MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ lãi suất trần huy động ngoại tệ: Mạnh tay bình ổn thị trường

06-06-2011 - 08:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Đầu vào cho tín dụng có khả năng sụt giảm mạnh trong vài tháng tới. Những NH đã “lỡ tay” cho vay bằng USD quá nhiều có thể sẽ gặp khó khăn về thanh khoản.

Ngày 2.6, NHNN đã công bố thông tư 14 quy định mức lãi suất tối đa bằng USD. Theo đó, lãi suất trần tiền gửi USD đối với cá nhân hạ từ 3% xuống 2%, đối với DN hạ từ 1% xuống còn 0,5%. Đây là giải pháp khá mạnh tay để bình ổn thị trường và được sự đồng tình, ủng hộ từ nhiều NH thương mại.

Trước đó 1 ngày, NHNN cũng đã công bố quy định về tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 1% và công bố quy định các DNNN phải bán ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi cho NH. Các quy định này nhìn chung tạo được sự đồng tình và ủng hộ từ các NHTM.

Ông Lê Quang Trí - Tổng Giám đốc NH Nam Việt (Navibank) - nhận định: “Cách làm của NHNN thể hiện sự kiên quyết nhằm bình ổn thị trường ngoại tệ. Trong mấy tháng qua, cung - cầu USD và tỉ giá đã ổn định, tạo thuận lợi cho hoạt động NH và cho nền kinh tế. Các quy định mới sẽ tạo thêm nguồn cung USD. Trước mắt, tỉ giá có thể tiếp tục giảm nhẹ”.

Với 1% tăng thêm dự trữ bắt buộc, lãi suất đầu ra sẽ tăng rất ít, tương ứng với 0,03%/năm.

Hiện tại, hầu hết các NH đều đã mua - bán USD dưới giá trần, khoảng cách giữa giá mua và giá bán ngày một nới rộng. Người dân và DN không còn tâm lý găm giữ USD, giao dịch trở nên thông suốt.

Quy định hạ lãi suất trần sẽ tiếp tục kích thích người dân bán USD cho NH vì chuyển sang VND có lợi hơn giữ USD. Nguồn cung từ doanh nghiệp cũng tăng lên do quy định kết hối có hiệu lực từ 1.7.

Theo phó tổng giám đốc một NHCP, về lý thuyết, việc tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm tăng chi phí và kéo theo lãi suất đầu ra sẽ tăng. Tuy nhiên, với 1% tăng thêm dự trữ bắt buộc, lãi suất đầu ra sẽ tăng rất ít, tương ứng với 0,03%/năm.

Trong khi đó, thông tư 14 hạ lãi suất trần đầu vào sẽ phải hạ 1% đối với tiền gửi cá nhân và 0,5% đối với tiền gửi doanh nghiệp. Vì vậy, có khả năng lãi suất cho vay - hiện dao động quanh mức 6% - sắp tới sẽ có khả năng giảm theo.

Có NHTM tăng trưởng dư nợ USD đến 50% trong 5 tháng đầu năm, nhưng dư nợ VND chỉ tăng khoảng 7%.

Tuy nhiên, các quy định mới không hẳn sẽ đem lại thuận lợi cho tất cả các NHTM. Trong những tháng đầu năm, hoạt động tín dụng bằng USD tăng trưởng mạnh do lãi suất hạ và do tỉ giá ổn định.

DN vay vốn bằng USD lợi hơn nhiều so với VND vì chênh lệch lãi suất quá cao. Có NHTM tăng trưởng dư nợ USD đến 50% trong 5 tháng đầu năm, nhưng dư nợ VND chỉ tăng khoảng 7%.

“Việc người dân và DN tăng bán USD cho NH sẽ kéo theo nguồn tiền gửi sẽ bị giảm” - phó tổng giám đốc một NHCP - cho biết. Đầu vào cho tín dụng có khả năng sụt giảm mạnh trong vài tháng tới. Những NH đã “lỡ tay” cho vay bằng USD quá nhiều có thể sẽ gặp khó khăn về thanh khoản. Việc hạ lãi suất trần huy động sẽ làm cho lãi suất cho vay giảm, nhưng nếu đầu vào gặp khó khăn thì lãi suất đầu ra sẽ bị đẩy lên”.

Về lâu dài, giải pháp căn cơ để bình ổn thị trường ngoại tệ vẫn là giảm nhập siêu, giảm thâm hụt cán cân vãng lai. Trước mắt, các giải pháp của NHNN giúp “tận dụng” nguồn ngoại tệ trong dân và doanh nghiệp để bình ổn thị trường. Nhưng về lâu dài, nếu nhập siêu vẫn lớn thì tình trạng thiếu hụt ngoại tệ vẫn có thể xảy ra. Khi đó, các chính sách can thiệp để bình ổn sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo Trung Phương
Lao động

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên