MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lượng hóa những đồn thổi về giải chấp

Với mặt bằng lãi suất hiện tại, theo VIS, lợi nhuận kỳ vọng phải đạt trên 35% mới có thể xuất hiện lực cầu trở lại.

Nhìn tổng thể, rủi ro thanh khoản đe dọa các CTCK nhiều hơn là rủi ro tài trợ vốn cho NĐT. Để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này và đứng vững, TTCK rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý..

Quý I/2011 không diễn ra hoạt động giải chấp ồ ạt, mà chỉ là giai đoạn các CTCK giảm tự doanh để thu hồi vốn và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Nhưng nếu ngân hàng quyết tâm siết nợ chứng khoán thì áp lực bán tại CTCK trong tháng 6 sẽ rất căng thẳng. TTCK đang rất cần liều thuốc "an thần" để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Lực cầu sẽ trở lại nếu lợi nhuận kỳ vọng trên 35%

Rất nhiều người cho rằng, sự sụt giảm của giá cổ phiếu trong giai đoạn từ đầu năm 2011 đến nay là do việc bán chứng khoán của các CTCK. Tuy nhiên, sâu xa hơn thì nguyên nhân chính lại là sự thay đổi của các yếu tố vĩ mô gây ra các thay đổi trong lực cung và cầu trên TTCK.

Chính sự thay đổi vĩ mô đã buộc các CTCK bán chứng khoán và gia tăng lực cung trên thị trường. TTCK sẽ "ngừng rơi" và tìm được điểm cân bằng khi có sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Lãi suất trên thị trường tăng cao đã làm gia tăng chi phí cơ hội và giảm lực cầu khi đầu tư vào TTCK. Lãi suất tăng cao đã và đang làm tình hình hoạt động của nhiều DN khó khăn hơn và tiếp tục làm giảm sức hấp dẫn của TTCK.

Tuy nhiên, như một quy luật, khi giá chứng khoán càng giảm, cổ phiếu càng trở nên hấp dẫn và lợi nhuận kỳ vọng khi đầu tư vào cổ phiếu sẽ tăng. Khi lợi nhuận dự kiến vượt qua chi phí cơ hội thì thị trường sẽ xuất hiện lực cầu mới, đến lúc đó giá sẽ ngừng rơi.

Với mặt bằng lãi suất hiện tại, theo chúng tôi, lợi nhuận kỳ vọng phải đạt trên 35% mới có thể xuất hiện lực cầu trở lại. Tuy nhiên, nếu để thị trường tự điều tiết về ngưỡng này thì có thêm rất nhiều NĐT và DN rơi vào cảnh khốn khó về tài chính.

Lượng hóa những đồn thổi về giải chấp


Nguồn tổng hợp dựa trên báo cáo tài chính đã kiểm toán của 46 công ty chứng khoán có vốn trên 200 tỷ đồng.

Thống kê 46 CTCK có vốn hóa trên 200 tỷ đồng, trong năm 2010, nợ vay của các CTCK này tăng từ 27.000 tỷ đồng lên tới trên 47.000 tỷ đồng, tăng 72,15%, chủ yếu do vay ngắn hạn tăng (97,89%), vay dài hạn có xu hướng giảm (-11,64%).

Toàn bộ số tiền vay thêm của các CTCK trong năm 2010 được dùng để chi chủ yếu cho hoạt động tài trợ NĐT và phần còn lại để các CTCK tăng danh mục đầu tư.

Tính đến đầu năm 2011, tổng tài trợ của các CTCK trên đã đạt gần 34.000 tỷ đồng, trong đó, các hoạt động kinh doanh chứng khoán niêm yết vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu (56,9%, 19.000 tỷ đồng). Các CTCK có tài trợ vốn nhiều nhất gồm Agriseco, Thăng Long, VPBS, Bản Việt, FPT, An Bình… (xem bảng).



Theo số liệu tổng hợp, số tiền vay của khối CTCK đã giảm khoảng 30% trong quý I/2011 được thanh toán từ 3 nguồn: bán chứng khoán tự doanh; giảm tài trợ cho các NĐT và một phần tiền mặt hiện có.

Chi tiết hơn, lượng bán chứng khoán trong danh mục tự doanh của CTCK chiếm tỷ trọng đáng kể so với con số giảm tài trợ (giảm nợ), nên có thể thấy trong quý I, không diễn ra hoạt động bán giải chấp ồ ạt như nhiều người suy đoán, mà chỉ là giai đoạn các CTCK giảm tự doanh để thu hồi vốn và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.

Quý I, áp lực giải chấp thực sự chưa cấp bách, bởi nếu tính thời hạn trả nợ trung bình của các khoản vay ngắn hạn là 6 tháng thì cao điểm sẽ bắt đầu từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 trở đi. Kể từ thời gian này đa số các khoản vay sẽ đến hạn, các CTCK sẽ phải tiếp tục giảm tự doanh và giải chấp số chứng khoán đã tài trợ vốn cho nhà đầu tư.

TTCK cần thuốc "an thần"

Nhìn tổng thể, rủi ro thanh khoản đe dọa các CTCK nhiều hơn là rủi ro tài trợ vốn cho NĐT. Để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này và đứng vững, TTCK rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan, bao gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, UBCK.

Để tháo gỡ khó khăn hiện tại, trước tiên, cần giảm bớt áp lực trả nợ của các CTCK. Thời hạn giảm dư nợ tín dụng trong lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có chứng khoán vào ngày 31/6 đang đến gần.

Nếu Ngân hàng Nhà nước kiên quyết thắt chặt tín dụng vào chứng khoán thì có thể gây nên một cú sốc nữa trên thị trường. Việc kéo dài thời hạn giảm dư nợ tín dụng chứng khoán sẽ là liều thuốc an thần cho TTCK, sau cú sốc thắt chặt tiền tệ kéo dài từ đầu năm đến nay.

Các CTCK, nếu được giãn nợ, sẽ có điều kiện điều chỉnh định hướng kinh doanh, tránh tình trạng bán chứng khoán bằng mọi giá để trả nợ ngân hàng.

Điều quan trọng nhất là lúc này, TTCK cần được tiếp sức, bởi nếu "xử" mạnh tay các khoản nợ, có thể sẽ làm suy thoái quá mức một định chế thị trường non trẻ, trong khi những mục tiêu lớn như giảm lạm phát, giảm lãi suất… không thể giải quyết ngày một ngày hai.

Sau giai đoạn "hồi sức", nhiệm vụ tiếp theo sẽ là bình ổn thị trường. Sự ra đời của Thông tư 74/2011/TT-BTC ngày 1/6/2011 tuy chỉ là những giải pháp kỹ thuật, nhưng về dài hạn đây là mở đầu tốt cho việc bình ổn thị trường. Nếu toàn bộ hoạt động giao dịch ký quỹ được minh bạch, có số liệu đầy đủ, chính xác, sẽ giúp các nhà quản lý, các nhà đầu tư đánh giá được đúng thực trạng của thị trường, kịp thời ngăn chặn những giao dịch có thể gây tổn thất lớn.

Một hành động mạnh tay hơn cần làm là sắp xếp lại các CTCK và DN niêm yết. Hiện nay, số lượng công ty niêm yết, CTCK là quá lớn so với quy mô của TTCK Việt Nam và vì thế, cần một sự thanh lọc thực sự để đảm bảo rằng, hàng hóa và dịch vụ cung ứng trên TTCK đủ chất lượng.

Điều kiện cần cho sự ổn định và phát triển của TTCK là phải có một chính sách tiền tệ minh bạch, ổn định trong dài hạn. Có một quy luật chung: với bất kỳ chính sách tiền tệ nào, thắt chặt hay nới lỏng, TTCK trong dài hạn đều có thể tự điều tiết và tìm được điểm cân bằng. Tuy nhiên, chính chính sách vĩ mô thay đổi bất thường luôn là nguyên nhân khiến TTCK bị sốc và kết quả là không thể ổn định được.

Theo Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCK Quốc tế Việt Nam
ĐTCK

phuongmai

Trở lên trên