng vật chất sau đó là vàng tài khoản. Vì thế tôi cũng có kiến nghị chúng ta thành lập sở giao dịch vàng có lộ trình.

Giai đoạn đầu là vàng vật chất, cấp phép cho một số công ty, ngân hàng làm môi giới, giao dịch được quản lý chặt chẽ.

Cơ quan quản lý sở giao dịch vàng nên là NHNN vì vàng có 2 tính chất là ngoại hối và hàng hóa. Do đó với vai trò hầu bao ngoại hối NHNN nên đứng ra quản lý. Tại Trung Quốc thì NHTW cũng đóng vai trò này.

Khi thị trường vàng vật chất hoạt động một thời gian, việc quản lý đã đi vào quy củ thì có thể chúng ta cho giao dịch vàng qua tài khoản. Khi đã có giao dịch qua tài khoản thì cũng cho phép NDT nước ngoài tham gia

Năm qua chúng ta có lượng kiều hối về khá lớn, nhưng dường như không giúp làm dịu tình hình căng thẳng tỷ giá cuối năm nhiều như dự đoán. Ông lý giải thế nào về điều này?

Năm 2010 có 8,3 tỷ USD kiều hối. Đó là con số lớn chiếm 8% GDP Việt Nam. Tuy nhiên lượng kiều hối bán lại cho NH chỉ là 10%, khoảng 800 triệu còn lại là trôi nổi trên thị trường tự do. Sau đó một phần được đầu tư vào vàng, BĐS, hoặc được cất giữ tại nhà. Để kiều hối đem lại những hiệu quả tốt thì chúng ta cần có những chính sách để người dân đổi ngoại tệ tại ngân hàng.

Ở đây có hai vấn đề. Trước tiên là điều hành tỷ giá phải sát hơn với thị trường. Khi đó người dân sẵn sàng bán cho ngân hàng thay vì bán ra thị trường tự do. Tiếp đến là hệ thống NH phải nâng cao chất lượng dịch vụ, chi phí thấp, nhanh chóng thuận tiện. Nếu như thế thì người dân cũng sẽ sẵn sàng giao dịch qua ngân hàng, quy đổi tại ngân hàng. Cuối cùng tiến tới kiều hối về chỉ rút bằngVND. Đó là biện pháp dài hạn, giúp giảm tình trạng dollar hóa nền kinh tế nước ta.

Trước việc điều chỉnh tỷ giá mạnh lần này của NHNN, nhiều chuyên gia khuyến nghị chúng ta cần xem xét neo tỷ giá vào giỏ tiền tệ thay cho việc chỉ neo vào đồng USD. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi nghĩ giỏ tiền tệ là một giải pháp. Lâu nay tỷ lệ dollar hóa 18-20% là do neo VND vào USD trong thời gian dài. Tất nhiên dollar hóa cũng có 2 mặt nhưng khiến cho chúng ta lệ thuộc rất nhiều vào biến động kinh tế Hoa Kỳ. Chúng ta cần neo vào 1 giỏ tiền tệ. Khi đó rõ ràng sự biến động của sẽ ít hơn, tỷ giá vì thế cũng ít biến động hơn.

Vấn đề là lựa chọn đồng tiền nào vào giỏ tiền tệ. Theo kinh nghiệm Trung Quốc, họ chọn USD, Euro, và JPY. Đây là những đồng tiền cũng rất gần với chúng ta. Lựa chọn USD vì Hoa Kỳ chiếm 20% GDP thế giới, Euro là thị trường 17 quốc gia và Nhật Bản là kinh tế hàng đầu Châu Á. Tất nhiên về lâu dài chúng ta có thể tính toán tiếp.

Giữa ta và Trung Quốc cũng có kim ngạch thương mại 2 chiều rất lớn vì vậy cũng có thể tính đến đồng NDT. Đồng bảng Anh cũng là một lựa chọn cần xem xét. Tuy nhiên đó là vấn đề tương lai xa, cần tính toán cụ thể. Trước mắt tôi nghĩ 3 đồng tiền kia là đại diện hợp lý.

Xin cảm ơn ông!

Cao Sơn

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên