MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

California sụp đổ toàn diện, vì đâu? (phần 3)

29-03-2011 - 11:09 AM | Tài chính quốc tế

Không phải vì “bọn nhà giàu” hay “bọn ăn bám phúc lợi”, tầng lớp trung lưu mới là những kẻ tàn phá công khố “Tiểu bang Vàng” nặng nề nhất.

Kỳ trước: California sụp đổ toàn diện, vì đâu? (phần 2)

Bao nhiêu béo bở tầng lớp trung lưu và người cao tuổi hưởng cả

Cứ nhìn vào sự giận dữ của cánh tả với giới ngân hàng và của cánh hữu đối với những kẻ ăn bám phúc lợi, bạn sẽ nghĩ chi tiêu chính phủ đều bị hai thái cực của phân phối thu nhập này nuốt chửng.

Thực tế ở California cũng như mọi nơi khác ở phương Tây, tiền chủ yếu đổ về với tầng lớp trung lưu và người già. Cả người giàu lẫn người nghèo đều chẳng lợi lộc mấy từ chính quyền.

Phần lớn tiền là thu ở người giàu. Ở California, top 1% thu nhập đóng góp 43% thuế thu nhập năm 2008 còn top 5% đóng góp 64%. Tính chung toàn nước Mỹ, top 1% đóng 38% thuế thu nhập liên bang và top 5% đóng 58%; tỷ lệ tương ứng của họ trong tổng thu nhập quốc dân là 20% và 38%.

Ở Châu Âu, nhà giàu cũng phải chi phần lớn. Trong những lúc bất bình đẳng lớn đến thế này, để người giàu nhả bớt tiền ra có lẽ là một mục tiêu xã hội đáng mong đợi, nhưng cũng khó mà nói rằng họ hưởng nhiều mà đóng góp ít.

Người nghèo gần như không đóng thuế thu nhập, và nhiều nước, đặc biệt là Châu Âu, gặp phải vấn nạn ăn bám vào phúc lợi xã hội. Ví dụ như 250.000 hộ gia đình ở Anh chưa từng có một thành viên nào chính thức có việc.

Nhưng nhìn chung không hẳn người nghèo hưởng lợi từ các chương trình phúc lợi của chính phủ nhiều như bạn nghĩ.

Ở Mỹ 2/5 tổng “chi xã hội” là từ khu vực tư nhân thông qua đóng góp vào quỹ lương hưu và chương trình chăm sóc sức khỏe của nhân viên. Cả hai khoản chi đó đều được khuyến khích nhờ miễn thuế và phần thuế được miễn này chủ yếu do tầng lớp trung lưu Mỹ hưởng.

Chênh lệch càng lớn nếu xét tới tổng chi tiêu công. Tầng lớp trung lưu California theo học các trường tốt hơn so với người nghèo. Cảnh sát đi tuần khu họ ở nhiều hơn.

Họ có nhiều khả năng sẽ theo học một trường đại học công hơn, được trợ cấp vay thế chấp mua nhà hơn, sở hữu nông trại được hưởng trợ cấp hơn hay đi xem múa balê bằng tiền công quỹ hơn.

Châu Âu chỉ khác ở chỗ họ ít trợ cấp tầng lớp trung lưu thông qua cắt giảm thuế mà thông qua lợi ích “chung”, những thứ như xe buýt miễn phí cho người già, vốn ban đầu chỉ nhắm tới những người nghèo nhất nhưng rồi sau ai cũng được hưởng.

Điều này dẫn tới một méo mó khác ở tầng cao hơn. Nay phần lớn chi tiêu phúc lợi là dành cho người cao tuổi. Thế hệ bùng nổ dân số sắp nghỉ hưu nên khoản chi ấy sẽ còn lớn nữa.

Trong cuốn sách trào phúng chính trị “Boomsday” của Christopher Buckley, thanh niên Mỹ rút cục còn hối lộ các bậc cha mẹ quen ăn sung mặc sướng của mình để họ sớm “đi”.

Trong cuốn sách thú vị “The Pinch” (tạm dịch: “Ăn cắp”), David Willetts tránh nhắc tới giải pháp ấy, nhưng tính toán rằng người cao tuổi sẽ lấy đi từ xã hội nhiều hơn 20% so với những gì họ đã đóng góp.

Ngân sách đầu tiên của chính phủ Bảo thủ mới mà Willetts là một thành viên, vẫn chi rất nhiều tiền cho người già.

Ở các nước giàu, giới chính trị tiếp tục đổ tiền vào tầng lớp trung lưu và người cao tuổi vì họ là người quyết định bầu cử.

Người trên 65 tuổi nay chỉ chiếm 13% dân số Mỹ, nhưng năm 2010, họ chiếm 1/5 số cử tri. Không có nhóm nào được tổ chức tốt hơn họ: AARP (trước đây là Hiệp hội người về hưu Hoa Kỳ) có 40 triệu thành viên.

Sự ly khai của những người đã công thành danh toại

Hollywood, Silicon Valley hay bất kỳ nơi nào những người thành công ở California tập trung lại đều có một sự khinh thường sâu sắc đối với chính quyền.

Cực đoan nhất, những người ấy còn tự tách biệt mình trong những cộng đồng cửa đóng then cài, có lực lượng an ninh, chăm sóc sức khỏe và thậm chí cả trường học riêng.

Mối quan hệ chính của họ với tiểu bang, ít nhất là theo họ thấy, là viết séc nộp thuế, và lợi ích duy nhất của họ là tờ séc ấy càng nhỏ càng tốt. Họ vẫn làm từ thiện, nhưng dành rất ít tiền để làm đẹp khu vực họ sống (Thung lũng Sillicon là khu công nghiệp xấu nhất bạn có thể tưởng tượng ra).

Ở các trung tâm khác của giới tinh hoa, mọi chuyện cũng diễn ra tương tự: Phố Wall không quan tâm mấy tới Bronx và City of London thường lờ East End đi (Bronx và East End là hai khu vực nghèo khó ở New York và London – ND).

Internet và toàn cầu hóa làm tăng cảm giác tách biệt ấy. Các công ty gắn kết chặt chẽ với cộng đồng địa phương đã bị các tập đoàn lớn hơn thôn tính.

Wells Fargo từng là một thế lực ở San Francisco, giống như Security Pacific ở Los Angeles; cả hai công ty này nay đều nằm trong một đế chế lớn hơn.

Các nhà tài phiệt gốc Ấn ở Palo Alto thấy gắn bó với Bangalore hơn Bakersfield (và nhiều đồng nghiệp “Mỹ” cũng họ cũng vậy).

Sự “ly khai” này có ảnh hưởng tới chính phủ. Nó khiến vốn, cũng như doanh nhân và những người có tài, tự do hơn nên cũng khó mà công khai thu được thuế của họ hơn.

Tệ hơn là “sự ly khai của những người thành công” đồng nghĩa với việc những bộ óc tài giỏi nhất không còn quan tâm tới việc chung.

Một nhà chính trị Dân Chủ hàng đầu ở California cho rằng danh sách các doanh nhân chuẩn bị tranh cử hội đồng địa phương “ngắn một cách đau đớn”.

Đừng nghĩ mình vô tội

California còn thú vị ở một lý do cuối cùng. Giống như mọi nơi khác ở phương Tây, dân chúng không muốn chấp nhận hậu quả của việc vừa muốn chính phủ tăng chi tiêu, vừa muốn giảm thuế.

Sáng kiến bỏ phiếu kín ở California thực tế đã cho cử tri cơ hội trực tiếp lên tiếng. Nhìn chung thì họ làm chính quyền đi xuống, kiên quyết bảo vệ chi tiêu nhưng không muốn trả tiền.

Dù có bầu Schwarzenegger lên làm Thống đốc năm 2003, họ quay lưng lại khi ông đề xuất nhiều cải cách sâu rộng vào năm 2005.

Trong cuộc phỏng vấn thực hiện ít lâu trước khi rời nhiệm sở hồi đầu năm nay, Thống đốc Schwarzenegger có hai suy nghĩ.

Thứ nhất là người kế nhiệm ông sẽ dễ cải cách hơn vì chuyện hệ thống sụp đổ rõ ràng hơn so với hồi 2003.

Thứ hai là người California sẽ vẫn muốn “ngồi mát ăn bát vàng”. “Người ta nghiện cải thiện mức sống của mình. Họ đòi hỏi ở chính quyền ngày càng nhiều.”

Có con đường nào tươi sáng hơn không? Nhiều người từng kỳ vọng tương lai nằm ở Tiểu bang Vàng nay nhìn xa hơn, vượt Thái Bình Dương và hướng tầm mắt tới các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á.

Kỳ sau: Kìa mặt trời Sing bừng chói ở phương Đông (phần 1)

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên