MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bao giờ tiêu diệt được con quái vật “giả thuyết thị trường hiệu quả”

29-03-2011 - 11:08 AM | Tài chính quốc tế

Khi giới đầu cơ vay tiền để thổi giá tài sản lên mây, giả thuyết này cho rằng NHTW cứ nên ngồi yên không can thiệp.

Nếu đã từng trải qua khủng hoảng tài chính 2007-08, dân tài chính ắt sẽ nghĩ suy nghĩ cho rằng thị trường là hiệu quả thật “không thể tin nổi”. Nhưng chẳng khác gì một con quái vật của Hollywood, rất khó có thể tận diệt được thuyết thị trường hiệu quả.

Từ điều hiển nhiên rằng một nhà đầu tư trung bình không thể thắng nổi thị trường sau khi đã tính tới chi phí đầu tư, giới học giả phát triển nên quan điểm cho rằng các cơ hội chiến thắng thị trường rõ ràng sẽ nhanh chóng biến mất do “arbitrage” (kinh doanh chênh lệch giá).

Do đó giá thị trường là ước tính sẵn có tốt nhất cho giá trị cơ bản của các chứng khoán và không nên chịu điều tiết của các cơ quan giám sát.

Tin tốt là giả thuyết trên dẫn tới sự phát triển của các quỹ chỉ số chi phí thấp. Tin xấu là nó khiến các ngân hàng trung ương khoanh tay đứng nhìn khi bong bóng tài sản bùng phát.

Trong vòng 20-30 năm trở lại, trường phái tài chính hành vi đang dần đẩy lùi giả thuyết thị trường hiệu quả.

Không hề là các tác nhân siêu duy lý có khả năng phân tích chuyên sâu tất cả các thông tin sẵn có và chiết khấu các dòng tiền tương lai ở tỷ lệ lý tưởng, nhà đầu tư cá nhân cho thấy mình đầy rẫy những thiên kiến tâm lý, ví dụ như sẵn sàng chốt lời hơn cắt lỗ.

Họ giống Captain Kirk hơn là Spock. Hơn nữa, thị trường đã cho thấy rất nhiều điểm bất thường.

Trong đó điều gây ngạc nhiên nhất là “đà”, tức xu hướng cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng nếu gần đây cho lợi suất cao hơn thị trường. Điểm này khó có thể tương hợp với hai từ “hiệu quả”.

Cuốn sách mới xuất bản của Roman Frydman từ ĐH New York và Michael Goldberg từ ĐH New Hampshire cố gắng vạch ra một con đường thứ ba giữa hai trường phái hiệu quả và hành vi.

Họ lấy quan điểm của John Maynard Keynes làm nền tảng: các yếu tố quyết định thành công của bất kỳ một khoản đầu tư nào trong tương lai đều quá phức tạp để có thể tính toán.

Giới đầu tư đối diện với một thế giới của những điều chưa chắc chắn, cả đã biết lẫn chưa biết (mượn chữ của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld).

Vấn đề không chỉ là giới đầu tư không biết các yếu tố cơ bản như lợi nhuận, lãi suất, … sẽ biến động ra sao. Họ cũng không biết các nhà đầu tư khác sẽ tập trung vào yếu tố nào trong một thời điểm cụ thể.

Ví dụ như một nghiên cứu về tin tức của Bloomberg cho thấy, trong giai đoạn 2001 – 2003, chỉ có 5% đề cập đến lạm phát (vốn khi ấy thấp một cách bất thường) như là một yếu tố đẩy giá tài sản tăng.

Cho đến năm 2005, khi lạm phát đã tăng trở lại, tỷ lệ này tăng lên 45%.

Các tác giả cho rằng giới đầu tư sẽ đưa ra các chiến thuật để đối phó với sự không chắc chắn này. Khi các yếu tố cơ bản thay đổi, họ từ từ điều chỉnh các dự báo của mình.

Ví dụ như vào cuối những năm 1990, tình hình kinh tế dường như rất thuận lợi, tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp và lợi nhuận tăng mạnh.

Khó có thể coi là “phi duy lý” (irrational) khi mà những yếu tố cơ bản tích cực đến thế lại không chuyển hóa thành tốc độ tăng phi mã trên thị trường cổ phiếu.

Tuy vậy, cuối cùng, giá trị cổ phiếu lên tới mức rất cao. Giới đầu tư nhận ra nguy cơ và bắt đầu điều chỉnh hành vi của mình. Kết quả là giai đoạn điều chỉnh 2000 – 2002 trên thị trường cổ phiếu.

Các tác giả gọi đó là “giả thuyết thị trường ngẫu nhiên” (contingent-market hypothesis) được phát biểu như sau: “Nguyên nhân cơ bản của các biến động giá phụ thuộc vào các thông tin sẵn có, bao gồm cả các quan sát yếu tố cơ bản đối với riêng mỗi thị trường. Nguyên nhân này không thể được mô tả một cách thích hợp bằng một mô hình tổng quát, được định rõ thành một quy luật chỉ ra mối quan hệ chính xác giữa kết quả trên thị trường với thông tin sẵn có trong mọi giai đoạn cả ở quá khứ, hiện tại và tương lai."

Giả thuyết này ắt chẳng dễ nhớ cho lắm. Cũng không rõ từ đó có thể đưa ra được dự báo nào để mà thử nghiệm tính chính xác của nó hay không.

Tuy nhiên cuốn sách vẫn có một ý nghĩa thực tế rất giá trị, đó là ngân hàng trung ương nên can thiệp để hạn chế việc giá tài sản tăng quá mức cũng như giảm quá mức.

Các tác giả gợi ý rằng chính quyền nên thông báo một biên độ thị trường (rất rộng) và hành động nếu giá biến động vượt qua biên độ ấy. Các biện pháp thực tế có thể bao gồm yêu cầu ký quỹ nhiều hơn với những ai đang đầu cơ giá lên.

Về bong bóng nhà đất trong thập kỷ trước, các tác giả cho rằng nếu có chỉ đạo giá chính thức đi kèm với việc tăng tỷ lệ an toàn vốn đối với cho vay thế chấp mua nhà, chắc chắn thị trường sẽ tự điều chỉnh ngay từ đầu.

Lạy Chúa tôi.

Cái ý nghĩ cho rằng ngân hàng trung ương nên khoanh tay đứng nhìn, kể cả khi giới đầu cơ vay tiền từ ngân hàng để thổi giá lên những mức cao chưa từng có, đáng bị đóng cọc vào tim (cách duy nhất người Châu Âu tin rằng có thể giết được ma cà rồng – ND).

Minh Tuấn
Theo Economist

duchai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên