MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

USD vào VN: Sao nước không chảy chỗ trũng?

16-04-2011 - 08:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Tại sao người Việt ở nước ngoài không mạnh dạn gửi tiền về nước để hưởng lãi suất cao mà chỉ có thể gửi tiền về đầu tư lâu dài. Tại sao nước không chảy chỗ trũng?

Muốn huy động được tiền từ người Việt ở nước ngoài, cần phải sửa đổi lại quy chế quản lý ngoại hối hiện tại để tạo điều kiện cho dòng vốn thông thoáng từ nước ngoài gửi vào Việt Nam.

Chuyển vào dễ, rút ra khó

Vừa qua Việt Nam phải đối mặt với mâu thuẫn. Trong khi Chính phủ phải phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất 7%/năm, các ngân hàng trong nước huy động USD của người dân tới 6%/năm (mới hạ xuống trần 3%/năm cuối tuần trước) thì tiền vay của các nước như Mỹ và Canada chỉ dao động từ 3% tới 4%/năm. Tiền gửi tiết kiệm tại các quốc gia phát triển này lai càng thấp, thậm chí chỉ còn 1%. Vậy tại sao người Việt ở nước ngoài không mạnh dạn gửi tiền về nước để hưởng lãi suất cao mà chỉ có thể gửi tiền về đầu tư lâu dài. Tại sao nước không chảy chỗ trũng ?

Với quy định quản lý ngoại hối hiện tại không có sự phân loại các đối tượng chuyển tiền ra nước ngoài, dẫn tới bất kỳ người dân nào muốn chuyển tiền ra nước ngoài đều phải chứng minh mục đích chuyển tiền và số tiền chuyển ra nước ngoài bị hạn chế ( khoảng 10.000 USD/năm), mặc dù đối với nhiều đối tượng, tiền của họ hoàn toàn có nguồn gốc rõ ràng. Đó là những khoản tiền được chuyển từ nước ngoài vào Việt nam nhằm mục đích hưởng lãi suất cao nhưng khi cần thiết lại không thể dễ dàng rút tiền từ Việt nam ra nước ngoài để phục vụ cuộc sống hay đầu tư. Điều này đã hạn chế sự hấp dẫn và làm bế tắc trong lưu thông dòng vốn giữa Việt nam và quốc tế.

Muốn huy động được tiền từ người Việt ở nước ngoài, cần phải sửa đổi lại quy chế quản lý ngoại hối hiện tại để tạo điều kiện cho dòng vốn thông thoáng từ nước ngoài gửi vào Việt Nam, tránh hiện tượng chênh lệch lãi suất tiền gửi USD giữa Việt nam và nước ngoài như hiện tại. Những đối tượng chuyển tiền từ các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để gửi tiết kiệm lãi suất cao thì họ có toàn quyền chuyển tiền ra khỏi Việt Nam số tiền lãi và gốc sinh lời mà không cần phải xin phép bất cứ cơ quan chức năng nào. Việc chuyển tiền cũng cần phải thuận tiện bằng các thủ tục như ủy quyền hoặc chuyển tiền online để người Việt tại nước ngoài hay người nước ngoài có thể mở tài khoản và chuyển tiền một cách thuận tiện, dễ dàng từ Việt Nam ra nước ngoài.

Thông thoáng như dùng thẻ

Hiện tại, Nhà nước chủ trương hạn chế cho vay bằng USD, khống chế trần lãi suất huy động USD xuống thấp, với mục đích tránh việc người dân đầu cơ và tích trữ USD, chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán trực tiếp. Nhưng giải pháp này cần phải lưu ý tới động lực chính để mà người dân muốn găm giữ USD không phải do lãi tiền gửi USD cao hay thấp mà đó chính là kênh trú ẩn an toàn khi mà tỷ giá USD/VND cứ liên tục tăng, đồng VND liên tục mất giá. Do vậy, để giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề găm giữ ngoại tệ vẫn phải giải quyết tình trạng thiếu hụt USD do mất cân đối cung cầu USD ( thâm hụt thương mại, trả nợ vay nước ngoài, dòng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm, kiều hối sụt giảm...).

Một trong những điểm còn chưa thống nhất trong quản lý ngoại hối là trong khi chuyển tiền thanh toán các hàng hóa và dịch vụ qua thẻ tín dụng quốc tế hiện nay khá đơn giản và thuận tiện thì việc chuyển tiền từ kênh ngân hàng lại quá phức tạp. Bản chất của hai hình thức này thì ngoại tệ vẫn bị chuyển ra nước ngoài, trong khi chuyển theo đường ngân hàng sẽ có lợi cho người dân và các ngân hàng Việt Nam hơn là qua một tổ chức tài chính trung gian của nước ngoài là Visa và Master. Đồng thời, các ngân hàng tại Việt Nam lại dễ kiểm soát mục đích chuyển tiền và số lượng tiền chuyển hơn là thông qua hệ thống thẻ tín dụng quốc tế.

Do vậy, trong quy chế quản lý ngoại hối cần sửa lại để việc chuyển tiền thanh toán hàng hóa và dịch vụ của người dân qua đường ngân hàng và thẻ tín dụng quốc tế thông thoáng như nhau.

Theo Nguyễn Hồng Hải

VEF

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên