MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kế hoạch kinh doanh 2011: Doanh nghiệp “rụt rè”, ngân hàng “mạnh dạn”

18-04-2011 - 14:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Nếu năm 2010 có ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng lên tới trên 60% thì năm nay đều phải giảm xuống dưới 20%. Năm 2011 thị trường sẽ tràn ngập cổ phiếu ngân hàng.

Trong khi các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đều đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2011 thấp hơn so với thực hiện năm 2010 do lo ngại tình hình lãi suất, lạm phát tăng cao trong năm 2011 thì các ngân hàng hầu hết đều đặt kế hoạch lợi nhuận vượt trội so với năm 2010.

Trong số 15 ngân hàng đã công bố kế hoạch lợi nhuận trình đại hội cổ đông sắp tới, CTG và VCB đặt kế hoạch lợi nhuận trên 5000 tỷ đồng, Techcombank đặt kế hoạch 4.000 tỷ đồng, tăng 46% so với thực hiện năm 2010. Nếu tính theo tỷ lệ, các ngân hàng nhỏ đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận lớn là NamABank (157%), Trustbank (tăng 98%); SCB và VietABank (trên 70%), Navibank (32%)…

Về tăng trưởng tổng tài sản, hầu hết các ngân hàng đều đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản ở mức cao, một số ngân hàng lớn như Vietinbank đặt chỉ tiêu tổng tài sản năm 2010 đạt hơn 440 nghìn tỷ đồng; EIB và Techcombank đạt 180 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 37% và 21% so với năm 2010; Maritime Bank, MB và STB phấn đấu đạt tổng tài sản từ 150 – 160 nghìn tỷ đồng…

Trong khi đó, theo Chỉ thị 01 của NHNN và Nghị định 11 của Chính phủ, các NHTM phải điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đảm bảo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dưới 20%, do đó hầu hết các ngân hàng đều đặt kế hoạch dưới 20%, cho dù năm 2010 các ngân hàng đều có mức tăng trưởng tín dụng lớn như MB (68%), EIB (61%), VCB (25%), Tehcombank (26%), CTG (38%)…

Hơn nữa, các ngân hàng phải giảm tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất xuống 22% tổng dư nợ tính đến 30/6/2011 và xuống 16% tổng dư nợ đến 31/12/2011, nếu không muốn bị NHNN áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai (02) lần so với thông thường và bị hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 06 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

Tuy nhiên nếu cùng một tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, con số tuyệt đối về cho vay giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ khác nhau: Ví dụ, dư nợ cho vay và đầu tư của Vietinbank năm 2011 là gần 420 nghìn tỷ đồng; STB là 90.500 tỷ đồng, BaovietBank là 6.700 tỷ đồng, cùng một mức tăng trưởng tín dụng 20% song số vốn bơm ra thị trường là khác nhau.

Về kế hoạch tăng vốn, hầu hết các ngân hàng đều đặt kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ trong năm 2011, các ngân hàng nhỏ cần phải đảm bảo vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng theo đúng Nghị định 141 của Chính phủ, còn các ngân hàng lớn tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR trên 9%. STB đặt kế hoạch tăng vốn 17% lên 10.740 tỷ đồng, EIB tăng vốn 17% lên 12.355 tỷ đồng; Maritime Bank tăng vốn từ 5000 lên 8.000 tỷ đồng; Vietinbank tăng vốn 32-65% lên 20.000 – 25.000 tỷ đồng…Như vậy nếu tất cả các ngân hàng đều thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn của mình, năm 2011 thị trường sẽ bị "ngập lụt" cổ phiếu ngân hàng.


Đơn vị: tỷ đồng - SCB: Kế hoạch LNST
Lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?

Doanh thu từ lãi: Kể từ cuối tháng 2/2011, trong các thông báo về hoạt động ngân hàng hàng tuần của NHNN, lãi suất cho vay phi sản xuất luôn ở mức 18%-22%, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ở mức 16-18%/năm; trong khi đó, trần lãi suất huy động ở mức 14%/năm – mức chênh lệch từ 4-8%/năm khiến các ngân hàng luôn lời lớn từ mảng hoạt động cho vay, cho dù các doanh nghiệp đi vay lại đang “lao đao, khốn đốn”. Tất nhiên, sẽ có các ngân hàng lách luật tăng lãi suất huy động lên 16 -17%/năm, tuy nhiên “nước lên thì thuyền lên”, huy động cao sẽ cho vay cao hơn, và ngân hàng luôn là người hưởng lợi.

Doanh thu từ thị trường liên ngân hàng: Huy động trên thị trường dân cư gặp khó khăn, nhất là khi NHNN đã phát đi tín hiệu thắt chặt tiền tệ khi tăng liên tục các mức lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu lên lần lượt 13%/năm và 12%/năm trong 2 tháng qua; lãi suất 1 tuần trên thị trường OMO cũng lên tới 13%/năm song vốn từ NHNN không phải lúc nào đi vay cũng có.

Các ngân hàng nhỏ thiếu vốn buộc phải “chạy vạy” trên thị trường liên ngân hàng, và các ngân hàng có vốn lớn luôn hào hứng với thị trường này. Thời điểm gần cuối tháng 3, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có lúc lên tới 23%/năm, lãi suất 1 tuần ở mức 16 – 18%/năm, mức chênh lệch khá lớn so với huy động vốn trên thị trường dân cư. 

Các NHTM nhỏ phải đi vay vốn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, do đó đẩy mặt bằng cho vay lên 18-22%/năm, thậm chí cao hơn. Hiện tại các nỗ lực của Chính phủ cũng như NHNN muốn kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống bởi với lãi suất cho vay 18 – 20%/năm như hiện nay các doanh nghiệp không thể có lãi.

Một số đề xuất được đưa ra như áp trần lãi suất cho vay và thả nổi lãi suất huy động để bảo vệ các doanh nghiệp. Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khống chế trần cho vay sẽ chấm dứt hiện tượng đua nhau tăng lãi suất huy động. NH nào huy động cao thì lãi ít, thu nhập ít, buộc phải có sự cạnh tranh lành mạnh hơn.

Phương Mai

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên