MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng chưa vội mừng

08-06-2011 - 13:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo chu kỳ kinh doanh hằng năm, tín dụng thường tăng mạnh vào quý III và IV. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, rất có thể tín dụng lại vượt rào như năm 2010.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, tính đến ngày 23.5.2011, tổng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 6,2% so với cuối năm 2010. Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 2,59%, nhưng tín dụng bằng ngoại tệ tăng tới 18,9%.

Bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, nhận xét: “Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay, cùng với các chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, các chỉ tiêu đưa ra sẽ đạt được”. Mặc dù vậy, chặng đường nửa năm còn lại còn không ít thách thức.

Tiếp tục kiểm soát

Nếu nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng trên và so với mục tiêu cả năm 2011 dưới 20%, trong những tháng còn lại, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, khả năng tín dụng vượt rào không phải là không có.

Một đại diện của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (không muốn nêu tên) cho biết một số ngân hàng thương mại đang có mức tăng trưởng tín dụng cao, lên tới 9-10% trong 5 tháng đầu năm.

Trong khi đó, theo bà Cao Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội, kết quả kinh doanh khả quan của không ít ngân hàng trong quý I/2011 có nguyên nhân từ tăng trưởng tín dụng cao.

Bà Nga cũng cho rằng, tư tưởng mong chờ Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm như năm 2010 đã xuất hiện ở không ít ngân hàng. Chính điều này đã khiến cho một số ngân hàng thương mại đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm.

Trong năm 2010, cũng với mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ ngay từ đầu năm. Tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2010 cũng chỉ ở mức xấp xỉ 8% và cho đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm vẫn chỉ ở mức xấp xỉ 13%. Đây là con số khá thấp so với mục tiêu đề ra cả năm 2010 là 25%.

Tuy nhiên, kể từ giữa quý III/2010 trở đi, trước diễn biến khả quan về lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ, khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng cao. Đến hết năm, tăng trưởng tín dụng đã vượt lên trên 31%. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến áp lực trong điều hành kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ trong năm 2011.

Hơn nữa, theo chu kỳ kinh doanh hằng năm, tín dụng thường tăng mạnh vào quý III và IV. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, rất có thể tín dụng lại vượt rào như năm qua, nhất là khi dư nợ cho vay tại một số ngân hàng đã tăng trưởng nóng trong những tháng đầu năm.

Khó khăn bủa vây

Ông Nguyễn Trí Hiếu, nguyên Phó Tổng Giám đốc Deutsche Bank tại Việt Nam, nhận định, với quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng khó có thể được nới lỏng. Điều này đồng nghĩa với việc khó khăn sẽ đè nặng lên hoạt động của các ngân hàng trong những tháng cuối năm.

Ngoài áp lực giảm lợi nhuận do tín dụng bị siết chặt, các ngân hàng còn phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng, kết quả của chính sách cho vay lỏng lẻo và tăng trưởng quá nóng trong những năm trước đây.

Bên cạnh đó, chi phí về vốn tại các ngân hàng cũng gia tăng. Có thể thấy, lãi suất đầu vào đang ở mức cao trong khi đầu ra gặp khó khăn do tăng trưởng tín dụng bị khống chế ở mức 20%. Các ngân hàng thương mại cũng sẽ phải chịu rủi ro về thanh khoản, do người gửi tiền, với kỳ vọng lãi suất sẽ còn tăng cao, thường lựa chọn các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng.

Với những rủi ro trên, ông Hiếu cho rằng, ngay cả những ngân hàng thương mại đã có kết quả kinh doanh tốt trong quý I và II thì cũng nên cẩn thận trong những quý tới.

Để giảm thiểu rủi ro, ngay từ bây giờ các ngân hàng nên rà soát lại những khoản nợ xấu và những khoản nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu, đồng thời lập ra một phòng ban chuyên trách vấn đề này. Còn đối với rủi ro thanh khoản, theo ông Hiếu, các ngân hàng nên thực hiện quản lý dòng tiền để độ chênh về kỳ hạn trả nợ của khách hàng và kỳ hạn đáo nợ của các khoản tiền gửi được rút ngắn hơn.

Để vượt qua khó khăn, các ngân hàng cũng cần phải tiết giảm chi phí hoạt động, đồng thời rà soát lại các chính sách cho vay để cung cấp tín dụng một cách hợp lý hơn.

Theo Phương Lan
Nhịp cầu đầu tư

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên