MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước đi ngoại hối 70 ngày

22-04-2011 - 10:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Tổng vốn huy động ước chừng 3 triệu tỷ đồng, có thể phỏng đoán người dân đang gửi ở ngân hàng hơn 13 tỷ đô la Mỹ. Làm thế nào để phát huy nội lực đó?

Kể từ lần điều chỉnh ngày 11-2-2011, chính sách tỷ giá đã có những bước đi đúng căn bản, phù hợp với thực tế. Kết quả là chưa đầy 70 ngày qua, tỷ giá thị trường tự do đã bị “khuất phục”, ngang bằng với tỷ giá chính thức và đang biến động theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng. Không nghi ngờ ở thời điểm này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động kiểm soát thị trường ngoại hối. Phần tiếp theo là duy trì và củng cố sự chủ động đó như thế nào.

Những bước đi đúng...

Các tổ chức tín dụng cho biết bắt đầu từ ngày 14-4-2011, một ngày sau khi áp trần lãi suất huy động ngoại tệ 3%/năm đối với dân cư, họ đã mua được đô la Mỹ tiền mặt của dân cư theo giá niêm yết. Những ngân hàng lớn mua được cả triệu đô la Mỹ/ngày, ngân hàng nhỏ được vài trăm ngàn/ngày. Giá trị mỗi khoản mua bán khoảng vài ngàn đô la Mỹ/lần, trong đó có không ít khoản tiết kiệm ngoại tệ đến hạn đã được khách hàng bán cho ngân hàng, lấy tiền đồng gửi lại.

Lực đẩy mạnh nhất cho sự dịch chuyển tiết kiệm ngoại tệ sang tiền đồng, dù chỉ mới xuất hiện và ở quy mô nhỏ, là chênh lệch lãi suất đô la Mỹ - đồng Việt Nam tới 11%/năm. Mức chênh lệch có thể lớn hơn vì đã có hiện tượng khách hàng thỏa thuận lãi suất tiền đồng với ngân hàng. Trong vai một người gửi tiết kiệm hơn một tỉ đồng, chúng tôi đã thỏa thuận được lãi suất tới 17%/năm cho kỳ hạn một tháng. Như vậy chênh lệch so với gửi ngoại tệ tới 14%/năm.

Lực đẩy thứ hai là tỷ giá chính thức sẽ không có biến động mạnh trong vòng 3-4 tháng tới sau khi đã được điều chỉnh tới 9,3% theo hướng tiền đồng mất giá so với đô la Mỹ, đồng thời biên độ đã được kéo ngắn lại 1%. Nhắc lại lực đẩy thứ hai này để nhấn mạnh mức độ dứt khoát điều chỉnh một lần mạnh mẽ đã có tác dụng tích cực đến thị trường.

Lực đẩy thứ ba không thể không nói đến là việc kiểm soát chặt chẽ các đại lý, các bàn, các quầy thu đổi ngoại tệ. Cùng với đó là việc siết cung tiền đồng trên nhiều ngả, buộc những đối tượng đang nắm giữ ngoại tệ chuyển sang tiền đồng khi cầu tiền đồng không được đáp ứng hoặc được đáp ứng có mức độ. Những biện pháp trên đã được thực thi khá đồng bộ, thích hợp về thời điểm và bổ sung cho nhau tương đối linh hoạt.

...Và những bước tiếp theo

Theo Thông báo số 84 ngày 13-4-2011 của Văn phòng Chính phủ, NHNN được giao nhiệm vụ soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý ngoại hối để trình Chính phủ xem xét.

Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận tiền đồng chưa chuyển đổi được, chưa tạo được lòng tin tuyệt đối của người dân. Đó là lý do tại sao một trong những nội dung cơ bản của Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành là thừa nhận người dân có quyền sở hữu ngoại tệ.

Những sửa đổi tập trung vào quy chế vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; vay và thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng; mua bán ngoại tệ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước; giảm giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng; mức ngoại tệ tiền mặt tối đa được mang ra nước ngoài không cần khai báo là 5.000 đô la Mỹ.

Đáng quan tâm hơn cả là NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thành lập ngay Ban soạn thảo sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối theo hướng khắc phục căn bản tình trạng đô la hóa.

Sự sửa đổi văn bản quy phạm cao nhất liên quan đến ngoại hối cho thấy quyết tâm của Chính phủ tạo sự thay đổi nền tảng về quản lý ngoại tệ - một phần không thể thiếu của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên việc sửa đổi như thế nào, mức độ ra sao, lộ trình thực hiện dài ngắn phụ thuộc nhiều vào chính bản thân thị trường ngoại tệ, mà rộng hơn là sự ổn định, phát triển của kinh tế vĩ mô.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ hiểu rõ hơn ai hết luồng vốn ngoại tệ chảy vào Việt Nam hàng năm luôn lớn hơn dòng vốn chảy ra, nhưng đã nhiều năm chúng ta thâm hụt cán cân thanh toán và có sai số trong bảng cân đối tài khoản quốc gia.

Những bước đi vừa qua của chính sách ngoại hối một phần nhằm hướng đến việc chuyển hóa những sai số thành số đúng. Chẳng hạn kiều hối có thể chảy vào ngân hàng theo cơ chế thương mại để bù đắp nhập siêu. Dự trữ trong dân dưới dạng tiết kiệm ngoại tệ có thể chuyển hóa thành dự trữ quốc gia một khi người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng, ngân hàng bán cho NHNN. Những chuyển biến như vậy sẽ dần tạo dựng một vai trò thanh toán lớn hơn và tiến tới vai trò thanh toán tuyệt đối cho đồng nội tệ.

Hiện tại vàng miếng SJC, như Phó thống đốc Nguyễn Văn Bình viết trong một bài gần đây, có đầy đủ chức năng của một đồng tiền thứ hai. Ngoại tệ cũng có chức năng thanh toán. Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận tiền đồng chưa chuyển đổi được, chưa tạo được lòng tin tuyệt đối của người dân. Đó là lý do tại sao một trong những nội dung cơ bản của Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành là thừa nhận người dân có quyền sở hữu ngoại tệ.

Việc tạo dựng vai trò thanh toán tuyệt đối và duy nhất của đồng nội tệ trên lãnh thổ Việt Nam là đích đến tất yếu của chính sách tiền tệ, nhưng nó cần thời gian và đặc biệt là nó phù hợp với thực tế nền kinh tế từng giai đoạn cụ thể.

Ứng xử với ngoại tệ

Cho đến nay chúng ta không có số thống kê chính thức lượng ngoại tệ nắm giữ của người dân. Hiện nay tổng dư nợ của ngân hàng, theo quy định của Thông tư 13 và 19, bằng 80% tổng vốn huy động.

Nếu lấy tổng dư nợ của ngân hàng cuối năm 2010 là 2,3 triệu tỉ đồng, cộng thêm 110.000 tỉ đồng tăng trưởng tín dụng quí 1-2011 (4,81%), tổng dư nợ ba tháng đầu năm ước khoảng 2,41 triệu tỉ đồng, thì tổng vốn huy động ước chừng 3 triệu tỉ đồng. Thông thường dư nợ ngoại tệ bằng 25% tổng dư nợ, tức khoảng 600.000 tỉ đồng, tương đương 28,7 tỉ đô la Mỹ.

Từ năm ngoái, tổng dư nợ ngoại tệ cao hơn khoảng 2 tỉ đô la Mỹ so với tổng huy động. Nếu trừ đi số này và giả sử 50% cơ cấu huy động ngoại tệ là của dân cư, có thể phỏng đoán người dân đang gửi ở ngân hàng hơn 13 tỉ đô la Mỹ.

Tổng vốn huy động ước chừng 3 triệu tỷ đồng, có thể phỏng đoán người dân đang gửi ở ngân hàng hơn 13 tỷ đô la Mỹ.


Số ngoại tệ đó là nội lực của nền kinh tế. Vấn đề là làm thế nào phát huy được nội lực đó, nhất là trong điều kiện chúng ta đang cần vốn để phát triển như hiện nay. Liệu có cực đoan khi chúng ta kỳ vọng sự chuyển đổi sang tiền đồng ngay tức khắc của 13 tỉ đô la Mỹ ấy? Sự chuyển đổi có khả năng không thể tính bằng tháng, bằng quí mà phải bằng năm.

Chưa kể cần chuẩn bị các điều kiện để tiền đồng có thể đảm đương dài hạn vai trò phương tiện nắm giữ thay ngoại tệ. Tiền đồng đang mạnh lên, điều đó là không thể phủ định. Sức mạnh ấy đòi hỏi được tôn tạo, duy trì, bén rễ và lan tỏa vững chắc, chứ không thể đi tắt đón đầu như một ngành nghề sản xuất nào đó.

Theo Hải Lý
TBKTSG

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên