MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà Dương Thu Hương: Không nên siết chặt tiền tệ hơn nữa

26-04-2011 - 15:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo bà Hương, chưa nên tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc VND, tuy nhiên đối với lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động VND (14%/năm) cần phải điều chỉnh.

"Nếu Nghị quyết 11 không được triển khai một cách quyết liệt ngay từ cuối tháng 2/2011 thì diễn biến lạm phát có thể còn xấu hơn nữa. Tuy nhiên, nếu nhìn vào căn nguyên của lạm phát, thì trong thời điểm hiện nay, không nên thắt chặt tiền tệ hơn nữa". TS. Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra nhận định như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Đánh giá của Bà về những động thái gần đây của Chính phủ và NHNN trong việc kiểm soát thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng?

Bà Dương Thu Hương: Phải khẳng định là rất tích cực. Nghị quyết 11 được triển khai mạnh mẽ, nhất là trong việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát thị trường ngoại hối và vàng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thị trường ngoại tệ ổn định và biểu hiện xu hướng vận động tích cực.

Thứ nhất, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do xuống thấp, giá mua vào USD trên thị trường tự do bằng hoặc thậm chí thấp hơn giá mua vào của các NHTM. Thứ hai, các NHTM bắt đầu mua được ngoại tệ từ doanh nghiệp và dân cư.

Thứ ba, người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu tính đến việc chuyển các khoản tiền gửi bằng USD sang VND. Như vậy, tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm. Các số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy, tiền gửi ngoại tệ tại ngân hàng của dân cư và tổ chức kinh tế giảm, chứng tỏ tình trạng đôla hóa có dấu hiệu giảm bớt...

Liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng, tuy Chính phủ mới chỉ đạo kiểm soát việc kinh doanh vàng miếng nhưng thị trường đã có sự điều chỉnh rõ rệt. Giá vàng trong nước không còn nhảy những bước dài, vượt qua giá vàng thế giới như trước đây mà có lúc còn thấp hơn...

Những ngày gần đây, giá vàng thế giới leo lên mức cao kỷ lục trong vòng hơn 30 năm qua (trên 1.500 USD/ounce). Nếu Nghị quyết 11 không được ban hành kịp thời thì không biết thị trường vàng và ngoại tệ sẽ rối loạn đến đâu? Chắn chắn sẽ liên tục sốt nóng, tác động xấu tới tâm lý xã hội và kích thích thêm lạm phát.

Những diễn biến trên chứng tỏ các giải pháp vừa qua của Chính phủ rất đúng, rất trúng và kịp thời.

Do vậy, rất cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp về ngoại tệ và vàng như Thủ tướng đã kết luận trong thông báo gần đây (Thông báo số 84). Và quá trình thực hiện phải đạt mục tiêu vừa đảm bảo quyền sở hữu vàng và ngoại tệ của người dân nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát hiệu quả các thị trường này.

Nhưng sức ép lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng tới 3,32% so với tháng trước?

Phải khẳng định rằng, nếu Nghị quyết 11 không được triển khai một cách quyết liệt ngay từ cuối tháng 2/2011 thì diễn biến lạm phát có thể còn xấu hơn nữa. Kiểm soát được lạm phát ở mức độ này là nhờ Nghị quyết 11 được ban hành kịp thời với một loạt giải pháp đồng bộ và toàn diện.

Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải nhận rõ căn nguyên lạm phát để có đối sách phù hợp. Trước hết, phải khẳng định rằng, tốc độ tăng CPI cao trong vài tháng gần đây không xuất phát từ nguyên nhân tiền tệ mà do "chi phí đẩy".

Đây là nguyên nhân căn bản trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại trên phạm vi toàn cầu. Ở trong nước, giá điện, xăng dầu, than... buộc phải điều chỉnh với mức độ khá cao do Ngân sách nhà nước không đủ sức để có thể tiếp tục bù lỗ nhằm giữ giá các mặt hàng này.

Trước tình hình này, theo Bà, có nên thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa?

Tôi cho rằng, chính sách tiền tệ hiện thắt chặt đến mức ngặt nghèo. Trong nhiều năm gần đây, chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán dưới 16%. Điều đó khẳng định mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát.

Nhưng nếu nhìn vào căn nguyên của lạm phát, như đã phân tích ở trên, thì trong thời điểm hiện nay, không nên thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Và cũng chưa nên sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND. Tuy nhiên, đối với lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động tiền gửi VND (14%/năm - PV) cần phải xem xét điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh sức ép lạm phát tăng cao.

Có hiện tượng một số ngân hàng nâng lãi suất huy động VND lên xấp xỉ 20%/năm. Theo Bà, đây là mức lãi suất phù hợp trong bối cảnh lạm phát gia tăng?

Lạm phát cao thì lãi suất có xu hướng tăng lên. Nhưng huy động với lãi suất từ 18% - 20%/năm, theo tôi là bất hợp lý. Huy động như vậy thì lãi suất cho vay ra sẽ ở mức nào? Bởi trong điều kiện hiện nay, ít có doanh nghiệp nào có lãi nếu phải vay ngân hàng với lãi suất trên 20%/năm.

Mặc dù lãi suất huy động VND tăng cao, nhưng theo một số ngân hàng, vốn VND vẫn chưa chảy nhiều vào ngân hàng. Vì sao vậy, thưa Bà?

Tôi hy vọng sau khi NHNN áp trần lãi suất huy động ngoại tệ (tối đa là 3%/năm đối với cá nhân và 1%/năm đối với doanh nghiệp), người dân và doanh nghiệp sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng và vốn tiền đồng sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn.

Tuy nhiên, có một thực tế là, trong bối cảnh lạm phát tăng cao thì một bộ phận người dân tìm cách bảo vệ giá trị tài sản của mình bằng cách đầu tư vào bất động sản. Chính vì vậy, việc giải quyết bài toán vốn VND không chỉ nằm ở lãi suất mà còn phụ thuộc vào xu hướng đầu cơ trên thị trường bất động sản. Theo tôi, để vốn VND tập trung chảy vào ngân hàng và ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn này ưu tiên cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, khu vực nông nghiệp, nông thôn... với lãi suất hợp lý thì phải hạn chế tối đa dòng vốn đầu cơ. Để làm được như vậy thì cần phải đánh thuế thật cao vào các giao dịch mua, bán bất động sản mang tính đầu cơ; ngoài ra phải kiểm soát có hiệu quả lạm phát, thị trường vàng và ngoại tệ.

Chưa nên thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Vậy còn chính sách tài khóa, thưa Bà?

Có thể nhận thấy rõ hiệu ứng của chính sách tiền tệ trong ngắn hạn. Nhưng chính sách tài khóa đòi hỏi phải có "độ trễ" dài hơn. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, đầu tư công phải cắt giảm mạnh hơn nữa. Nếu không, mục tiêu giảm tổng cầu nhằm kiềm chế lạm phát sẽ kém hiệu quả.

Xin cảm ơn Bà!

Theo SBV

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên