MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát lại đáng mừng!

26-02-2011 - 10:09 AM | Tài chính quốc tế

Thực tế, lạm phát một chút có thể giúp tái cân đối nền kinh tế vốn đang thiếu cân bằng của Trung Quốc.

Tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc đã trở thành một trong những số liệu được theo dõi sát sao nhất thế giới. Lạm phát tháng 1 leo lên mức 4,9%, tăng 1,5% so với năm ngoái.

Mức tăng này nhỏ hơn dự tính nhưng vẫn chưa dập tắt được nỗi lo một khi lạm phát tăng cao, chính phủ sẽ mạnh tay thắt chặt nền kinh tế.

Tuy vậy, một số nhà kinh tế tin rằng Trung Quốc nên mừng vì để tái cân đối nền kinh tế thì lạm phát cao vẫn hiệu quả hơn là tăng tỷ giá.

Lạm phát Trung Quốc gần đây tăng mạnh chủ yếu là vì giá lương thực, nhưng giá các mặt hàng phi lương thực cũng tăng 2,6%, cao nhất kể từ khi số liệu này được thu thập vào năm 2001.

Trong nhiều năm, thặng dư lao động của Trung Quốc giữ lương trung bình tăng chậm hơn tốc độ tăng năng suất. Nhưng vì ngày càng ít người trẻ gia nhập lực lượng lao động nên lương hiện tăng nhanh hơn năng suất.

Arthur Kroeber từ Công ty nghiên cứu Dragonomics tại Bắc Kinh cho rằng lạm phát cao phản ánh lương tăng nhanh hơn, điều này có lợi cho Trung Quốc, chứ không có hại.

Các nhà kinh tế từng được dạy rằng lạm phát luôn là điều xấu sẽ phản đối coi lạm phát là điều đáng mừng, nhưng sự thật là tỷ lệ lạm phát trung bình chỉ 2% ở Trung Quốc trong mười năm qua với một nước đang phát triển là thấp một cách bất bình thường.

Tỷ lệ lạm phát lý tưởng tại một nước mới nổi thường cao hơn ở các nước phát triển do “hiệu ứng Balassa-Samuelson”.

Khi các nước thu nhập thấp đuổi theo các nước giàu, tăng trưởng năng suất nhanh hơn ở khu vực hàng hóa mậu dịch đẩy lương tăng.

Vì lao động dễ di chuyển nên điều này tới lượt mình cũng khiến ở khu vực phi mậu dịch có tăng trưởng năng suất thấp hơn cao lên. Vì thế giá tăng nhanh hơn ở các nước giàu.

Hơn nữa, một số điều khiến người ta nghĩ lạm phát có hại cho tăng trưởng, ví dụ như hạn chế tiết kiệm và đầu tư, không ảnh hưởng mấy với Trung Quốc vì ở đây cả hai thứ đó đều thừa.

Thực tế, lạm phát một chút có thể giúp tái cân đối nền kinh tế thiếu cân bằng của Trung Quốc. Sự mất cân đối lớn nhất là tiêu dùng quá ít, chủ yếu là vì lương trên thu nhập quốc dân giảm.

Khi lương tăng chậm hơn năng suất, một nền kinh tế sẽ sản xuất nhiều hơn so với khả năng tiêu thụ, dẫn tới thặng dư tài khoản vãng lai.

Nếu hiện lương tăng nhanh hơn năng suất, miếng bánh dành cho giới lao động sẽ tăng lên, thúc đẩy tiêu dùng và giúp giảm thặng dư của Trung Quốc.

Lạm phát do lương cũng sẽ giúp thu hẹp thặng dư thương mại của Trung Quốc nhờ đẩy giá các mặt hàng xuất khẩu lên. T

hường thì người ta nói nhân dân tệ lên gá sẽ giảm thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc. Dù vậy, bằng chứng thực nghiệm của lập luận này quá yếu.

Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2009, Menzie Chinn từ ĐH Wisconsin và Shang-Jin Wei từ ĐH Columbia khảo sát hơn 170 quốc gia trong giai đoạn 1971-2005 và tim thấy ít bằng chứng cho thấy quốc gia có tỷ giá thả nổi giảm mất cân đối tài khoản vãng lai nhanh hơn các quốc gia có cơ chế tỷ giá cố định.

Để điều chỉnh tài khoản vãng lai, tỷ giá thực mới có ý nghĩa (tức tỷ giá đã tính tới tỷ lệ lạm phát tương đối giữa hai nước).

Thay đổi tỷ giá danh nghĩa thường không dẫn tới thay đổi mong muốn của tỷ giá thực tế vì quá trình này có thể bị trung hòa bởi sự thay đổi của giá cả nội địa.

Ví dụ như giá trị của đồng yen tính theo đồng tiền của các đối tác thương mại chính hiện mạnh hơn 150% so với hồi năm 1985.

Dù vậy thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản vẫn lớn vì tỷ giá tăng không còn ý nghĩa do mức giá chung tại Nhật giảm, vì thế các nhà xuất khẩu duy trì được tính cạnh tranh.

Cách thay thế để nâng tỷ giá thực tế là lạm phát nội địa cao hơn nước ngoài. Với người mua Mỹ, giá tính theo nhân dân tệ của hàng xuất khẩu Trung Quốc tăng 5% với đồng nhân dân tệ tăng 5% so với đôla Mỹ chẳng khác gì nhau.

Kroeber cho rằng tái cân đối nền kinh tế bằng cách duy trì lạm phát 4-6% sẽ thích hợp hơn cả tăng mạnh giá trị đồng nhân dân tệ (có thể gây ra mất việc hàng loạt tại các công ty xuất khẩu) hoặc tăng dần tỷ giá (sẽ thu hút dòng vốn đầu cơ lớn như những gì đã diễn ra hồi 2005-2008).

Lạm phát hiện đang đóng một vai trò lớn hơn. Kể từ đầu năm 2009, NDT mới chỉ tăng 4% so với USD, dù vậy, theo tính toán của The Economist, tỷ giá thực tế của NDT so với USD (ước tính theo chi phí một đơn vị lao động) đã tăng 17% (xem đồ thị phải), vì giá cả ở Trung Quốc tăng nhanh hơn Mỹ.

Nguy cơ lạm phát mất kiểm soát – không lo

Vậy còn nguy cơ lạm phát vuột khỏi tầm kiểm soát như ở Châu Mỹ Latin trong hai thập niên 1980, 1990 hay ở chính Trung Quốc năm 1989 khi lạm phát vượt 25% gây bất ổn xã hội?

Lạm phát phi mã thường là kết quả của chi tiêu công quá mức tài trợ bằng cách in tiền, hoặc của thị trường lao động cứng nhắc gây ra vòng xoáy giá-lương mà NHTW không ngăn chặn nổi.

Không giống Châu Mỹ Latin trong quá khứ, Trung Quốc nổi tiếng thận trọng tài khóa và có các nghiệp đoàn dễ bảo. Thị trường lao động nước này linh hoạt hơn nhiều so với cuối những năm 80 khi phần lớn công nhân làm việc ở khu vực nhà nước.

Trung Quốc giống với Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời kỳ tăng trưởng nhanh hơn các nước Châu Mỹ Latin.

Trong giai đoạn 15 năm cho tới năm 1972 ở Nhật Bản và năm 1996 ở Hàn Quốc, tăng trưởng GDP trung bình 9%/năm và lạm phát trung bình 5-6% mà không tăng vượt tầm kiểm soát.

Chính phủ Trung Quốc có thể hài lòng với việc giá cả tăng. Họ nên “neo” kỳ vọng lại bằng cách công khai một tỷ lệ lạm phát mục tiêu.

Lãi suất tiền gửi cần tăng theo lạm phát để khuyến khích hộ gia đình giữ tiền trong nhà băng thay vì đầu cơ bất động sản hay cổ phiếu. Nếu không lãi suất thực âm sẽ thổi phồng lên các bong bóng tài sản.

Điều đó cho thấy Trung Quốc vẫn cần một tỷ giá linh hoạt hơn để có thể nâng lãi suất trong khi lãi suất tại Mỹ vẫn thấp.

Thêm một chút lạm phát cũng chẳng sao, có khi còn đáng mừng.

Minh Tuấn
Theo Economist


ngocdiep

Trở lên trên