MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bất động sản sẽ "mất" 5 tỷ USD để duy trì đà tăng trưởng

21-03-2011 - 14:11 PM | Bất động sản

Dư nợ cho vay vào bất động sản hiện khoảng 23% tổng dư nợ cho vay, đến cuối năm 2011 thì chỉ còn 16%, ước tính thị trường sẽ "mất" khoảng 5 tỷ USD trên phạm vi cả nước.

Thị trường BĐS hiện nay được cho là khá giống với hoàn cảnh giữa năm 2008. Sự khác biệt đó là, năm 2009 chúng ta có gói kích cầu từ Chính phủ ngay sau đó, liệu cuối năm 2011, hay năm 2012 chúng ta sẽ có gói kích cầu từ Chính phủ hay không? Điều này phụ thuộc vào quyết định sự điều hành của Chính phủ, tuy nhiên, qua phân tích nhiều chuyên gia không kỳ vọng vào gói kích cầu giống như năm 2008. 

Tại Hội thảo “Làm gì với thị trường BĐS năm 2011?” do Câu lạc bộ BĐS Hà Nội tổ chức ngày 19/3/2011, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đã có những cái nhìn và đánh giá thị trường trái chiều nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhìn nhận thị trường sẽ có nhiều khó khăn và thách thức.

Quan điểm trái chiều

Ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, quy luật cho thấy khi lạm phát tăng cao, Chính phủ sẽ dùng các công cụ kinh tế để can thiệp thi nâng lãi suất, giảm chi tiêu công, hạn chế cung tiền,…

Vấn đề thị trường thiếu vốn, và khó khăn trong việc huy động vốn là rõ ràng và đều được nhiều chuyên gia khẳng định. TS Vũ Đình Ánhcho rằng, khi Chính phủ hạn chế tín dụng vào khu vực phi sản xuất, trong đó có chứng khoán và bất động sản. Theo đó, đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%. Với việc hạn chế này, theo tính toán thị trường sẽ mất khoảng 5 tỷ USD trên phạm vi quy mô cả nước, chúng ta sẽ lấy 5 tỷ USD này ở đâu để duy trì tiến độ của các dự án bất động sản.

Tuy nhiên, qua đó thì cách nhìn nhận về thị năm 2011 từ nhiều chuyên gia lại có phần rất khác nhau, và đều có những phân tích dưới cách nhìn nhận dưới những góc độ khác nhau:

Ông Đặng Hùng Võ thì cho rằng, thị trường những tháng đầu tư 2011 đang cho thấy  chững lại, giao dịch hạn chế do thiếu vốn. Nhiều chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn thực hiện các dự án. Xét về kênh huy động vốn khả thi nhất hiện nay lại là từ vốn nhàn rỗi của nhà đầu tư nhỏ lẻ, tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc vào tâm lý, để ra quyết định đầu tư họ phải cân nhắc về thị trường có đem lại lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai không, thị trường sẽ tăng hay giảm?

Ông Phạm Thanh Hưng – Phó TGĐ Cengroup thì cho rằng, thị trường bất động sản không hoàn toàn chịu tác động từ các yếu tố vĩ mô từ nền kinh tế. Nhiều người cho rằng thị trường đang ảm đạm, tuy nhiên theo tôi không hoàn toàn đúng. Trong những tháng đầu năm 2011 thị trường vẫn có những con “sóng”, nhưng nó không diễn ra trên toàn thị trường mà nằm ở đâu đó những nơi được xem là khu vực cảnh báo, những nơi chưa có hạ tầng phát triển.

Thị trường đang thiếu nguồn vốn lại là một cơ hội tốt. Thực tế, diễn biến thị trường đang hoạt động đều ở Miền Bắc. Tuy nhiên, trong khu vực TP.HCM lại khác so với Hà Nội ở phân khúc chung cư đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong 3 tuần trở lại đây phân khúc đất nền đang diễn ra khá, do giá đất ở Tp.HCM rẻ hơn rất nhiều so với Hà Nội.

Qua phân tích các chỉ số về lãi suất, lạm phát, giá dầu, tín dụng,…giữa năm 2008 và năm 2011, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, thị trường bất động sản năm 2011 sẽ không khác gì nhiều so với năm 2008. Các nhà đầu tư năm 2008 đã làm gì để có thể vượt qua khủng hoảng thì cũng là một bài học kinh nghiệm đáng quý còn nguyên giá trị trong năm nay.

Hiện nay dự nợ cho vay vào bất động sản ở mức khoảng 23% tổng dư nợ cho vay, tuy nhiên, đến cuối năm 2011 thì chỉ còn 16%, thì ước tính thị trường sẽ mất khoảng 5 tỷ USD tín dụng để duy trì thị trường bất động sản trên quy mô cả nước. Vậy vấn đề hiện nay là tìm đâu ra ít nhất khoảng 5 tỷ USD để duy trì tiến độ phát triển như năm 2010?

Ông Vũ Đình Ánh lại có quan điểm trái chiều với ông Phạm Thanh Hưng, ông Hưng cho rằng trong năm 2011 thị trường bất động sản vẫn có cơ hội và có điểm sáng. Còn ông Ánh với những con số phân tích cụ thể về tài chính, tín dụng,…chúng ta cần phải đầu tư chậm lại, và thận trọng hơn.

Một số giải pháp

Các nguồn vốn đổ vào bất động năm 2011 sẽ hạn chế hơn rất nhiều so với năm 2010, đặc biệt từ khu vực vốn vay từ các định chế tài chính, ngân hàng,….luồng vốn từ hợp đồng góp vốn (mua nhà hình thành trong tương lại) lại phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân. Do đó, trong bối cảnh như vậy, cần có những biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn

Trong đó, biện pháp trước mắt được các chuyên gia nhắc đến trong hội thảo đó là chia sẻ đầu tư, các nhà đầu tư, đối tác cần gánh đỡ khó khăn về vốn. Biện pháp hợp tác đầu tư, tận dụng thế mạnh của nhau, tăng cường thu hút dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI),…

Ông Đặng Hùng Võ còn đưa ra giải pháp thế chấp bất động sản ở nước ngoài, hiện nay cơ chế này Việt Nam chưa cho phép. Tuy nhiên, theo ông chúng ta cũng cần phải nghiên cứu và đưa ra khung pháp lý chưa hình thức này. Bởi lẽ, khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng cần phải thực hiện những cam kết của WTO tham gia. Việt Nam nên sớm có cơ chế về sử dụng đất đai của người nước ngoài. Hiện giờ chúng ta mới chỉ cho người nước ngoài tại Việt Nam sử dụng đất đai.

Nếu tháo gỡ được cơ chế này, thì đây cũng là một giải pháp tốt trong tương lai.

Kiều Thuật

thuatvk

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên