MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực lợi nhuận lên ngân hàng nhỏ ngày một lớn

06-06-2011 - 16:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Chi phí huy động tăng, tín dụng bị áp trần và thu hẹp cho vay phi sản xuất là những nguyên nhân chính làm sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ.

Chi phí huy động tăng trước áp lực lạm phát, trong khi tăng trưởng tín dụng phải kiểm soát dưới mục tiêu NNNN đưa ra, đồng thời thu hẹp dần cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất - vốn được xem là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu cho một số ngân hàng… khiến lợi nhuận của không ít nhà băng quy mô nhỏ đang đứng trước thách thức khó hoàn thành chỉ tiêu đưa ra.

Trong khi đó, tỷ lệ cổ tức năm 2011 đã được các nhà băng “hứa” với cổ đông, dù ở mức khiêm tốn.

Tính đến thời điểm này, thời gian hoạt động của năm tài chính 2011 đã gần hết phân nửa, song một số ngân hàng nhỏ cho biết, chỉ mới hoàn tất được khoảng 20% kế hoạch lợi nhuận của năm.

Theo đại diện của một ngân hàng hiện mức vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chưa đạt tới con số 70 tỷ đồng. Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế đã được nhà băng này trình và đại hội đồng cổ đông thông qua ở kỳ họp thường niên vào trung tuần tháng 4 vừa qua với mức gần 400 tỷ đồng cho năm 2011, tăng 400% so với năm 2010. Còn tỷ lệ cổ tức dự kiến 10%, tăng thêm 6% so với năm trước.

Như vậy, nếu muốn hoàn tất được chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho cả năm nay thì ngân hàng trên phải phấn đấu để đạt trên 300 tỷ đồng lợi nhuận trong 2 quý còn lại của năm. Tuy nhiên, điều này là không dễ thực hiện trước tình hình hiện nay và dự báo xu hướng lãi suất tiền đồng sẽ khó giảm nhiệt trong cả năm 2011.

Tương tự, trong kế hoạch xây dựng cho năm 2011 đã thông qua đại hội đồng cổ đông ở kỳ họp diễn ra ngày 18/4 vừa qua, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được một ngân hàng cỡ vừa có trụ sở ở TP. HCM đưa ra là 600 tỷ đồng so với con số lợi nhuận đạt được của năm trước là hơn 500 tỷ đồng. Đồng thời, một mục tiêu khác của nhà băng này là sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ đồng hiện nay lên 4.000 tỷ đồng trong năm nay.

Thế nhưng, một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này cho biết, trong 5 tháng qua, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mới đạt 100 tỷ đồng, hoạt động tín dụng hầu như không có lãi ở 2 tháng đầu của quý II/2011.

Lý do được vị lãnh đạo này đưa ra là, trong quý II, trong khi lãi suất huy động phải tăng lên theo mặt bằng chung thì tín dụng lại hầu như không tăng, một phần do yêu cầu hạn chế tăng tín dụng của NNNN, nhất là tín dụng phi sản xuất, phần khác do nhu cầu vay cũng giảm đi.

“Chúng tôi mong rằng, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong những tháng cuối năm để có thể tận dụng cơ hội phát triển hoạt động cho vay, với kỳ vọng hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận như kế hoạch xây dựng”, vị lãnh đạo này nói.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán tại cuộc họp ngày 3/6, Tổng giám đốc OCB, Trịnh Văn Tuấn cho biết, kết thúc 5 tháng qua, OCB cũng chỉ mới đạt được 115 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận năm 2011 đã được OCB trình và đại hội đồng cổ đông thông qua trong kỳ họp ngày 2/6 là 500 tỷ đồng, tăng 24,25% so với năm trước.

Đồng thời, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 2.635 tỷ đồng lên 3.402 tỷ đồng trong năm 2011 và dự kiến sẽ được thực hiện vào 2 quý cuối năm. Mức cổ tức OCB dự kiến chi trả cho cổ đông trong năm nay tối thiểu là 10%.

Theo lý giải của ông Tuấn, sở dĩ lợi nhuận Ngân hàng đạt được trong 5 tháng qua ở mức khiêm tốn, một phần do tăng trưởng tín dụng trong gần 2 quý qua chậm, chỉ đạt khoảng 5% so với cuối năm trước; mặt khác, OCB phải thực hiện việc giảm dần tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất và đến thời điểm này, Ngân hàng đã kéo được tỷ lệ này xuống 27%, cố gắng đến 30/6 sẽ xuống 22%.

Ông Tuấn cho rằng, diễn biến thị trường 5 tháng qua không mấy thuận lợi cho hoạt động của ngành. Ông Tuấn thừa nhận, chỉ tiêu lợi nhuận 500 tỷ đồng mà OCB đưa ra trong năm nay đang là áp lực không nhỏ đối với ban điều hành của Ngân hàng. OCB kỳ vọng, thị trường 7 tháng cuối năm sẽ có chuyển biến tích cực hơn cho hoạt động của ngành ngân hàng, lãi suất có thể giảm xuống khi lạm phát được kiểm soát.

Chủ tịch HĐQT TrustBank, ông Hoàng Văn Toàn cũng cho hay, so với chỉ tiêu 550 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà Ngân hàng xây dựng cho cả năm nay, mức đạt được trong 5 tháng qua chưa bằng 1/5 do mới chỉ đạt 100 tỷ đồng.


Theo ông Toàn, với tình hình thị trường như hiện nay và 7 tháng cuối năm, kế hoạch lợi nhuận của Ngân hàng đứng trước thách thức rất lớn để có thể hoàn thành. Ông Toàn giải thích thêm, khi tín dụng khó tăng trưởng, nhà băng phải chuyển vốn qua đầu tư, nhưng đầu tư thì chu kỳ thu lợi nhuận không phải theo tháng mà dài hơn, nhanh thì hàng quý còn thường thì hàng năm.

Cuối năm qua, TrustBank đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng. Lúc đầu, Ngân hàng định dành một phần trong số vốn tăng thêm này để cho vay trên thị trường liên ngân hàng, song điều này không dễ thực hiện, do Ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu kiểm soát dư nợ của NHNN ở mức 20%.

Trong những tháng qua, TrustBank cũng là một trong những nhà băng quy mô vừa đã tăng tốc thực hiện việc giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất xuống theo yêu cầu của Chỉ thị 01/2011/CT-NHNN, dù trước đó, tín dụng phi sản xuất của TrustBank chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng dư nợ.

Ông Toàn cho biết, đến 30/6, tỷ trọng dư nợ phi sản xuất của Ngân hàng dù chưa đạt đến tỷ lệ 22%, nhưng khả năng chỉ còn khoảng 23- 24% và chắc chắn đến cuối năm nay, TrustBank sẽ đưa tỷ lệ này về đúng như chỉ đạo của NHNN là không quá 16%. Hiện TrustBank đã ngưng cho vay chứng khoán, bất động sản và hạn chế tối đa đối với tín dụng tiêu dùng cá nhân.

Bù lại, Ngân hàng này tăng vốn cho khu vực nông thôn, trong đó tập trung cho tỉnh Long An và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo kế hoạch, tín dụng phục vụ cho các khu vực trên của TrustBank năm nay là khoảng 800 tỷ đồng và 5 tháng qua đã giải ngân được gần hết chỉ tiêu tín dụng nói trên.

TrustBank cũng như hầu hết các nhà băng vừa và nhỏ khác kỳ vọng, với chính sách tăng cường tín dụng cho các mục tiêu được ưu tiên như: sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực nông nghiệp, nông thôn, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng trong những tháng còn lại của năm 2011 sẽ được bù đắp.

Bên cạnh đó, thông thường, các năm trước, để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng cho cả năm, nhà băng luôn kỳ vọng vào thời điểm 2 quý cuối cùng. Bởi đây được xem là thời điểm “ăn nên làm ra” của hoạt động cho vay – vốn là nguồn thu chính của các nhà băng nhỏ (luôn chiếm 70 – 80% trong tổng thu nhập).

Theo Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán

duclm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên