MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bí kíp” chưa thiêng

03-04-2011 - 08:02 AM | Tài chính quốc tế

Công nghệ và phương thức quản lý liệu có cứu được khu vực công?

Bài viết nằm trong chuỗi Báo cáo đặc biệt của tạp chí The Economist về tương lai của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Kỳ trước: Ảo ảnh Trung Hoa

Khi được hỏi công nghệ tác động ra sao tới năng suất, Peter Thiel, nhà đầu tư mạo hiểm từng đứng sau Facebook, vẽ một đồ thị đơn giản lên tấm bảng trắng: đầu vào là trục Y, trục X là đầu ra.

Sau đó ông chấm hai điểm. Khu vực tư nhân là phía dưới bên phải (đầu vào ít, đầu ra rất nhiều); chính phủ ở phía trên bên trái: đầu vào nhiều, đầu ra rất ít.

Mr Thiel, một người có tư tưởng tự do nổi tiếng, có thể không ưa gì khu vực công nhưng đồ thị của ông miêu tả gần đúng những gì đang diễn ra suốt 40 năm nay.

Khó tính toán được năng suất của chính phủ và các nhà thống kê nhìn chung đã từ bỏ việc tìm kiếm một con số chính xác. Nhưng tất cả những con số đã tìm được đều nói lên cùng một điều. Trừ một số ngoại lệ ít ỏi, chính phủ đang tụt lại đằng sau khu vực tư nhân.

Hai thứ gần tương tự nhau đã làm thay đổi khu vực tư nhân kể từ năm 1970.

Thứ dễ thấy hơn là công nghệ, hãy nghĩ xem thẻ ATM đã làm biến đổi ngành ngân hàng thế nào.

Nhưng tư duy quản lý, từ trả lương theo lợi nhuận tới sản xuất tinh gọn, còn khiến năng suất tăng mạnh hơn nhiều. Toyota đổ ít tiền vào máy tính và robot hơn General Motors nhưng vẫn chiến thắng nhờ phương pháp quản lý.

Cả hai thứ này khu vực công đều tiếp cận theo kiểu tài tử. Từ Berlin tới Bangkok, công ty tư vấn lớn nào cũng kiếm đậm từ khu vực công. Nhiều ví dụ về cung cách quản lý rợn tóc gáy nhất là ở khu vực công.

Và một số thảm họa lớn nhất trong chi tiêu công có liên quan tới công nghệ, ví dụ như nỗ lực kết nối y bạ trên toàn nước Anh. Nhưng chẳng thứ gì làm chính phủ thay đổi được một cách sâu sắc.

Lời giải thích bi quan là: có nhiều lý do để khu vực công sẽ luôn chống lại sự thay đổi.

Làm quan khác với kiếm tiền

Lý do đầu tiên để bi quan là hiệu ứng Baumol: các ngành thâm dụng lao động như y tá và giáo viên tới nay vẫn chứng tỏ mình miễn nhiễm trước các công nghệ cải thiện năng suất.

Một điều đáng để bi quan nữa là chính phủ không phản ứng lại những áp lực tự nhiên. Dễ thấy nhất là hiếm khi có nguy cơ phá sản. Thực tế, chính phủ hình như chỉ hiệu quả trong chiến tranh hay các loại hình khủng hoảng khác.

Suy nghĩ cho rằng kỹ năng kinh doanh không dùng được cho chính trị có vẻ là từ những doanh nhân không thể để lại dấu ấn trong chính phủ mà ra.

Silvio Berlusconi – Thủ tướng Italy – không làm được gì nhiều so với thời còn là doanh nhân.

Một người cũng xuất thân từ ngành truyền thông nhưng thành công hơn là Thị trưởng New York Michael Bloomberg nói trước đây ông không nghĩ lãnh đạo một thành phố lại khác nhiều đến thế:

“Người ta bị thúc đẩy bởi những thứ khác và giới báo chí moi móc nhiều hơn. Bạn không thể thưởng hậu cho nhân viên giỏi… Trong kinh doanh bạn được thử nghiệm và ủng hộ dự án nào thành công. Bộ phận tốt được đầu tư, bộ phận kém bị loại bỏ. Trong chính quyền bộ phận kém lại nhận được mọi sự chú ý vì họ có những “thần hộ mệnh” đáng sợ nhất.”

Thậm chí có cả lý do về mặt tư tưởng giải thích vì sao người theo phái tự do nên muốn nhà nước tương đối kém hiệu quả.

Joseph Nye, cựu Hiệu trưởng Trường Kennedy thuộc Havard và là tác giả một cuốn sách viết về quyền lực, nói rằng người Mỹ không muốn nhà nước làm việc tốt quá: “Có điều gì đó đặc biệt về chính phủ. Nó có quyền cưỡng ép, thế nên bạn nên nhìn nó với thái độ nghi ngờ.”

Vậy tại sao lần này mọi chuyện nên khác? Lý do trước hết là ở nhiều nước chính phủ đã lớn tới mức dù có không thay đổi cấu trúc cơ bản của chính phủ, cũng có thể khiến nó hoạt động hiệu quả hơn nhiều.

Trong ngắn hạn, giả sử kinh tế hồi phục, chính phủ chắc chắn có thể thu gọn lại tương đối nhiều mà không khó khăn gì, đơn giản vì nó đã phình quá to. Tiếng ca thán khắp Châu Âu về khủng hoảng ngân sách chưa từng có bỏ qua mất ba điều.

Thứ nhất, Thụy Điển và Canada đã cắt giảm khu vực công sau khủng hoảng tài chính và họ vẫn sống tốt (dù cho tình hình kinh tế toàn cầu khi ấy tốt hơn nhiều).

Thứ hai, phần lớn các nước Châu Âu cần làm nhiều hơn là chỉ giảm chi tiêu chính phủ xuống mức 3-4 năm trước.

Và thứ ba, cắt giảm là quá ít so với tiêu chuẩn của khu vực tư.

Trong một bữa tối ở Paris, một nhóm doanh nhân Pháp lịch sự lắng nghe một chính trị gia kêu gào chuyện cơ quan mình phải cắt giảm 5% chi phí, cho đến khi một trong số các ông chủ trong khu vực tư nói ông phải cắt giảm tới 1/5 chi phí trong chỉ hơn hai năm. Chính trị gia nín thinh.

Người ta có thể đặt câu hỏi về việc cắt giảm chi phí hàng loạt hay chỉ nhắm tới một số cơ quan cụ thể (mà thường là họ làm cả hai), nhưng chuyện đó không khó khăn đến thế.

Cải cách mua sắm cho quân đội Mỹ không cần tới thay đổi cơ cấu, chỉ cần buộc Lầu năm góc mạnh tay với các nhà cung cấp.

Một nghiên cứu gần đây của Văn phòng kiểm tán quốc gia cho thấy Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) có thể tiết kiệm được 500 triệu Bảng mỗi năm bằng cách tiết giảm mua sắm. Các bệnh viện không cần phải mua đến 21 loại giấy A4 và 652 loại găng tay phẫu thuật khác nhau.

Việc cần làm toàn là việc khó

Dù vậy, trong dài hạn, phải làm hai điều: (1) thay đổi cách nhà nước hoạt động; (2) thay đổi cơ cấu của nó.

Điều thứ nhất (khá) đơn giản về mặt hành chính nhưng lại khó khăn về mặt chính trị. Ví dụ như nên bỏ trợ cấp công – nông nghiệp, nhưng các chính trị gia lại luôn bấu víu vào đó. Một “miếng xương” cực khó nhằn nữa là hưu trí.

Trả lương viên chức theo cống hiến và tăng tuổi nghỉ hưu lên mức tương đương với khu vực tư nhân có thể tiết kiệm cho chính phủ hàng đống tiền. Nhưng tăng độ tuổi bắt đầu nhận lương hưu nhà nước còn tiết kiệm được nhiều hơn nhiều.

Khi Bismarck đưa ra hệ thống hưu trí đầu tiên năm 1889, tuổi nghỉ hưu là 70, cao hơn 25 năm so với tuổi thọ trung bình người Phổ, thế nên không tốn kém là bao.

Khi Mỹ đưa điểm này vào hệ thống an sinh xã hội năm 1935, tuổi thọ trung bình chỉ là 62. Nay trung bình đàn ông các nước OECD sống 76 năm còn phụ nữ sống 82 năm.

Ở phần lớn các nước giàu, tăng tuổi nhận lương hưu lên 70 vào năm 2025 và sau đó tính theo tuổi thọ trung bình (sẽ tiếp tục tăng) khiến việc giảm thâm hụt cơ cấu sẽ mất rất nhiều thời gian.

Ở Mỹ, an sinh xã hội được xem là “hàng rào thứ ba” của chính trị: chính trị gia nào dám động tới lương hưu của nhà nước đều sẽ lãnh đủ. Nhưng có quá nhiều lý do để tăng tuổi nghỉ hưu.

Nó cũng sẽ mở ra cuộc tranh luận về trợ cấp xã hội, bao gồm những thứ như trợ cấp tài chính. Mọi chuyện sẽ dễ ăn dễ nói hơn nếu biết nắm lấy cơ hội cải cách cấu trúc chính phủ.

Về điểm này thì không giống như trợ cấp, gần như ai cũng đồng ý là phải làm gì.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nói: “Nhà nước phương Tây hiện đại được tạo ra trong thời sản xuất hàng loạt, kiểm soát và chỉ huy, khi chính phủ nới với anh nên làm gì và cung cấp cho anh mọi thứ. Cuộc sống hiện đại chính là sự lựa chọn, và dù cho chính phủ có chi trả cho mọi thứ thì nó cũng không nên là lựa chọn duy nhất.”

Ông lập luận rằng tạo ra một “nhà nước hậu công chức,” với một trung tâm nhỏ và một mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ công và tư, có thể là hướng đi đúng cho phe trung tả.

“Mọi tầng lớp nhân dân đều được cung cấp dịch vụ từ các thực thể luôn lo lắng cho công việc của mình. Chúng ta phải mở cửa để nhà nước minh bạch cạnh tranh, hoặc là bất kỳ ai đủ giàu cũng sẽ chọn cách trả tiền để thoát khỏi nhà nước.”

Cựu TTg Blair không hề đùa khi nói khu vực công sẽ tiếp tục phát triển. Ông nghĩ chìa khóa nằm ở việc chia tách nhà nước thành những đơn vị nhỏ hơn giàu tính sáng tạo như trường chuyên môn ở Mỹ và học viện ở Anh.

“Khi ngày càng nhiều lựa chọn là do người tiêu dùng chứ không phải giới chính trị thực hiện, chúng ta sẽ thu gọn được nhà nước,” ông dự đoán.

Cựu TTg Blair thường đau đáu về vấn đề này nhiều hơn các chính trị gia khác. Nhưng để xem ý tưởng ấy có thực hiện được hay không, hãy cân nhắc hay thay đổi sau trong ngành ô tô.

Thứ nhất, trong thời đại sản xuất hàng loạt, Ford không chỉ tự sản xuất thép mà còn sở hữu các cánh đồng để chăn cừu lấy len làm thảm lót ghế xe. Nay công ty đã thu gọn lại rất nhiều dù cho cái tên Ford vẫn được in trên ô tô.

Thứ hai, trong những năm 70, sản lượng và sự hiệu quả của các công ty ô tô Nhật vượt xa các đối thủ ở Mỹ. Nay cạnh tranh khiến lợi thế ấy gần như không còn (và không phải lúc nào người nắm lợi thế cũng là phía Nhật).

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

Trở lên trên