MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10.000 tỷ tín dụng chứng khoán đi đâu?

10.000 tỷ đồng là số dư nợ cho vay CK tính đến cuối năm 2010 nhưng NĐT băn khoăn số tiền này đang nằm ở đâu và TTCK sẽ bị tác động như thế nào khi tín dụng bị siết.

10.000 tỷ đồng là con số dư nợ cho vay chứng khoán tính đến cuối năm 2010. Có ý kiến lo ngại, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra một lộ trình cụ thể vào tháng 6 và cuối năm nay để giảm dần dư nợ cho vay phi sản xuất của các ngân hàng, nên việc siết tín dụng chứng khoán sẽ có tác động không nhỏ đến TTCK như những gì đã diễn ra trong năm 2007 và 2009.

Nhưng thực tế, con số dư nợ chứng khoán 10.000 tỷ đồng hiện nay lại không nằm chủ yếu trên thị trường tập trung, nên việc rút lại khoản vốn cho vay này sẽ không tác động trực diện đến các chỉ số chứng khoán.

Do tình hình TTCK không thuận lợi suốt cả năm 2010, nên mức độ NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính trên sàn giảm rất nhiều và tỷ lệ đòn bẩy trên vốn tự có cũng thấp.

Trong giai đoạn cuối năm 2010, hầu hết NĐT đều được tư vấn nên hạn chế dùng đòn bẩy. Mặt khác, lãi suất vay đầu tư chứng khoán 18 - 23% như hiện nay cũng làm chùn bước đa số NĐT. Tìm hiểu tại các CTCK cho thấy, số NĐT sử dụng đòn bẩy là rất thấp.

Vậy dư nợ 10.000 tỷ đồng chứng khoán năm 2010 nằm ở đâu? Giới đầu tư nhìn vào hoạt động tăng vốn của các ngân hàng năm qua. Trong các đợt phát hành thêm, các cổ đông lớn có thể dùng bài thế chấp cổ phiếu cũ để vay tiền mua cổ phiếu mới.

Một đối tượng vay thế chấp cổ phiếu lớn nữa là cổ đông sáng lập, cổ đông lớn chiếm cổ phần chi phối hoặc tỷ lệ rất lớn của các công ty niêm yết. Các cổ đông này không thể giao dịch số cổ phiếu mà họ đang sở hữu nên đem số cổ phiếu này thế chấp vào các ngân hàng như một dạng tài sản cầm cố.

Vốn vay này được sử dụng với nhiều mục đích như kinh doanh, cho chính công ty của mình vay làm vốn lưu động, đầu tư bất động sản hoặc cũng có thời điểm đầu tư cổ phiếu kiếm lời ngắn hạn.

Tóm lại, trong số dư nợ vay chứng khoán, một phần lớn không được sử dụng để đầu tư vào thị trường niêm yết. Mặt khác, với quy mô TTCK đã lớn hơn các năm trước rất nhiều thì con số 10.000 tỷ đồng là khá nhỏ.

Tuy nhiên, chủ trương thắt chặt tín dụng với khu vực phi sản xuất sẽ tác động lâu dài tới TTCK ở góc độ kiềm chế khả năng tăng nóng của thị trường. Bởi nguồn vốn vay đầu tư chứng khoán còn nằm dưới dạng vay tiêu dùng, vay bất động sản.

Khi vốn vay không còn dồi dào, TTCK có cơ hội bùng nổ trở lại? Lịch sử đã chứng minh, cơ hội không bao giờ hết bởi một lượng tiền lớn đã rút ra khỏi thị trường đang nằm chờ cơ hội dưới dạng tiền gửi tiết kiệm, vàng, USD.

Các biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ và vàng bắt đầu được triển khai sẽ góp phần làm cho chứng khoán trở thành kênh đầu tư cạnh tranh hơn về tính thanh khoản.

Đặc biệt là nếu được sự ủng hộ của cơ quan quản lý bằng việc áp dụng các nghiệp vụ mới cho thị trường, xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân có thời hạn cho đầu tư chứng khoán, quản lý chặt thị trường vàng và ngoại tệ.

Hy vọng rằng, thói quen tích lũy vàng, ngoại tệ trong dân sẽ dần dần chuyển một phần sang tích lũy tài sản là cổ phiếu. Muốn IPO các DNNN thành công, DN có thể huy động vốn để phát triển thì không thể chỉ trông chờ vào vốn tín dụng.

Theo Thu Hương
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên